Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam (13-10): Hỗ trợ tạo động lực để doanh nghiệp, doanh nhân phát triển

08:39, 13/10/2023

Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là trung tâm, là chủ thể của hoạt động sản xuất, kinh doanh, là nhân tố đóng góp quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế. Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, cùng nhiều chính sách hỗ trợ, tạo động lực của tỉnh đã từng bước thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Nam Định lớn mạnh, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển tỉnh.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần May Sông Hồng.
Sản xuất tại Công ty Cổ phần May Sông Hồng.

Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhận thức rõ tầm quan trọng của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh cũng luôn chủ động hỗ trợ tích cực, hiệu quả doanh nghiệp vượt khó, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư; đối với các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, tỉnh đều tích cực thực hiện trong thời gian sớm nhất. Nếu như trước đây vướng mắc trong tiếp cận quỹ đất sạch từng là trở ngại đối với nhiều doanh nghiệp khi tìm kiếm cơ hội đầu tư vào tỉnh thì từ năm 2021 đến nay, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá không gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai tại Nam Định ngày một tăng lên. Trong bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2022, Nam Định xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chỉ số tiếp cận đất đai. Doanh nghiệp đánh giá tỉnh đã tích cực cải thiện hiệu quả khả năng tiếp cận đất đai bằng nhiều biện pháp, nhất là xây dựng quy hoạch đất đai hợp lý; chuẩn bị sẵn sàng các quỹ đất sạch cho nhà đầu tư, giải quyết nhanh chóng các thủ tục thuê, mua đất, tháo gỡ vướng mắc trong các thủ tục liên quan khác để doanh nghiệp có thể nhanh chóng đi vào hoạt động trên mặt bằng đã có.

Cải thiện khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp chỉ là một trong nhóm giải pháp tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thống nhất thực hiện để cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, gồm: Nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý, thực hiện quy hoạch để làm cơ sở xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư; tập trung huy động tối đa các nguồn lực để ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương kinh tế, nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất, kinh doanh; đầu tư xây dựng các dự án giao thông quan trọng có tính lan tỏa, kết nối liên vùng...

Bên cạnh đó, tỉnh quyết liệt chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện cải cách thủ tục hành chính gắn với hoàn thiện hạ tầng nền tảng chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh theo hướng cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định là rào cản gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng về thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp. Kết quả khảo sát điều tra PCI năm 2022 cho thấy cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh tiếp tục đánh giá cao và đồng ý cho rằng: cán bộ đăng ký doanh nghiệp tại bộ phận một cửa hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng, thái độ phục vụ nhiệt tình, thân thiện, am hiểu về chuyên môn (có 7/19 chỉ tiêu cơ sở của Chỉ số Gia nhập thị trường xếp hạng thứ 1/63). Không có doanh nghiệp nào phải chờ quá một tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục đăng ký doanh nghiệp để chính thức hoạt động. Trong đó, Tập đoàn Quanta Computer Inc. được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, với tổng mức đầu tư 120 triệu USD chỉ sau 1,5 ngày kể từ khi nhà đầu tư có văn bản đề nghị; chỉ 6 ngày sau được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và sau 20 ngày thỏa thuận phát triển dự án được ký kết.

Năm 2023, các doanh nghiệp, doanh nhân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu chậm lại, tác động mạnh đến tình hình trong nước; các đơn hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là ngành dệt may, da giày suy giảm, giá nguyên vật liệu ở mức cao. Trong bối cảnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương quyết liệt thực hiện hiệu quả, thống nhất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn như: giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp... Riêng ngành Công Thương đã thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường thế giới và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để có biện pháp ứng phó; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, tham gia các chương trình kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa với các doanh nghiệp lớn trên thế giới để khai thác thế mạnh ưu đãi từ các Hiệp định thương mại.

Phần lớn các giải pháp mà doanh nghiệp quan tâm, mong muốn để thuận tiện trong xúc tiến, thực hiện thủ tục đầu tư và gỡ vướng thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh đã được tỉnh hỗ trợ thực hiện hiệu quả, đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước thể hiện sự tích cực đồng hành, sát cánh, của tỉnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân.

