Nhân Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai (13-10): Nâng cao năng lực chống chọi, giảm thiểu rủi ro thiên tai

08:09, 13/10/2023

Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13-10) được Đại hội đồng Liên hợp quốc bắt đầu khởi xướng năm 1989 và chính thức lựa chọn từ năm 2009. Đây là dịp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về những biện pháp cần thiết phải áp dụng để giảm thiểu các nguy cơ có thể gặp phải trong trường hợp xảy ra thiên tai cũng như khuyến khích mọi công dân và Chính phủ tham gia xây dựng cộng đồng, đất nước có khả năng chống chọi thiên tai tốt hơn.

Đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 9 vừa qua gây ngập cục bộ khiến nhiều phương tiện giao thông bị ngập nước, chết máy tại tuyến đường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định).
Đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 9 vừa qua gây ngập cục bộ khiến nhiều phương tiện giao thông bị ngập nước, chết máy tại tuyến đường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định).

Là địa phương ven biển, chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thời gian qua tỉnh Nam Định luôn coi trọng công tác phòng chống, giảm bớt cấp độ rủi ro thiên tai bằng việc chủ động tổng hợp, phân  tích tác động của thiên tai tại địa phương để đánh giá mức độ rủi ro, xác định các vùng bị ảnh hưởng theo từng loại hình thiên tai. Từ đó, chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, nhất là các huyện ven biển. Để tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai, chú trọng nâng cấp đê biển, đê sông xung yếu, xây dựng cống ngăn mặn, giữ ngọt; bảo vệ phục hồi rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển. Trong những năm qua, tuyến đê biển của tỉnh đã được đầu tư nâng cấp 64,7/76,6km đê trực diện với biển; xây mới 8 cống qua đê, 80 mỏ kè giữ bãi bảo vệ đê và đang củng cố nâng cấp đê Cồn Xanh dài 7,871km. Hoạt động quản lý, bảo vệ phát triển rừng được triển khai tích cực nhằm góp phần hạn chế tác động ảnh hưởng của nước biển dâng; chắn sóng, bảo vệ bờ biển, đê biển, phòng chống thiên tai và tăng cường đảm bảo an toàn cho sản xuất, đời sống của cộng đồng dân cư ven biển. Hiện nay tỉnh có 3.092,37ha rừng, trong đó có 3.022,22ha đã trồng thành rừng và 70,15ha trồng chưa thành rừng; đạt tỷ lệ che phủ 1,83%. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường thực hiện tốt công tác bảo vệ đê điều, hộ đê, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác cát để đảm bảo không gian thoát lũ các tuyến sông trên địa bàn tỉnh. Chú trọng nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề, vùng thường xuyên chịu tác động tiêu cực của thiên tai.

Trong sản xuất nông nghiệp, các ngành, các địa phương đã đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có chất lượng; mở rộng diện tích sản xuất thâm canh và đảm bảo an toàn theo quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương, tăng sức chống chịu của cây trồng, vật nuôi với các loại sâu bệnh và các điều kiện thời tiết bất thuận... Hàng năm, các địa phương đều triển khai diễn tập phòng chống thiên tai các cấp độ, quy mô; chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện nhân lực, vật lực theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng phương án di dân và phương án xử lý tình huống xấu nhất ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân và đảm bảo quốc phòng, an ninh khi xảy ra tình trạng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi thiên tai.

