Từ nhiều năm nay, sản xuất vụ đông đã dần trở thành vụ sản xuất chính, tạo việc làm, mang lại thu nhập cao cho người nông dân, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nông dân xã Yên Cường (Ý Yên) gieo trồng cây vụ đông sớm. |
Trong khi ở nhiều cánh đồng trên địa bàn huyện Ý Yên còn đang tập trung bảo vệ lúa mùa cuối vụ thì tại nhiều cánh đồng của Hợp tác xã (HTX) Nam Cường, xã Yên Cường, các loại cây rau màu vụ đông đã được bà con nông dân đưa xuống đồng. Cách làm này được thực hiện nhiều năm qua để tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Theo kế hoạch, năm nay HTX Nam Cường gieo trồng khoảng 180ha cây vụ đông, trong đó chủ yếu là các loại rau, gồm: Cải bó xôi, bí xanh, dưa chuột, cải ngồng, rau muống, khoai tây là những loại rau có thị trường tiêu thụ ổn định, đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Để cây vụ đông sinh trưởng, phát triển tốt thì việc tưới, tiêu nước rất quan trọng nên ngoài việc nông dân tự làm rãnh trên ruộng thì HTX đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tổ chức sản xuất theo hướng hữu cơ và tiêu chuẩn VietGAP; cứng hóa hệ thống mương máng, chủ động khơi thông dòng chảy để chống úng, bảo vệ cây rau màu. Gặp bác Nguyễn Thông ở thôn Tâm Bình trên ruộng, bác chia sẻ: “Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng hơn 5 sào bí xanh, dưa chuột và khoai tây. Mương máng đã được cứng hóa nên việc tiêu thoát nước thuận lợi, do đó nếu có mưa to các loại cây vụ đông ít bị ảnh hưởng. Những ngày qua, tranh thủ thời tiết tạnh, tôi và bà con trong thôn tích cực ra đồng làm đất, xuống giống trồng rau. Trồng sớm cho thu hoạch sớm bán được giá cao, thu nhập cũng tăng”. Được biết, vụ đông năm 2022, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Nam Cường đã đứng ra hợp đồng tiêu thụ các loại sản phẩm cây màu cho bà con, thương lái không thể ép giá. Bà con nơi đây đang tập trung gieo trồng và chăm sóc thật tốt để mong chờ một vụ đông “được mùa, được giá”.
Kế hoạch vụ đông năm nay toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 10 nghìn ha, trong đó có 1.500ha cây vụ đông trên đất 2 lúa. Các loại cây chủ yếu là ngô 1.580ha, khoai tây 1.720ha, cà chua 550ha, bí xanh 480, rau màu các loại 5.160ha… Đồng chí Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết: “Căn cứ vào nhu cầu thị trường, các huyện, thành phố cần xác định rõ loại cây trồng, thị trường, phương thức tiêu thụ, vùng trồng gắn với việc chủ động tưới tiêu, nhằm hạn chế thấp nhất những rủi ro do thiên tai gây ra. Tập trung đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để hình thành các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông cho nông dân”. Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, đối với vùng chuyên màu tập trung trồng đa dạng các cây rau đậu ngắn ngày, có thể quay vòng 2-3 lứa, chú trọng vào các cây rau, củ, quả truyền thống như: cà chua, dưa chuột, dưa hấu và các loại cây ăn lá để tiêu thụ nội địa. Đối với chân ruộng lúa - màu tập trung trồng cây khoai tây là cây ưa lạnh. Đối với chân ruộng 2 lúa, tập trung sản xuất các loại cây trồng phục vụ chế biến xuất khẩu, có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Vụ đông thời gian ngắn, sản phẩm đa dạng, thị trường tiêu thụ khá ổn định, tạo ra sản lượng nông sản lớn, giá trị cao, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ nông dân.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, Sở NN và PTNT đề nghị các huyện, thành phố tập trung nguồn kinh phí khuyến nông để hỗ trợ phát triển xây dựng 2-3 mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc rau hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản. Các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực là địa bàn giáp ranh thành phố, có thể phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm cây vụ đông. Do vậy, cần khuyến khích thành lập mới các HTX, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để hợp tác cung ứng sản phẩm cho Hiệp hội Nông sản sạch tỉnh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thành phố Nam Định và một số tỉnh, thành phố phía Bắc.
Để đạt được mục tiêu về diện tích cây màu vụ đông, UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp, các địa phương vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn lúa mùa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”; tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích cây vụ đông ưa ấm đã trồng, đồng thời tập trung chỉ đạo huy động mọi nguồn nhân lực, vật lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi ra đồng gieo trồng cây vụ đông. Các địa phương căn cứ quỹ đất, thời vụ, lựa chọn cây trồng có thế mạnh của địa phương để mở rộng diện tích; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ và chế biến sản phẩm; triển khai thực hiện tốt các cơ chế hỗ trợ của tỉnh; đồng thời chủ động nghiên cứu ban hành cơ chế hỗ trợ riêng của từng địa phương nhằm mở rộng tối đa diện tích sản xuất cây vụ đông. Sở NN và PTNT phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông, đồng thời tích cực chỉ đạo các đơn vị chuyên môn huy động tối đa cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện tốt khâu gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khi thu hoạch các loại cây trồng, bảo đảm cho năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các hoạt động sản xuất nông sản và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông sản để phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin