Nhiều giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn

20:23, 11/10/2023

Thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tỉnh ngày càng chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu để gia tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.

Thu hái ngải cứu tại trang trại tuần hoàn của gia đình anh Phạm Tiến Dũng, xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng).
Thu hái ngải cứu tại trang trại tuần hoàn của gia đình anh Phạm Tiến Dũng, xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng).

Từ năm 2020 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo triển khai xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu. Trong đó, tiêu biểu là mô hình tại Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh tại xã Nam Cường (Nam Trực) và 3 trang trại chăn nuôi ở các xã Yên Thắng (Ý Yên), Giao Hà (Giao Thủy), Xuân Thủy (Xuân Trường). Những mô hình này đều có điểm chung là áp dụng hình thức chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học được làm từ vỏ trấu bổ sung men vi sinh giúp phân hủy chất thải chăn nuôi. Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế tối đa ảnh hưởng của chất thải chăn nuôi đối với môi trường; tiết giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng phòng bệnh của đàn vật nuôi do luôn được đứng chân trên nền trấu ấm; sau khi xuất chuồng đàn vât nuôi, toàn bộ chất thải trở thành phân hữu cơ phục vụ trồng trọt. Từ hiệu quả của những mô hình thí điểm này, các trang trại tổng hợp trên địa bàn tỉnh cũng học hỏi, áp dụng vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ hiệu quả của những mô hình thí điểm này, các trang trại tổng hợp trên địa bàn tỉnh cũng học hỏi, áp dụng vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trang trại tổng hợp Nhiên An của gia đình anh Trần Văn Khoa, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) rộng hơn 10ha chủ yếu nuôi cá trắm đen, trồng hoa quả, rau củ theo mùa. Cũng như những trang trại chăn nuôi tuần hoàn khác, thức ăn cho cá chủ yếu được khai thác tại chỗ từ cá tạp, rau, cỏ trong trang trại và một phần tinh bột từ ngô, gạo. Chất kháng sinh để phòng và trị bệnh cho cá cũng được bổ sung thường xuyên từ cây cỏ tự nhiên có sẵn ở vườn nhà như tỏi, lá ngải cứu, tía tô và sắn thuyền… Do đó, chi phi sản xuất tại trang trại giảm đi khá nhiều so với việc chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp, chất lượng cá của trang trại cũng vượt trội hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Tuy nhiên, áp dụng chăn nuôi theo cách này sẽ mất nhiều công lao động cho khâu thu gom rau củ, chế biến thức ăn và áp dụng kỹ thuật bổ sung kháng sinh tự nhiên phòng bệnh cho cá. Ví dụ bổ sung tỏi để trị bệnh và phòng ngừa các loại vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng, vi-rút, tăng hệ miễn dịch cho gia súc, gia cầm và thủy sản; dùng tía tô, ngải cứu để tăng cường hệ hô hấp và cho cá ăn lá sắn thuyền để trị bệnh nấm, ký sinh ngoài da… Hơn nữa, thời gian nuôi cá cũng kéo dài hơn và mật độ thưa hơn so với chăn nuôi công nghiệp. Điều đặc biệt hơn nữa trong khâu chế biến cá ngoài việc dùng gừng, tỏi, chanh, muối sau khi đánh vẩy giúp khử mùi tanh, loại bỏ nhớt và một phần nước trong mình cá giúp thịt cá thơm ngon hơn thì phần phụ phẩm của cá tiếp tục được phân loại sử dụng. Trong đó ruột, mang cá tiếp tục được chế biến làm thức ăn cho gà; vẩy cá được thu gom chế biến thành bim bim cá; mỡ cá sau khi khử mùi được chế thành dầu cá, là phụ gia cho món ruốc cá trắm đen giúp cho món ăn được bổ sung thêm rất nhiều vi chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể, đặc biệt là Omega 3 và hạn chế hình thành cholesterol xấu. Món ruốc cá trắm đen Nhiên An của trang trại vì thế mà nhanh chóng được người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng. Sản phẩm vinh dự đạt tiêu chí chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao trong năm 2022. 

Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam ngoài 3 dòng sản phẩm chính là ngao đông lạnh, ngao tách vỏ, ngao ăn liền còn một số sản phẩm tận dụng phụ phẩm ngao độc đáo như nước giải khát cốt ngao. Sản phẩm này được phát triển sau sản phẩm ngao tách vỏ và ngao ăn liền bởi trong quá trình hấp tách vỏ, lượng lớn nước còn lại sau chế biến chứa khá nhiều dinh dưỡng quý nên được các kỹ sư của Công ty nghiên cứu ứng dụng công nghệ, bổ sung thêm phụ gia tạo thành sản phẩm mới. Hiện tại sản phẩm nước giải khát cốt ngao đã được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Ngoài nước cốt ngao, Công ty còn có thêm sản phẩm bột vỏ ngao là nguyên liệu dùng cho sản xuất mỹ phẩm và chế biến thức ăn chăn nuôi giúp tạo khoáng chất và tăng can-xi tự nhiên cho vật nuôi. Ông Nguyễn Hồ Nguyên, Giám đốc Công ty cho biết: Thành lập từ năm 2012 với các sản phẩm chủ lực là ngao tươi sống, đông lạnh và đồ hộp được sản xuất trên dây chuyền công nghệ cao nhập khẩu từ Hà Lan, đảm bảo chất lượng các loại sản phẩm chế biến từ ngao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, phải rất nhiều năm sau công ty mới có những sản phẩm phụ do yêu cầu của quá trình sản xuất. Ban đầu nhà máy mới đi vào hoạt động, sản phẩm là ngao đông lạnh, quá trình sản xuất không phát sinh phụ phẩm. Nhưng khi phát triển sản phẩm ngao thịt thì chúng tôi phải giải bài toán xử lý nước và vỏ bởi tỷ lệ thịt ngao thu được sau sơ chế là rất ít. Trung bình mỗi năm Công ty sử dụng khoảng 10 nghìn tấn nguyên liệu thì lượng phụ phẩm thải ra môi trường quá cao. Hơn thế nữa sản xuất tuần hoàn để tạo ra những sản phẩm sau sản phẩm chính là vấn đề rất quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là đơn vị xuất khẩu bởi đây chính là cách đa dạng hóa, gia tăng giá trị và tạo ra nét riêng đặc sắc cho sản phẩm của mình. Những sản phẩm đó là điều kiện cần để chứng minh doanh nghiệp có chuyên môn sâu, sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm của mình và môi trường bởi đã hạn chế được tối đa chất thải loại ra môi trường. 

Những giải pháp điển hình trong sản xuất tuần hoàn mang lại hiệu quả kinh tế cao đã khẳng định xu hướng tất yếu của sản xuất hiện đại ở cả khâu trồng trọt, chăn nuôi và chế biến. Tuy nhiên, các mô hình này xuất hiện chưa nhiều bởi phụ thuộc nhiều yếu tố. Trước hết là tư duy, năng lực của chủ cơ sở sản xuất; đặc biệt phải có tiềm lực khoa học công nghệ và vốn. Do đó để khuyến khích sản xuất tuần hoàn phát triển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất rất cần sự hỗ trợ ưu đãi về vốn, chính sách thuê đất cho các doanh nghiệp, cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để áp dụng mô hình; hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển. Các địa phương cần tổng kết, đánh giá các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đã và đang thực hiện để phân tích rút kinh nghiệm, lựa chọn mô hình, cách làm phù hợp để nhân ra diện rộng và xây dựng các tiêu chí cũng như bổ sung tiêu chí phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn vào bộ tiêu chí xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com