Sắc màu làng hoa Phù Long

08:08, 20/10/2023

Nhắc đến những địa danh trồng hoa nổi tiếng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, không thể không nhắc đến làng hoa Phù Long, xã Nam Phong (thành phố Nam Định). Không chỉ là vùng trồng hoa nổi tiếng, đây còn là điểm đến quen thuộc của những du khách yêu thích thiên nhiên, yêu thích hoa, cây cảnh...

Đến làng Phù Long vào những ngày mùa thu, cả làng hoa như tấm thảm gấm trải ra trong nắng ban mai trong vắt. Một ngày như bao ngày trong năm, bà Nguyễn Thị Đào thức dậy từ tinh sương. Bà đến từng khóm hoa trong vườn, tỉ mẩn nhặt từng ngọn cỏ, hái từng lá sâu. Cho đến khi mặt trời lên tỏ mặt người, bà thoăn thoắt với những công việc khác như tưới cây, tỉa cành... Vừa tiếp tục với công việc, bà Đào vừa kể về lịch sử làng hoa. Phù Long vốn là làng cổ từ thời Lý, Trần, nằm bên bờ sông Đào, nhìn sang thành phố Nam Định phía bên kia sông. Xưa kia, Phù Long vốn có nhiều nghề như ép dầu, đúc đồng, trồng dâu nuôi tằm, nay Phù Long nổi tiếng về nghề trồng hoa. Hoa của Phù Long không chỉ cung cấp cho thành phố Nam Định và các huyện, tỉnh lân cận mà còn nổi tiếng khắp vùng châu thổ sông Hồng.

Bà Nguyễn Thị Đào chăm sóc vườn hoa cúc của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Đào chăm sóc vườn hoa cúc của gia đình.

Trước đây, người Phù Long mang hoa sang sông bằng đò ngang mỗi sáng. Giờ phương tiện vận chuyển hoa sẵn hơn, nên những chuyến đò hoa thưa thớt dần, ngày còn có một chuyến. Làng hoa Phù Long trước kia có 4 xóm: Mỹ Tiến 1, Mỹ Tiến 2, Mỹ Lợi 1, Mỹ Lợi 2, sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, xóm, hiện làng có 2 xóm là Phù Long 1 và Phù Long 2 với 95% số hộ dân trồng hoa. Tổng diện tích trồng hoa của làng Phù Long gần 100 mẫu, trong đó xóm Phù Long 1 trên 60 mẫu và Phù Long 2 khoảng 15-20 mẫu. Loài hoa được trồng chủ yếu ở Phù Long là cúc với nhiều loại khác nhau như cúc vàng, cúc trắng, cúc xinh (màu xanh, đỏ, vàng, tím), cúc đỏ (trắng tuyết, chi xanh, đỏ cờ, chi đỏ, tím thạch bích); ngoài ra còn có các loại hồng vàng, đỏ, thạch thảo… xen kẽ. Một số loại hoa như ly, đồng tiền, tuylip, huệ, kèn… cũng được một số gia đình trong thôn trồng với vốn đầu tư lớn và công chăm sóc đặc biệt hơn. Nghề trồng hoa đòi hỏi khá nhiều công phu, từ công đoạn làm đất trồng hoa, chăm bón đến bắc giàn, vẽ nụ.

Hoa ở làng Phù Long không chỉ bán vào dịp Tết mà bán quanh năm, cứ 4 tháng một lần, hoa lại cho lứa mới chờ thu hoạch. Ngoài việc xuống giống đúng thời vụ còn phải thuần thục các kỹ thuật chăm sóc để cụm hoa có dáng tròn trịa, nhiều nhánh, nhiều bông. Gia đình bà Đào chủ yếu tập trung trồng giống cúc kim cương Đà Lạt với diện tích 2 sào. Khi cây bén rễ và cao khoảng 5-7cm thì bấm ngọn để cây đẻ 2-3 nhánh, mỗi nhánh là một bông, tỷ lệ nở của hoa cúc cao đến 80-85% nên mỗi gốc thường cho thu hoạch từ 2-3 cành. Sau khoảng 2 tháng cây trổ nụ thì phải tỉa bỏ nụ nhánh, chỉ nuôi 1 bông đẹp. Vừa thoăn thoắt ngắt hoa bó sẵn cho thương lái về nhập hàng, bà Đào vừa tranh thủ “khoe” với chúng tôi: “Vụ hoa này, gia đình tôi thu về khoảng 15 vạn bông cúc kim cương, tính ra mỗi sào trồng hoa trừ chi phí sản xuất thu về khoảng 30 triệu đồng”. Cách đó không xa, gia đình anh Trần Văn Bắc cũng đang thu hoạch hoa cúc bó sẵn sàng cho các thương lái về thu mua. Anh cho biết: “Tại xóm chúng tôi, khoảng 90% số hộ trồng cúc vì dễ chăm sóc, tiền mua giống và các chi phí cũng ít hơn các loại hoa khác. Nhiều hộ trong xóm còn ươm được cây giống nên giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng thêm. Không chỉ trồng hoa cúc bán bông, nắm bắt xu thế thị trường, nhiều gia đình còn cải tạo vườn tạp tại nhà để trồng hoa chậu với các loại hoa đồng tiền, cát tường, cúc đại đóa. Hiện tại, gia đình tôi đang ươm thêm 500 chậu hoa cúc đại đóa tại vườn để bán dịp tết”.

