Sản xuất vụ đông trong những năm gần đây thường gặp nhiều khó khăn bởi thời tiết bất thuận, làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân trong đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích. Năm nay, ngành Nông nghiệp đã định hướng các địa phương sản xuất vụ đông theo hướng “ăn chắc”, quy mô hợp lý, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng sinh thái nông nghiệp.
Nông dân xã Kim Thái (Vụ Bản) chăm sóc cây su hào vụ đông. |
Khởi đầu vụ đông năm nay, các hộ nông dân trong tỉnh gặp thuận lợi để bố trí sản xuất bởi quỹ đất dồi dào hơn do diện tích trà mùa sớm đạt kế hoạch đề ra. Nền nhiệt từ đầu vụ đến nay cũng ấm hơn trung bình nhiều năm nên các hộ có thêm điều kiện mở rộng diện tích các cây trồng ưa ấm. Hiện các loại vật tư nông nghiệp, đặc biệt là phân bón đã cắt cơn “sốt” giá và tín hiệu thị trường các sản phẩm cây vụ đông như ngô ngọt, ớt, rau các loại… được đánh giá có nhiều khả quan cũng giúp người nông dân yên tâm sản xuất hơn. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 24-4-2023 đang là động lực thúc đẩy hợp tác xã, người dân đầu tư máy móc, thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất nhằm giảm áp lực nhân công, giảm chi phí đầu vào và tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt, công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường thời gian qua đã được các cấp, ngành triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả, đã thu hút không ít doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục liên kết hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung. Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, sản xuất vụ đông vẫn đối mặt với một số khó khăn cố hữu nhiều năm nay như: thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt đầu vụ thường xảy ra mưa lớn, gây ngập úng, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân trong đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích. Trong tỉnh cũng chưa có nhiều cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm, số lượng các doanh nghiệp liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.
Ngay từ đầu vụ, các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn, đặc biệt là các địa phương có điều kiện và kinh nghiệm làm vụ đông trên ruộng 2 lúa, căn cứ vào diện tích thu hoạch lúa mùa để chủ động xây dựng kế hoạch xuống giống; lựa chọn, quy hoạch những chân ruộng vàn và vàn cao, thuận lợi tưới tiêu, hạn chế thấp nhất rủi ro để gieo trồng cây vụ đông. Tổ chức kiểm tra, tu bổ, nạo vét các kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo tiêu thoát nước tốt, khắc phục tình trạng cây vụ đông bị ngập úng khi gặp mưa lớn. Bên cạnh đó, tính toán, bố trí tỷ lệ hợp lý giữa nhóm cây ưa ấm và nhóm cây ưa lạnh, đa dạng hóa các nhóm cây khác nhau và trồng rải vụ đối với cây rau nhằm giảm áp lực trong tiêu thụ. Trong đó, chú trọng sản xuất các loại cây trồng phục vụ chế biến - xuất khẩu, có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định và có hiệu quả kinh tế cao như: bí xanh, cà chua, dưa chuột, cải dầu, ngô nếp, ngô ngọt...
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã trồng được khoảng 10 nghìn ha cây vụ đông, cơ bản đạt 100% kế hoạch đề ra; trong đó cây ngô đạt 1.580ha, khoai tây trên 1.700ha, khoai lang 270ha, cà chua 550ha, bí xanh 480ha và hơn 4.200ha rau các loại. Trung tâm Khuyến nông (Sở NN và PTNT) đã thực hiện mô hình sản xuất rau bắp cải an toàn theo công nghệ Nhật Bản tại xã Giao Tiến (Giao Thủy). Thực hiện mô hình, các hộ dân không sử dụng nguồn nước ô nhiễm để tưới rau; không dùng thuốc trừ cỏ, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, phân tươi; không bón đạm đơn, chỉ bón phân tổng hợp NPK... Đây là mô hình đã được Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện tại các địa phương trong những năm qua nhằm nâng cao nhận thức người nông dân, đồng thời xây dựng thương hiệu cho vùng trồng rau an toàn và thúc đẩy mối liên kết giữa người sản xuất với thị trường, qua đó tăng thu nhập cao hơn cho người sản xuất và giúp cộng đồng sử dụng được những sản phẩm an toàn. Ngoài ra, Trung tâm còn khảo nghiệm mô hình trồng khoai tây thương phẩm tại xã Yên Cường (Ý Yên). Là địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông, việc mở rộng diện tích và đưa các loại cây trồng có giá trị cao vào sản xuất sẽ giúp nông dân xã Yên Cường tăng thêm thu nhập và gắn bó hơn với đồng ruộng.
Nông dân xã Nam Hoa (Nam Trực) chăm sóc cây rau màu vụ đông. |
Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp không chỉ trong sản xuất lúa mà hiện đã được mở rộng áp dụng trong cả sản xuất rau màu. Vụ đông năm nay,
khâu làm đất đạt tỷ lệ cơ giới hóa 100%. Nhiều hộ dân vùng chuyên màu đã đầu tư máy làm đất, trang bị thiết bị rạch hàng, lên luống, bón phân, tra hạt các loại lạc, ngô và giống khoai tây; trang bị máy bơm động lực công suất nhỏ có gắn đầu tưới dạng phun mưa, phun sương. “Cao cấp” hơn có hộ còn đầu tư nhà màng, nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động giúp kiểm soát lượng nước, thời tiết để trồng rau công nghệ cao. Điển hình về các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là các mô hình: sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Yên Cường; trồng dưa, rau các loại công nghệ cao trong nhà lưới theo VietGAP của Công ty Cổ phần Sản xuất và Đầu tư nông nghiệp Công nghệ cao Thần Nông tại xã Đại Thắng (Vụ Bản); Mô hình liên kết với Công ty Cổ phần Nam Dược chuyển đổi đất lúa sang trồng cây dây thìa canh; liên kết với Công ty Dược phẩm Traphaco tại xã Hải Lộc (Hải Hậu) sản xuất, chế biến cây đinh lăng…
Trong thời gian này, ngành Nông nghiệp đang chỉ đạo cán bộ chuyên môn thường xuyên bám sát cơ sở, tập huấn cho bà con nông dân nắm bắt khoa học kỹ thuật, đồng thời có những dự báo các đối tượng sâu bệnh hại cây vụ đông cho các địa phương và nông dân phòng trừ hiệu quả. Thời tiết thuận lợi cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học từ giống đến phương thức canh tác, đặc biệt là sự cần cù, chịu khó của người nông dân đang là những yếu tố quyết định để dẫn đến một vụ đông thắng lợi, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin