Yên Thắng phát triển kinh tế hộ để tăng thu nhập cho người dân

08:25, 04/10/2023

Phát triển kinh tế hộ là lĩnh vực quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của xã Yên Thắng (Ý Yên). Nhờ cách làm bài bản, ứng dụng khoa học công nghệ, nhiều mô hình phát triển kinh tế hộ ở xã là điểm sáng của huyện, của tỉnh về giải quyết việc làm cho lao động địa phương, là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tuyến phố thương mại xã Yên Thắng.
Tuyến phố thương mại xã Yên Thắng.

Với ưu thế đất đai màu mỡ, người dân cần cù, chịu khó, có nhiều kinh nghiệm trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi, Yên Thắng đã có nhiều giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, xã đã vận động người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển đa dạng các ngành nghề và tạo điều kiện thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất. Các tổ chức đoàn thể đã phối hợp tổ chức tập huấn ứng dụng khoa học vào sản xuất; dạy nghề và giới thiệu việc làm cho người dân; hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, tổng số vốn vay phát triển sản xuất của xã lên đến gần 130 tỷ đồng. Người dân đã yên tâm đầu tư vốn cải tạo vườn tạp, xây dựng chuồng trại, ao đầm với quy mô theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực mở ra hướng sản xuất hiện đại, khoa học nâng cao giá trị nông sản địa phương. Xã đã xây dựng thành công một số sản phẩm đặc trưng là gạo Bắc thơm BT7; dầu lạc Hải Chỉnh, thịt lợn an toàn và rau màu theo mùa vụ với tổng giá trị trên 50 tỷ đồng/năm. Trong đó, mô hình cánh đồng lớn tại thôn Phúc Chỉ, với tổng diện tích gần 40ha chuyên canh tác lúa Bắc thơm BT7, thu hút gần 200 hộ tham gia và vùng chuyển đổi gần 16ha khu vực cánh đồng Cây Si, Mắt Rồng; khu vực cánh đồng Triều Thần cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá và trang trại chăn nuôi hữu cơ của gia đình ông Đinh Hữu Tiệp không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là địa chỉ tin cậy để nhận chuyển giao tiến bộ khoa học từ các chương trình dự án khuyến nông trước khi nhân rộng ra địa bàn toàn xã. Đặc biệt trang trại Tiệp Oanh, thôn Tam Quang xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 14 nghìn m2. Trang trại áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng hệ thống chuồng kín, lưới chống muỗi, có hệ thống thông gió, cấp nước, camera giám sát tự động và đệm lót sinh học trên nền chuồng nuôi. Đệm lót được làm từ vỏ trấu trộn men vi sinh có tác dụng khử mùi, đẩy nhanh tốc độ hoại mục chất thải của lợn, trở thành phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ngay tại địa phương, gia tăng nguồn thu nhập cho trang trại. Chăn nuôi theo phương thức mới đã giúp trang trại không còn canh cánh nỗi lo vấn đề đảm bảo an toàn môi trường do chất thải, nước thải trong quá trình chăn nuôi mà còn tiết kiệm được phần lớn nhiều chi phí đầu vào như: Điện, nước, công lao động, phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, lượng nước sạch giảm 70%-80%, do không phải tắm cho lợn mà chuồng trại vẫn sạch sẽ. Đàn lợn tăng trọng nhanh, chất lượng thịt đạt tiêu chuẩn cao nhờ ăn tốt, ngủ khỏe, thịt thơm, ngon được thị trường ưa chuộng. Đàn lợn gần 300 con của gia đình ông Nguyễn Văn Tiệp đang được tiêu thụ tại các chuỗi phân phối lớn ở trong và ngoài tỉnh với giá bán cao hơn trung bình giá thị trường từ 3.000-5.000 đồng/kg thịt hơi. Sau khi thử nghiệm đạt hiệu quả cao, mô hình chăn nuôi tuần hoàn của gia đình ông Tiệp đã nhanh chóng được người dân trong xã đến học hỏi kinh nghiệm áp dụng vào chăn nuôi nông hộ. 

Sản xuất tóc giả tại Nhà máy APO Group, thôn Dương Hồi, xã Yên Thắng (Ý Yên).ĐT
Sản xuất tóc giả tại Nhà máy APO Group, thôn Dương Hồi, xã Yên Thắng (Ý Yên).

Cùng với sản xuất nông nghiệp, xã còn chú trọng phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ phát triển với đa dạng ngành nghề như chắp nứa, mộc, nề, may công nghiệp và làm tóc giả. Trung bình mỗi năm ngành nghề dịch vụ đã mang lại trên 360 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương; trong đó nghề làm tóc giả đã phát triển ổn định trên địa bàn xã từ hơn 10 năm nay, mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho gần 500 lao động địa phương. Anh Phạm Văn Toản, Giám đốc Nhà máy sản xuất tóc APO Group, thôn Dương Hồi cho biết: Nghề làm tóc giả không khó, cũng không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo. Gần 300 lao động nữ trong xã có thêm công việc với mức thu nhập tốt từ nghề làm tóc giả. Nhờ công việc này mà rất nhiều lao động nữ trong xã không phải đi làm xa; vừa có việc làm, thu nhập lại vẫn có thời gian làm việc nhà, chăm sóc gia đình, con cái, nhiều người mở xưởng tại gia đình khiến cho nghề làm tóc giả càng thêm sinh động. Sản xuất phát triển, hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh cũng sôi động theo. Tuyến đường trục xã trở thành tuyến phố mua sắm với hàng trăm cửa hàng dịch vụ, chuyên doanh tiện ích làm sôi động thêm thị trường hàng hóa ở vùng quê thuần nông.

Phát triển kinh tế hộ giúp người dân giàu hơn, xã hội ổn định hơn, có điều kiện đóng góp xây dựng quê hương ngày càng trù phú. Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân của người dân Yên Thắng đạt 63,5 triệu đồng/người/năm. Dự kiến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tăng lên trên 70 triệu đồng. Xã đang dần tiệm cận các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu. Để tiếp tục phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập cho người dân, Đảng ủy, UBND xã Yên Thắng đang nỗ lực tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký đấu thầu đất công đến từng hộ gia đình để người dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Động viên nhân dân tiếp tục mở rộng sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; có kế hoạch phát triển nghề truyền thống mây tre đan ở xóm Chùa theo hướng ưu tiên những sản phẩm thị trường ưa chuộng như bàn ghế mây, chõng tre và một số sản phẩm trang trí từ tre, nứa để lưu giữ văn hóa bản địa và đa dạng hóa sản phẩm đặc trưng của xã./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com