Còn đối với gia đình ông Phạm Thanh Hải, xóm Phù Long 1 trồng hoa hoàng anh được gần 10 năm, là hộ trồng nhiều nhất xóm với 1 mẫu đất. Do hoa hoàng anh hợp thổ nhưỡng, khí hậu lại được chăm sóc cẩn thận, cây hoa sinh trưởng và phát triển tốt trên đồng đất. Từ 3-4 năm trở lại đây, giống hoa hoàng anh này bắt đầu “rộ” lên, được nhiều chủ nhà vườn chọn trồng. Hiện hoa hoàng anh được trồng ở hầu hết các xóm, hộ trung bình cũng khoảng 3-4 sào, nhà nhiều có thể trồng đến 1 mẫu. Ông Phạm Thanh Hải cho biết: Trồng hoa hoàng anh khá đơn giản; trồng một lần cây cho thu hoạch cả năm. Theo ông Hải nếu đầu tư chăm sóc tốt, hoa hoàng anh sẽ cho thu hoạch khoảng 4 lứa/năm. Để việc trồng hoa đạt hiệu quả cao, giảm chi phí công lao động, gia đình ông còn đầu tư lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng kích thích sự phát triển của cây. Không chỉ đầu tư hệ thống chiếu sáng giá trị hàng chục triệu đồng, gia đình ông Hải còn đầu tư hệ thống tưới tự động để giảm bớt công tưới cây, đảm bảo việc cung cấp nước cho hoa. Chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật, 1 mẫu hoa của gia đình ông Hải hàng năm đều cho những vụ bội thu. Bình quân giá hiện tại mỗi cành hoa hoàng anh dao động từ 2.000-3.000 đồng cũng giúp gia đình ông có thêm khoản thu nhập cao. Tính ra, mỗi sào hoa hoàng anh, gia đình ông thu về 20-25 triệu đồng. Hiện tại, thời tiết đang thuận lợi cho người dân xuống vụ hoa tết nên người trồng hoa đang rất phấn khởi cho một vụ hoa tết bội thu.

 Ngoài các loại hoa quen thuộc, dễ chăm sóc, làng Phù Long còn có vườn đầu tư nhà công nghệ để trồng những loại hoa khó chăm sóc nhưng giá trị cao hơn như hoa lan hồ điệp, hoa ly... Cần mẫn trên từng luống hoa, mỗi mùa hoa cứ thế nối tiếp nhau, người dân Phù Long đặt vào đó biết bao nhiêu ước vọng, niềm tin, họ bỏ vào đó công sức để làm đẹp cho đời.

Nhờ chăm chỉ và nhanh nhậy thích ứng thị trường, phần lớn người dân ở làng hoa Phù Long có thu nhập khá so với các mô hình trồng trọt khác. Không ít nhà vườn đã làm giàu được nhờ những cây cảnh có giá trị nghệ thuật cao; mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng, kinh doanh hoa, cây cảnh của thành phố Nam Định nói riêng, mang lại cuộc sống ấm no, đủ đầy, sung túc cho người nông dân thành phố ngay trên đồng đất quê hương./.

Bài và ảnh: Văn Huỳnh
 


Từ khóa:

Sắc màu

làng hoa

Phù Long


Vòng hoa viếng đám tang tại quận 2

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com