Thiết thực hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai năm 2023 trong bối cảnh thiên tai ngày càng phức tạp, tỉnh tiếp tục chú trọng xây dựng và phát triển năng lực dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai trên địa bàn. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về các vùng, các loại hình thiên tai có nguy cơ gặp phải của các địa phương. Toàn tỉnh đều có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới; trong đó 3 huyện giáp biển Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng là những huyện sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và ở mức độ rất cao. Vùng nguy cơ ảnh hưởng lũ, lụt và sạt lở đất bao gồm các khu vực dân cư sinh sống ở bãi và ven sông (nơi không có đê) của tất cả các huyện, thành phố. Các khu vực dân cư sinh sống ở bãi sông chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ; khu vực dân cư sinh sống ở ven sông (nơi không có đê)... Ngoài ra trong khu vực nội đồng có nguy cơ ngập úng, lụt cục bộ. Với Nam Định, tình trạng hạn hán trên địa bàn tỉnh khá hiếm gặp và diễn ra không gay gắt; tuy nhiên thời tiết nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ trên 37oC gây nguy cơ thiếu nước tưới vào mùa hè sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng trọt. Mưa đá, lốc xoáy là hiện tượng thời tiết bất thường, hiếm gặp trên địa bàn tỉnh song cũng là một biểu hiện thay đổi của thời tiết cần được quan tâm để phòng, chống và khắc phục một cách hiệu quả. Toàn tỉnh có 4 huyện có nguy cơ bị tác động mạnh bởi nước biển dâng gồm 3 huyện giáp biển (Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy) và huyện Xuân Trường. Trong đó huyện Xuân Trường mặc dù không giáp biển, nhưng do điều kiện địa hình và sự tương đồng về hệ thống thủy lợi, thủy nông với Giao Thủy (sử dụng chung hệ thống thủy nông Xuân Thủy) nên trong những năm gần đây Xuân Trường chịu ảnh hưởng nặng của quá trình xâm nhập mặn. Ngoài ra tất cả các sông đã có sự xâm nhập mặn ở các mức độ khác nhau và đặc biệt cao vào các tháng mùa khô trong năm.

Cùng với tuyên truyền về các vùng, các loại hình thiên tai có nguy cơ gặp phải, các ngành, các địa phương đẩy mạnh phổ biến kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân. Tiếp tục nâng cao năng lực chống chọi, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tỉnh cũng xác định đẩy mạnh các biện pháp thiết thực đã áp dụng trong thời gian qua. Đồng thời sẽ gia tăng các biện pháp, chương trình phòng chống, giảm thiểu rủi ro thiên tai theo vùng sinh thái. Tại vùng ven biển, tỉnh chú trọng xây dựng và hoàn thiện các hệ thống đê, kè ven sông, ven biển để đủ sức bảo vệ dân cư, các cơ sở hạ tầng và khu vực sản xuất phía trong đê. Xây dựng các hệ thống rừng phòng hộ ven biển bảo vệ và hỗ trợ bảo vệ cho các công trình ven biển, góp phần làm tăng hiệu quả của công trình, kéo dài thời gian sử dụng của các công trình này.

Tập trung khắc phục và hạn chế tác động của xâm nhập mặn bằng các giải pháp đồng bộ từ sử dụng nguồn nước hợp lý, xây dựng các hệ thống tưới tiêu khoa học, chọn các loại cây trồng sử dụng ít nước trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Xây dựng hành lang, khu vực kinh tế ven biển phải tính toán tới các yếu tố của biến đổi khí hậu và các kịch bản xấu nhất có thể xảy ra để có phương án bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng hiệu quả. Tại vùng đồng bằng thấp trũng, xây dựng hệ thống tưới tiêu khoa học, tiết kiệm nước, đồng thời có thể chuyển đổi một số loại cây trồng, thời vụ trồng ít sử dụng nước; xây dựng và hoàn thiện các hệ thống đê, kè ven sông; xây dựng hệ thống đê trữ nguồn nước và sử dụng hợp lý, ưu tiên cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp và chống xâm nhập mặn. Về lâu dài, tỉnh thường xuyên cập nhật và nghiên cứu đưa ra các phương án ứng phó thích hợp nhất trong từng điều kiện tại từng khu vực để nâng cao năng lực ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Tỉnh đặt mục tiêu công tác phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai đến năm 2025: 100% chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai. 100% lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng về phòng, chống thiên tai, đặc biệt với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chủ động dự báo, cảnh báo, phòng, chống lũ, sạt lở đất tại những khu vực dân cư tập trung và trọng điểm về kinh tế - xã hội. 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở đảm bảo an toàn./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com