Năng động làm giàu từ nuôi thủy sản

08:37, 18/10/2023

“Để nuôi thuỷ sản thành công, ngoài yếu tố may mắn còn phải phụ thuộc vào những điều kiện: môi trường, nguồn nước, con giống, thời tiết và kỹ thuật”, đó là những chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất ngao giống và nuôi ốc hương thương phẩm của anh Nguyễn Văn Dương, xóm 3, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng).

Anh Nguyễn Văn Dương, xóm 3, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) thu hoạch ốc hương.
Anh Nguyễn Văn Dương, xóm 3, xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) thu hoạch ốc hương.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê biển, với bản tính thích tìm tòi, chịu khó học hỏi, anh Dương đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào phát triển sản xuất, đưa những đối tượng thủy sản mới vào nuôi trồng. Những năm trước, anh Dương chủ yếu sản xuất ngao giống và nuôi ngao thương phẩm. Hàng năm anh thu hoạch cả trăm tấn ngao giống cung cấp cho các tỉnh lân cận và xuất khẩu sang Trung Quốc. Trang trại thu hút, tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên ở địa phương với mức lương từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa vụ anh phải thuê thêm hàng chục nhân công để thu hoạch ngao giống đảm bảo tiến độ. Theo anh Dương, nuôi ngao giống đòi hỏi quy trình phải đảm bảo kỹ thuật, giữ nhiệt độ tốt cho ngao sinh trưởng, môi trường nước sạch, nuôi với mật độ vừa phải. Mật độ thả giống thường là 100kg/1.000m2 với cỡ giống khoảng 5 vạn con/kg. Thời điểm thả ngao giống tốt nhất là vào tháng 1-2 hoặc vào tháng 9-10 hàng năm. Với ngao thương phẩm, thả nuôi cần tránh mùa mưa bão. Khi thu hoạch ngao thương phẩm nên thu hoạch vào thời điểm đầu năm và cuối năm để được giá và thuận lợi về thời tiết, nước thủy triều. Nếu thu hoạch vào mùa mưa bão sẽ không chủ động được, thời tiết nắng nóng, thay đổi thất thường sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con ngao. 

Với mong muốn phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương, anh Dương đã nỗ lực tìm thêm đối tượng nuôi mới để không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp nhiều người dân ở địa phương có việc làm, thu nhập ổn định. Anh đã tìm tòi, nghiên cứu đưa ốc hương vào nuôi thả. “Năm 2020, thông qua một vài người bạn, tôi được tìm hiểu về những mô hình phát triển kinh tế vùng biển, trong đó nuôi ốc hương mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro. Nhằm thử sức với đối tượng nuôi mới này, tôi đã cất công tìm đến các cơ sở nuôi ốc hương chất lượng ở các tỉnh phía Nam để tìm hiểu, nghiên cứu cách nuôi. Sau một thời gian tìm hiểu, học tập kỹ thuật, tôi quyết định về địa phương đầu tư nuôi thử nghiệm ốc hương thương phẩm”, anh Dương chia sẻ. Thời gian đầu, anh nuôi thử nghiệm ốc hương trên diện tích gần 1.000m2 với số lượng 5 triệu con giống với mật độ nuôi tối đa 500 con/m2. Đáy ao được trải bạt và phun cát dày 20cm, xung quanh mép nước được vây lưới để tránh trường hợp ốc bò ra ngoài, gây thất thoát, đồng thời giúp việc chăm sóc và kiểm soát được lượng thức ăn hàng ngày dễ dàng hơn, giảm tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Khi thả giống ốc hương anh luôn chú ý chọn con giống có kích cỡ đồng đều, không bị biến dạng, có màu sắc đặc trưng, không thả giống quá nhỏ để tránh hao hụt, loại bỏ những con ốc bị vỡ vỏ, đặc biệt là phần cuối của vỏ. Trước khi thả anh để ốc giống thích nghi dần với nhiệt độ nước ao, không thả ngay để tránh ốc bị sốc nhiệt. Những ngày đầu nuôi thử nghiệm, anh khá lo lắng và gặp nhiều khó khăn, chi phí mua giống lại lớn. Tuy nhiên, không nản lòng, anh tìm tòi, tham khảo kiến thức nuôi ốc hương qua các phương tiện thông tin đại chúng, học hỏi kinh nghiệm của các mô hình nuôi thành công trên khắp cả nước. Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, những nơi khác họ nuôi bằng ao đất, nước xả ra vào theo mương, về địa phương, anh quyết định nuôi ốc trên ao nổi, bỏ cát lên trên bạt và bơm nước vào. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, mô hình nuôi ốc hương thử nghiệm đã thành công nên anh bắt tay ngay vào nuôi chính thức. Anh cho biết, ốc hương thả nuôi 6 đến 7 tháng là có thể thu hoạch những con ốc to (khoảng 100 con/kg) để bán, loại bé hơn được nuôi tiếp. Thức ăn cho ốc là các loại cá tạp được thu mua của người dân địa phương, đảm bảo độ tươi. Năm 2022, anh thu 100 tấn ốc thương phẩm, với giá bán 300-350 nghìn đồng/kg sau khi trừ các khoản chi phí mang lại nguồn lãi hàng tỷ đồng/năm. Sau hơn một năm, đến nay trang trại nuôi thủy sản của anh rộng 26ha với 20ha nuôi ngao và 6ha nuôi ốc hương. Hiện anh đang bắt tay vào mở rộng thêm 3ha để nuôi ốc hương thương phẩm. Đồng chí Đỗ Thị Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thắng cho biết: “Anh Nguyễn Văn Dương là người mạnh dạn, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm và đã gặt hái nhiều thành công. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Dương luôn tích cực giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các nông dân khác cùng làm giàu. Để góp phần nhân thêm những tấm gương phát triển kinh tế như anh Dương, Hội Nông dân xã tiếp tục khuyến khích hội viên nêu cao ý chí tự lực tự cường, tinh thần lao động sáng tạo, tranh thủ khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.

Mô hình nuôi ngao giống và ốc hương thương phẩm của anh Nguyễn Văn Dương là mô hình kinh tế hiệu quả, là hướng đi phù hợp cho những người dân có điều kiện tham gia sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Mô hình mở ra một hướng sản xuất đầy triển vọng trong nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập và tạo giá trị gia tăng cho kinh tế địa phương./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com