Đưa Nam Định trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng - Kỳ I: Những kết quả đáng ghi nhận

19:41, 08/11/2023

Kỳ I: Những kết quả đáng ghi nhận

Sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo Quyết định số 672/QĐ-UBND ngày 7-5-2012 của UBND tỉnh, đến nay các mục tiêu đề ra đã cơ bản đạt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót cần khắc phục cả trước mắt và trong chiến lược dài hạn nhằm tạo bước chuyển dịch căn bản cho công nghiệp của tỉnh, xứng đáng trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).

Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (Giao Thuỷ) tích cực đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm cơ khí, một trong những sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Công ty TNHH Cơ khí Quyết Tiến (Giao Thuỷ) tích cực đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm cơ khí, một trong những sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh. 

Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025 đặt mục tiêu: Xây dựng ngành công nghiệp Nam Định ngày càng lớn mạnh, hiện đại, thân thiện với môi trường, có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu vào khu vực và thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nhân dân. 

Tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp, bao gồm đầu tư mới và mở rộng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) theo hướng đồng bộ, hiện đại và bảo vệ môi trường. Đến nay, toàn tỉnh có 4 KCN đang hoạt động, gồm Bảo Minh, Hòa Xá, Dệt may Rạng Đông, Mỹ Trung với tổng diện tích 1.110ha; có 24 CCN được thành lập, trong đó có 19 CCN đã đi vào hoạt động. Các địa phương đã tích cực di dời các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề nằm xen kẽ trong khu dân cư vào các khu, CCN để tránh gây ô nhiễm môi trường sống; đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp tập trung. Trong đó, chú trọng thu hút các doanh nghiệp, cơ sở áp dụng công nghệ tiên tiến phát triển mạnh các ngành trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh, có truyền thống, huy động được mọi tiềm năng, nguồn lực, có thể phát triển trong bối cảnh hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới như: dệt may; cơ khí đóng và sửa chữa tàu, cơ khí chế tạo, điện tử, cơ điện tử và công nghiệp phần mềm, nhiệt điện và dược phẩm; chế biến nông, lâm, thuỷ sản. Đặc biệt ưu tiên cho phát triển các ngành công nghệ cao (sản xuất thiết bị, linh kiện, chi tiết, cụm chi tiết cơ khí, cơ điện tử đạt tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ phần mềm...). Các KCN đã thu hút khoảng 178 dự án đầu tư trong nước và 44 dự án đầu tư nước ngoài; trong đó, từ năm 2016 đến nay có 134 dự án trong nước, số vốn đăng ký 7.946 tỷ đồng, vốn thực hiện là 4.480 tỷ đồng, đạt 56,4% vốn đăng ký và 44 dự án đầu tư nước ngoài, số vốn đăng ký 769,7 triệu USD, vốn thực hiện 520,1 triệu USD, đạt 67,5% vốn đăng ký. Còn các CCN thu hút 485 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 3.155 tỷ đồng, đã thực hiện 2.879 tỷ đồng.