Phát huy năng lực nội sinh

Bên cạnh sự tích cực hỗ trợ từ phía các cấp chính quyền, ngành chức năng, bản thân các doanh nhân, doanh nghiệp đều nhìn nhận bối cảnh kinh tế năm 2023 là rất khó khăn. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tập trung nhiều hơn vào những mục tiêu đầu tư ngắn hạn thay vì dài hạn, nhiều doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm kế hoạch. Nhóm doanh nghiệp dệt may chịu nhiều tác động tiêu cực bởi suy thoái kinh tế, bị giảm mạnh đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu; nhu cầu về sợi trên thế giới giảm khiến giá bán sợi giảm mạnh; sản xuất các sản phẩm may mặc thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã lường trước khó khăn, chủ động đảm bảo nguyên liệu theo yêu cầu sản xuất và tích cực tìm kiếm, tiếp cận nhanh với các thị trường ngay khi nhận được một dấu hiệu gia tăng, dù nhỏ. Đặc biệt, các doanh nghiệp không nề hà, kén chọn, sẵn sàng tìm kiếm và chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, tiếp cận các thị trường ngách và chấp nhận cắt giảm lợi nhuận để giảm giá thành, đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường với mức giá linh hoạt, mềm mại, có sức cạnh tranh nhất song vẫn giữ nguyên chất lượng sản phẩm. Kể cả doanh nghiệp lớn cũng sẵn sàng nhận lại và làm các đơn hàng nhỏ từ các doanh nghiệp bạn cùng ngành nghề với mục tiêu đảm bảo ổn định việc làm, giữ chân người lao động, tránh rơi vào tình trạng khi nhận được đơn hàng lớn lại không có nhân lực sản xuất. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần May Sông Hồng, một trong những doanh nghiệp tầm cỡ hàng đầu trong ngành dệt may toàn quốc cũng bị sút giảm đáng kể đơn hàng. Tuy nhiên do Công ty đã chú trọng chuyển dịch phương thức sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng đơn hàng FOB thay vì đơn hàng gia công CMT giúp Công ty có thể tham gia vào việc tìm nguồn cung ứng cho các yếu tố đầu vào và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị. Nhờ thế, tính riêng quý II-2023, biên lợi nhuận gộp của May Sông Hồng đạt 12,9%, cao hơn mức trung bình của toàn ngành dệt may (10%). Công ty cũng đã ký mới được nhiều đơn hàng trong quý II-2023, dự kiến từ quý IV-2023 trở đi thì đơn hàng sẽ dồi dào trở lại.

Những nỗ lực tự thân đã giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh trụ được trước khó khăn tứ bề, thậm chí nhiều doanh nghiệp vẫn tìm kiếm thêm được các cơ hội để phục hồi và duy trì, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ mới. Từ đó góp phần giúp tỉnh duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá. Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ: Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 9,06% (xếp thứ 6 toàn quốc); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,96%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước tăng 14%...

Sự nỗ lực đổi mới của chính quyền đã được các doanh nghiệp, nhà đầu tư ghi nhận, ngày càng gia tăng sự tin tưởng vào môi trường đầu tư, lựa chọn Nam Định là địa điểm gia nhập thị trường, đầu tư mới và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đã được phê duyệt. Trong 9 tháng đầu năm 2023, công tác thu hút đầu tư trở thành một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn tỉnh với nhiều nhà đầu tư lớn ở cả trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu, lực chọn đầu tư vào tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) về nghiên cứu và đề xuất dự án đầu tư các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ trên địa bàn tỉnh; ký thoả thuận phát triển dự án, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Quanta thực hiện Dự án sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy tính, Tập đoàn JiaWei (Đài Loan) thực hiện dự án sản xuất sản phẩm nhựa và sản phẩm melamine, Tập đoàn Sunrise Material (Singapore) phát triển dự án xây dựng nhà máy sản xuất màng bọc polyme công nghệ cao tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận; ký biên bản thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 15-9-2023, toàn tỉnh có 882 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 8.729 tỷ đồng và 15.790 lao động đăng ký; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 345 doanh nghiệp; bình quân một tháng có 136 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Những thành tích rõ nét kết tinh từ sức mạnh của sự đoàn kết giữa các doanh nghiệp, hiệu quả của sự đồng hành giữa chính quyền tỉnh với doanh nghiệp hứa hẹn sẽ giúp doanh nghiệp, doanh nhân và tỉnh Nam Định ngày một phát triển, lớn mạnh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com