Trực Mỹ làm giàu từ chuyển đổi sản xuất vùng đất trũng

08:47, 11/10/2023

Những năm gần đây, người dân xã Trực Mỹ (Trực Ninh) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn ngày một khởi sắc. 

Mô hình nuôi ếch kết hợp cá trê giúp gia đình ông Vũ Văn Minh, thôn Nam Ngoại Bắc, xã Trực Mỹ thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mô hình nuôi ếch kết hợp cá trê giúp gia đình ông Vũ Văn Minh, thôn Nam Ngoại Bắc, xã Trực Mỹ thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Với 2,2km giáp sông Ninh Cơ nhưng không có vùng đất bồi, cả một dải ven đê là thùng đào, thùng đấu, Đảng ủy, UBND xã đã quy hoạch chuyển đổi 8ha đất trũng, tạo điều kiện cho các hộ nông dân đấu thầu để đầu tư phát triển trang trại tổng hợp, chăn nuôi gia súc, gia cầm kết hợp trồng các loại cây có giá trị kinh tế và nuôi thủy sản. Nhiều mô hình trang trại tổng hợp đạt hiệu quả kinh tế cao đã hình thành. Chúng tôi đến tham quan trang trại tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Xuân Tư ở thôn Nam Mỹ. Trên diện tích 2ha đất đấu thầu ven đê, ông Tư đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn kết hợp với trồng cây và thả cá, nuôi dê nhốt chuồng. Làm ăn “lớn” nên ông Tư rất chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như cải tạo, nâng cấp chuồng trại, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình vệ sinh, phòng trừ dịch bệnh... Hệ thống chuồng trại nuôi lợn đều được lắp camera theo dõi, sử dụng máng cho ăn, uống hoàn toàn tự động. Do vậy đàn lợn của gia đình ông luôn phát triển tốt, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Tích lũy lãi qua từng năm, ông tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lên 2 dãy chuồng với 30 con lợn nái sinh sản và 300 lợn thịt. Lợn được nuôi gối nhiều lứa, từ lợn giống mới tách đàn đến lợn thịt chuẩn bị xuất chuồng nên tháng nào gia đình ông cũng có lợn thịt xuất chuồng, lại không lo bị thương lái ép giá vì lợn xuất chuồng cùng lúc. Ngoài ra, trên diện tích đất bãi vượt, ông làm thêm dãy chuồng nuôi hơn 100 con dê; bình quân mỗi năm trang trại VAC tổng hợp của ông xuất hơn 100 tấn thịt lợn và dê; doanh thu hơn 2 tỷ đồng. Không để phí tấc đất nào, ông Tư còn đào ao với diện tích 1ha nuôi cá trắm cỏ, cá trôi, cá chim trắng. Toàn bộ hệ thống ao nuôi của ông đều có cống bơm tiêu nước liên thông, khép kín, xung quanh ao được bê tông hóa. 

Quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông Vũ Văn Minh, thôn Nam Ngoại Bắc cũng nhận thầu 1,2 mẫu đất thùng đào, thùng đấu của địa phương làm trang trại. Lúc đầu gia đình ông nuôi thả các giống cá truyền thống như trôi, trắm, chép..., tuy nhiên hiệu quả không cao. Năm 2019, sau khi dành thời gian học hỏi kinh nghiệm ở một số vùng nuôi trồng thủy sản trong tỉnh, gia đình ông chuyển sang nuôi ếch kết hợp cá trê đặc sản với nhiều ao nuôi lớn nhỏ áp dụng mô hình “nuôi ếch trên, nuôi cá trê dưới”. Ông Minh cho biết, đây là hai sản phẩm đặc sản đang được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiềm năng, chăm sóc khá dễ, tỷ lệ thành công cao. Trên ao nuôi, sàn lưới được dựng lên bằng cọc tre và lưới mềm quây xung quanh thành các ô riêng biệt. Đáy sàn được thiết kế ngập dưới mặt nước ao từ 20-30cm, bên dưới lót các thanh tre tạo chỗ ngồi cho ếch ăn và phơi nắng, ngủ nghỉ; dùng lưới mắt thưa để thức ăn thừa và chất thải của ếch rơi được xuống bên dưới ao. Mặt trên của ô sàn có nắp đậy để ngăn ếch không nhảy ra khỏi sàn và phòng địch hại cho ếch như các loại rắn, mèo, chim, chuột; đồng thời thiết kế lưới che để hạn chế ánh nắng, tạo môi trường mát mẻ cho đàn ếch trong những ngày hè nắng nóng. Theo cách làm này, con cá dưới ao sẽ tận dụng thức ăn dư thừa và chất thải của ếch bên trên, giúp giảm chi phí sử dụng thức ăn công nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường ao nuôi và dịch bệnh xảy ra, tăng hiệu quả kinh tế. Mỗi vụ thả nuôi, gia đình ông thu về từ 2,5-3 tấn cá trê đồng thời xuất bán hơn 6 tạ ếch, trừ chi phí mỗi năm gia đình ông có 200-250 triệu đồng tiền lãi từ mô hình trên. 

