Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm, đặc biệt là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Giáp Dần 2024, các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh đang tích cực sản xuất chuẩn bị cho thời điểm tiêu thụ hàng cao nhất trong năm.
Nhân viên Công ty TNHH Vạn Hoa, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) kiểm tra chất lượng sứa ăn liền trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. |
Toàn tỉnh có hơn 200 cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản tập trung tại các địa phương về khai thác, nuôi trồng thủy sản là Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Thời điểm này, cơ sở chế biến thủy sản của ông Trần Trung Trực, xã Giao Hải (Giao Thủy) đã chuẩn bị nguồn hàng để kịp cung ứng cho thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Do phải tăng sản lượng, cơ sở tập trung công nhân và huy động thêm hàng chục lao động thời vụ để ủ, tích chứa nước mắm trong các thùng lớn; mọi công đoạn đều thực hiện nghiêm ngặt theo các quy trình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đáp ứng nhu cầu tết của khách hàng, cơ sở đã đóng gói nhiều loại chai, từ chai 1 lít, 2 lít đến chai 5 lít với nhiều mẫu mã đa dạng. Trong quá trình sản xuất, ông Trực luôn đặt chữ “tín” lên hàng đầu bằng việc tạo ra những sản phẩm thơm ngon, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như vệ sinh môi trường, giá cả hợp lý... qua đó, giữ vững chỗ đứng trên thị trường, được người tiêu dùng tin dùng. Chính vì vậy, việc kinh doanh các sản phẩm nước mắm, mắm tôm Trung Trực cũng như các sản phẩm hải sản tươi sống của cơ sở ngày càng phát triển. Hàng năm, cơ sở của ông Trực thu mua khoảng 100 tấn tôm, 200 tấn cá, gần 2.000 tấn sứa ướp mặn cung cấp cho thị trường và khoảng 30 tấn nguyên liệu đầu vào để chế biến nước mắm, mắm tôm. Doanh thu của cơ sở ước đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Các cơ sở sản xuất hải sản khô ở xã Hải Lý (Hải Hậu) tranh thủ những ngày trời nắng ráo làm sạch, phơi cá khô. |
Trên địa bàn thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) có 6 cơ sở thu mua và chế biến hải sản, kinh doanh theo hình thức hộ gia đình, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Hải, Bùi Đức Quyết… Gia đình ông Bùi Đức Quyết có nghề làm nước mắm, mắm tôm gia truyền và được rất nhiều khách hàng gần xa tìm về mua. Ông Quyết cho biết, dù số lượng hàng khách đặt mua ít hay nhiều thì chất lượng, an toàn thực phẩm và uy tín luôn là vấn đề được cơ sở coi trọng. Do nguyên liệu sản xuất chất lượng và áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình chế biến bằng phương pháp thủ công nên nước mắm của ông có thời gian sử dụng cao, đặc biệt càng để lâu càng đậm đà.
Còn với ông Trần Văn Phú, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng) là người đã nhiều năm làm nghề sản xuất chế biến nước mắm, mắm tôm có tiếng ở địa phương với việc áp dụng quy trình sản xuất truyền thống. Các nguyên liệu sau khi đánh bắt được đưa thẳng đến cơ sở sản xuất để chế biến, nên luôn đảm bảo được độ tươi ngon. Nguyên liệu sau khi được sơ chế được trộn với tỉ lệ “một muối tám” , tức là cứ 10kg cá cho thêm 1,8kg muối trộn đều và được đánh đảo, phơi nắng. Sau một năm rưỡi, cơ sở mới rút lấy mắm cốt. Cơ sở chỉ thay đổi tỷ lệ trộn muối giảm xuống so với trước kia để phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng. Ngày thường, nước mắm của gia đình ông bán có giá từ 25-100 nghìn đồng/lít; dịp cuối năm này, ông vẫn giữ nguyên giá để phục vụ khách hàng. Năm nay gia đình ông chuẩn bị hơn 1.200 lít nước mắm, 200kg mắm tôm để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài cơ sở của ông Phú, còn có nhiều hộ gia đình sản xuất nước mắm, mắm tôm khác trên địa bàn xã Nghĩa Hải như: hộ ông Lại Văn Quang, Trần Văn Hiệp, Nguyễn Văn Vĩnh… cũng đang tất bật chuẩn bị hàng phục vụ cho dịp cuối năm.
Ngoài hải sản tươi sống, người dân ở các xã ven biển đang tất bật chuẩn bị hàng khô để phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm và tết. Xã Hải Lý (Hải Hậu) là địa phương sản xuất cá khô nổi tiếng với các loại cá mai, cá đù, tôm…. Toàn xã có 6 cơ sở chế biến hải sản khô, mỗi năm có thể cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn cá khô. Tranh thủ những ngày thời tiết nắng ráo, các cơ sở sản xuất hải sản khô đang đẩy mạnh sản xuất để phơi các loại tôm, cá. Đến với các cơ sở sản xuất hải sản khô trong những ngày này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các giàn phơi cá bằng tre, nứa được dựng lên hai bên đường với mùi hương đặc trưng của các loại tôm, cá. Dịp cuối năm và dịp tết, nhu cầu của khách hàng rất lớn vì hải sản khô có thể dùng làm quà biếu, chế biến những món ăn ngon và có thời gian bảo quản dài, không lo bị mối mọt. Với nhu cầu lớn của khách hàng trong dịp cuối năm và tết, trung bình các cơ sở sản xuất hải sản khô trên địa bàn xã Hải Lý cung cấp ra thị trường từ 300-500kg tôm, cá khô.
Để các mặt hàng hải sản khô phát triển bền vững, thời gian qua nhiều chủ cơ sở sản xuất hải sản khô trên địa bàn tỉnh luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức liên quan đến quy trình sản xuất, chế biến và đảm bảo vệ sinh trong sản xuất. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tăng cường các biện pháp tuyên truyền các chủ cơ sở nâng cao ý thức sản xuất đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật. Vì vậy, lượng hải sản khô của các cơ sở cung cấp cho thị trường trong tỉnh, nhất là giai đoạn giáp tết luôn được người tiêu dùng an tâm lựa chọn./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin