Nghiên cứu, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu

07:49, 25/10/2023

Nghiên cứu, khảo nghiệm, lựa chọn và áp dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu được ngành Nông nghiệp tỉnh xác định là một trong những lĩnh vực then chốt và tích cực triển khai thực hiện. Đến nay nền nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều bước phát triển mang tính đột phá, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững trong sản xuất.

Trồng thử nghiệm giống dưa chuột mới năng suất, chất lượng cao Nông Hữu tại Trung tâm Giống cây trồng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Trồng thử nghiệm giống dưa chuột mới năng suất, chất lượng cao Nông Hữu tại Trung tâm Giống cây trồng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Thời gian gần đây, năng suất, chất lượng lúa gạo của tỉnh không ngừng được nâng cao. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ. Trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã khảo nghiệm hơn chục giống lúa gồm: LP5, LT2, VNR 20, Thiên trường 900, TBR 225 mới… tại thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng), là vùng đất phù sa có tầng canh tác dày, nhẹ, đại diện cho các huyện phía nam tỉnh và Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Minh Tân (Vụ Bản), vùng đất trũng, chua, đại diện cho các huyện phía bắc tỉnh. Kết quả khảo nghiệm là cơ sở để Trung tâm xác định được các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, ổn định và thích ứng rộng với các vùng sinh thái của tỉnh, từ đó tham mưu với Sở NN và PTNT đưa vào cơ cấu giống lúa để sản xuất của tỉnh. Đây là việc làm hàng vụ, hàng năm để Trung tâm lựa chọn những bộ giống tốt nhất nhằm thay đổi cơ cấu giống thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Cũng nhờ đó, nhiều giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu với sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh như: các giống lúa ĐH11, KOJI, TBR 225, TBR 279; ngô nếp HN88, ngô lai PAC 339; khoai tây Jelly… ngày càng được mở rộng. Chính vì thế, mặc dù là địa phương có diện tích canh tác lớn, tuy nhiên diện tích này, đặc biệt là đất lúa, đang giảm dần để chuyển đổi phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khác. Song năng suất, giá trị gia tăng trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh vẫn giữ vững được mức tăng trưởng ổn định. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 490 nghìn tấn; dự kiến năng suất lúa vụ mùa ước đạt 52 tạ/ha.

Trong chăn nuôi, ngành chức năng thường xuyên khuyến cáo người chăn nuôi nhập con giống từ các cơ sở uy tín, an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng nhằm hạn chế dịch bệnh bùng phát, lây lan. Đồng thời nghiên cứu, lựa chọn, tạo sự chuyển biến tích cực về cơ cấu giống vật nuôi theo hướng tăng tỷ lệ đàn vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và giống đặc sản như: các giống lợn ngoại, lợn lai 3-4 máu, lợn siêu sinh sản VCN-MS15; giống gà chuyên thịt (CP, Ross308, Lương Phượng), giống gà chuyên trứng (ISA Brown, Ai Cập); vịt VCN/TP-SD, vịt biển Đại Xuyên, ngan VCN/TP-VS7; bò BBB… Song song với thay đổi cơ cấu giống, các trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ vi sinh trong khẩu phần ăn của vật nuôi để tăng sức đề kháng, nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi; đồng thời nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất mới như: thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn bền vững… nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nắm bắt được nhu cầu thị trường, ngoài các loại cá truyền thống, Trung tâm giống thủy hải sản (Sở NN và PTNT) đã chủ động khảo nghiệm, sản xuất, cung ứng con giống thủy, hải, đặc sản như: ếch Thái Lan, ốc nhồi, cá ngạnh, cá lăng, cá trôi trắng Việt Nam, tôm càng xanh, cá Koi Nhật, cua biển, hàu Thái Bình Dương, cá hồng Mỹ… Ngoài ra, các cơ sở sản xuất giống thủy sản cũng sản xuất thành công lươn, cá chạch đồng, cá kèo, sò thưng, ngao 2 cùi… để cung ứng cho người nuôi trong và ngoài tỉnh. Qua đó góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài việc đẩy mạnh phát triển các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, các nội dung khác trong nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng đạt được kết quả khá. Năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng chất lượng, hiệu quả, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến để nâng cao tỷ trọng hàng chất lượng cao và hàng chế biến giá trị cao. Trong đó, tăng cường sử dụng giống cây trồng chất lượng cao và xây dựng được 399 cánh đồng lớn gắn với chế biến, tiêu thụ, đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP không chỉ trên lúa mà còn trên các cây rau màu, dược liệu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây mới và nhân rộng 39 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, thực phẩm hàng hóa với sự tham gia của doanh nghiệp, HTX và các hộ nông dân. Đã có 84 HTX áp dụng quy trình sản xuất chung; 20 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; 64 HTX xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; 43 HTX với 83 sản phẩm thuộc sở hữu của HTX được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao. Nhiều doanh nghiệp, HTX đã đầu tư máy móc, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản…

Điển hình có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp tình hình thực tế của tỉnh và đang khẳng định được vị thế trên thị trường như: mô hình chuỗi liên kết khép kín của Công ty TNHH Một thành viên Chế biến thực phẩm xuất khẩu Nghĩa Thành; mô hình liên kết sản xuất, chế biến muối sạch của Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Nam Định; mô hình chế biến ngao làm sạch, ngao đông lạnh, thịt ngao đóng hộp của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam; mô hình chuyển đổi sang trồng dưa lê, rau các loại công nghệ cao tại HTX Trường Xuân…

Biến đổi khí hậu và thời tiết bất thường đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Việc nghiên cứu, lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng, phù hợp với từng vùng, từng địa phương là vấn đề hết sức bức thiết – giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tình trạng bỏ hoang ruộng đất. Đồng thời giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác, qua đó góp phần đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com