Đồng chí Vũ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Trực Mỹ cho biết: “Nhằm khuyến khích nông dân phát triển kinh tế trang trại, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất tới nông nghiệp hàng hóa có giá trị kinh tế hiệu quả cao. Xã tích cực chỉ đạo các hội, đoàn thể mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản cho các hộ nông dân có nhu cầu. Tạo điều kiện giúp bà con vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư vào sản xuất”. Trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, xã đã lập kế hoạch xây dựng cánh đồng liên kết sản xuất lúa chất lượng cao giống ST25 theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 50ha với Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Trực Ninh. Ngoài ra, xã khuyến khích người dân đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa các khâu sản xuất. Đến nay, đã thực hiện cơ giới hóa 100% khâu làm đất và thu hoạch. HTX đã liên kết với Tập đoàn Lộc Trời triển khai mô hình phun thuốc phòng trừ sâu bệnh bằng thiết bị bay không người lái với diện tích gần 200 mẫu. Xây sửa đầu mương, nạo vét, vệ sinh kênh mương cấp 3; phối hợp với cụm thuỷ nông số 5 tu sửa 12 cống cấp 2; làm mới 4 cống cấp 2; nạo vét, đào đắp được 7.913m3. Vụ mùa năm 2023, HTX đã liên kết với Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh sản xuất 124,32ha lúa ST25, tăng 27,74ha so với cùng kỳ năm 2022, toàn xã có 5/6 thôn tham gia chuỗi liên kết.

Trong chăn nuôi, Trực Mỹ hướng các hộ nông dân từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học, gà thả vườn, chăn nuôi thỏ, rắn, vịt, ngan cao sản, xây dựng hầm bi-ô-ga trong xử lý chất thải chăn nuôi… Khuyến khích các gia đình liên kết chăn nuôi từ việc tìm đầu ra cho sản phẩm đến hỗ trợ nhau phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Thực hiện nghiêm ngặt việc tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm ở cả 2 vụ xuân, vụ thu và phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại định kỳ đúng theo sự chỉ đạo huyện, tỉnh. Trong phát triển nuôi thủy sản, ngoài các đối tượng cá truyền thống, xã còn khuyến khích các hộ nuôi thả các đối tượng nuôi đặc sản mới được người tiêu dùng ưa chuộng, dễ tiêu thụ, giá trị kinh tế cao, như ếch, cá trê, cá chạch đồng… Đồng thời tạo điều kiện cho các hộ nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, thân thiện với môi trường, thực hiện hiệu quả việc kiểm soát, khống chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi thả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh thị trường. Ngoài ra, các chủ trang trại còn thường xuyên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, tương trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh ở cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản… để cùng phát triển bền vững. 

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở xã Trực Mỹ đi đúng hướng, biến những diện tích đất hoang hóa thành “tấc đất, tấc vàng”, đưa kinh tế trang trại tổng hợp trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, tạo bước chuyển mạnh cho phát triển kinh tế địa phương. Nguồn thu nhập của người dân tăng lên, năm 2022 thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng, giá trị bình quân trên 1ha đất canh tác đạt 110 triệu đồng/năm; toàn xã chỉ còn 5 hộ nghèo./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com