Các ngành, các địa phương đặc biệt khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới để chế tạo các sản phẩm có thể thay thế nhập khẩu như: Công nghệ nấu luyện thép hợp kim chất lượng cao tạo ra các sản phẩm thép hợp kim giá thành chỉ bằng 40-50% giá nhập khẩu; công nghệ ép thủy lực song động để sản xuất gạch ống xi măng cốt liệu (gạch không nung) đạt tiêu chuẩn TCVN 6477:2011, công nghệ sản xuất muối sạch, với công suất 22 nghìn tấn muối tinh/năm và 10 nghìn tấn muối sấy/năm; máy chế biến lâm sản phay mộc đa năng PĐN-5 cung cấp cho thị  trường các tỉnh trên cả nước; hoàn thiện quy trình công nghệ kỹ thuật và sản xuất thử nghiệm bồn trộn bê tông thương phẩm đa năng... Hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất công nghiệp chế biến tạo lập, quản lý, duy trì và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các đặc sản địa phương (trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP). Cụ thể, đã hỗ trợ đăng ký bảo hộ 120 nhãn hiệu, 2 kiểu dáng công nghiệp, 1 sáng chế góp phần nâng cao vị thế của các đặc sản địa phương trên thị trường, góp phần đem lại lợi ích kinh tế. Hỗ trợ 132/250 lượt doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa với các nội dung xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng, áp dụng quy chuẩn quốc gia, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, tham gia giải thưởng chất lượng và kiểm toán năng lượng, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Các ngành chức năng đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại, khai thác và phát triển thị trường trong nước; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa; phối hợp kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu để tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển tại thị trường nội địa. Tuân thủ hướng dẫn của các bộ, ngành triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu chính ngạch gắn với tái cơ cấu ngành hàng; phối hợp với các bộ, ngành xử lý tốt vấn đề về truy xuất nguồn gốc bảo đảm chất lượng hàng hóa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của các nước... 

Chế biến trà củ sen tại Cong ty Cổ phần nông nghiệp Viagri (Trực Ninh).
Chế biến trà củ sen tại Công ty Cổ phần nông nghiệp Viagri (Trực Ninh).

Theo đánh giá của UBND tỉnh, các thành tựu về phát triển công nghiệp của tỉnh hiện nay đã cơ bản đạt mục tiêu Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Nam Định giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025 đề ra. Ngành công nghiệp của tỉnh đã khai thác các lợi thế của địa phương và đóng góp vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng từng năm và chiếm tỷ trọng khá cao (đến năm 2022 chiếm 32,8%) trong tổng sản phẩm của toàn tỉnh; trong nội ngành thì tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm chủ yếu (đến năm 2022 chiếm 31,7%). Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân trong GRDP giai đoạn 2018 -2022 là 13,1%; đến năm 2022 tăng 14,6%.

Các sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng khá, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu, vị thế quy mô Trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, từng bước vươn lên đứng trong “top” đầu của cả nước và giữ vững vị thế thương hiệu tại thị trường nước ngoài như: thuốc và dược liệu có nguồn gốc đông nam dược, sản phẩm may mặc, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, sản phẩm cơ khí đúc sẵn, chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến thủy hải sản... Tỉnh cũng từng bước phát triển các cụm liên ngành công nghiệp cho các lĩnh vực: dệt sợi và may mặc, chế biến lương thực, thực phẩm, máy nông nghiệp tại các địa phương có lợi thế về giao thông, tiềm năng về lao động có chuyên môn, có khả năng trở thành động lực tăng trưởng.

Phát triển công nghiệp đã đóng góp rất lớn vào giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động và thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu thu ngân sách; phục vụ có hiệu quả công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Nông thôn ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, đa dạng ngành nghề về đầu tư, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp dôi dư do chuyển đổi sản xuất quy mô cánh đồng lớn, áp dụng công nghệ và cơ giới hóa như: Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Công ty TNHH Giầy Amara Việt Nam, Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam… 

Vốn đầu tư thực hiện phát triển công nghiệp giai đoạn 2011 đến nay trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực; tỷ trọng vốn đầu tư cho khu vực công nghiệp và xây dựng tăng lên đáng kể, chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, ngay cả khi nền kinh tế gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài có năng lực, đầu tư các dự án với nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu ngân sách lớn, ổn định lâu dài. Tập đoàn Quanta thực hiện dự án sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính với tổng mức đầu tư 120 triệu USD; Tập đoàn JiaWei (Đài Loan) thực hiện dự án sản xuất sản phẩm nhựa và sản phẩm Melamine với tổng mức đầu tư 42,0 triệu USD; Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao, với tổng mức đầu tư 100 triệu USD… tại KCN Mỹ Thuận. Đây là các dự án có khả năng tạo đột phá về phát triển kinh tế của tỉnh, thực hiện chức năng trung tâm công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng.

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com