Ý Yên tạo chuyển biến trong phát triển nông nghiệp hữu cơ

08:28, 18/10/2023

Hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng về nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ngày càng tăng cao, là cơ sở và động lực thúc đẩy sản xuất nông sản an toàn, nông sản hữu cơ theo chuỗi liên kết. Để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, phù hợp với yêu cầu thực tế và điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, thời gian qua, huyện Ý Yên đã tạo các điều kiện thuận lợi, khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất các ngành hàng chủ lực; trong đó chú trọng phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác.

Nông dân xã Yên Dương (Ý Yên) chăm sóc rau theo quy trình sản xuất hữu cơ.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Nông dân xã Yên Dương (Ý Yên) chăm sóc rau theo quy trình sản xuất hữu cơ.

Sau nhiều năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nông nghiệp huyện Ý Yên đã chuyển biến tích cực với tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng, nuôi trồng thủy sản phát triển và duy trì theo hướng hình thành các vùng tập trung, các tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản phát huy vai trò định hướng chất lượng con giống, thức ăn. Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 118/KH-UBND về phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện đã chú trọng xây dựng nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp có hiệu quả, tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp như khuyến khích các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, sản xuất nông sản theo hướng an toàn.

Tổ chức quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp nói chung, nông nghiệp hữu cơ nói riêng và huy động nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Nhiều diện tích ruộng bỏ hoang trước đây được các doanh nghiệp, người dân tích tụ, áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật mới gắn liền sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối hợp với các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển ngành nghề. Hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; mô hình áp dụng các quy phạm thực hành nông nghiệp tốt VietGAP vào sản xuất... Tổ chức cho hộ dân tham quan học tập kinh nghiệm từ mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt hiệu quả cao trong và ngoài tỉnh. Cơ quan chuyên môn, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Nhờ đó, các sản phẩm nông nghiệp của huyện ngày càng phát triển đa dạng với các sản phẩm lúa gạo, rau, củ, quả được sản xuất theo hướng hữu cơ.

Tiêu biểu là mô hình sản xuất rau, củ, quả hữu cơ của Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương với diện tích 2ha, đã được chứng nhận trong giai đoạn chuyển đổi theo TCVN 11041-2:2017. Ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty cho biết: Nắm bắt được nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông sản sạch, an toàn ngày càng tăng, Công ty đã tổ chức sản xuất su hào, cải bắp, cà chua, khoai tây… theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Công ty đã quy hoạch vùng sản xuất và tiến hành cải tạo đất nhằm loại bỏ chất hóa học, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất; đồng thời phân hữu cơ được ủ từ men vi sinh bón cho rau màu. Nhờ đó, các loại rau, củ, quả có chất lượng thơm, ngon, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và được người tiêu dùng đón nhận. Hiện mỗi tháng Công ty cung ứng cho các cửa hàng, siêu thị hàng chục tấn rau sạch, an toàn các loại, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn với thu nhập đảm bảo để bà con yên tâm gắn bó với ruộng vườn.

Tại xã Yên Cường, mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản với diện tích 10ha của HTX Dịch vụ nông nghiệp Nam Cường đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP và cũng đang chuyển đổi sang áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ. Mô hình được các kỹ sư Nhật Bản hướng dẫn kỹ thuật ngâm ủ sản xuất phân bón sinh học tận dụng từ các nguồn phế, phụ phẩm trong nông nghiệp như rơm rạ, rác hữu cơ, các loại cây màu khác sau khi thu hoạch để cải tạo đất, cung cấp dinh dưỡng và loại bỏ độc tố cho đất giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển nhanh, cây khỏe, ít nhiễm sâu bệnh và cho năng suất cao. Việc áp dụng mô hình kinh tế xanh không những giúp nông dân giảm chi phí đầu vào đáng kể cho sản xuất mà còn nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, sản phẩm có giá bán cao gấp 3-4 lần so với các sản phẩm cùng loại được bán đại trà ngoài thị trường.

Ngoài 2 mô hình kể trên, tại huyện Ý Yên còn những mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ khác như: mô hình sản xuất rau sạch tại xã Yên Dương; mô hình liên kết sản xuất các giống lúa có chất lượng cao Bắc thơm 7, ST 25, Lộc trời 183 của Công ty TNHH Toản Xuân với các xã Yên Ninh, Yên Lương, Yên Thắng, Yên Lộc… Những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ chính là điều kiện quan trọng để các sản phẩm nông nghiệp của huyện Ý Yên khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Cũng nhờ đó, các xã, thị trấn chọn ra được mặt hàng, sản phẩm chủ lực để xây dựng sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao, 4 sao như: trứng gà sạch Phú Nghĩa, xã Yên Nghĩa; gạo sạch Toản Xuân; thịt lợn sạch của HTX chăn nuôi Yên Lợi, xã Yên Lợi; các loại rau sạch của HTX Nam Cường; nấm bào ngư xám xã Yên Khánh; dầu lạc nguyên chất Mộc Miên, xã Yên Nhân…, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương.

Thời gian tới, huyện Ý Yên tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đây là một nhiệm vụ khó bởi nông dân địa phương đã quen thuộc với phương thức canh tác vô cơ là chủ yếu, lạm dụng các sản phẩm công nghiệp hóa chất (phân bón, thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng...) tác dụng nhanh trông thấy nhưng đi kèm với gây ô nhiễm, thoái hóa môi trường đất, mất độ màu mỡ, phì nhiêu tự nhiên, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Cách canh tác này vừa tốn kém chi phí sản xuất, lệ thuộc vào nhà cung cấp các sản phẩm vật tư, không chủ động được sản xuất mà hiệu quả kinh tế lại không cao do giá bán thấp, khách hàng ngày càng đòi hỏi các sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, thuận tự nhiên, không có tồn dư hóa chất. Song với quyết tâm cao và kinh nghiệm từ các mô hình đã thành công ngay tại địa phương, huyện chỉ đạo Phòng NN và PTNT phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo chuyển biến trong tư duy cho người nông dân, thay đổi thói quen sản xuất, tích cực chuyển đổi sang hình thức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com