Hỗ trợ sinh kế cho người nghèo

08:13, 03/10/2023

Thời gian qua, nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ có điều kiện cho người nghèo vươn lên phát triển kinh tế đã được các cấp, ngành trong tỉnh triển khai hiệu quả và nhân rộng. Đặc biệt, các địa phương chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao và bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Hoàng Thanh Tuất, thôn Dưỡng Chính, xã Yên Khánh (Ý Yên).
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trao và bàn giao nhà tình nghĩa cho gia đình ông Hoàng Thanh Tuất, thôn Dưỡng Chính, xã Yên Khánh (Ý Yên).

Gia đình chị Trần Thị Lan, xã Giao Long (Giao Thủy) trước đây thuộc diện hộ cận nghèo. Năm 2019, chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Giao Thủy. Cùng với nguồn tiết kiệm, hỗ trợ của người thân, gia đình chị đã đầu tư cải tạo đầm nuôi tôm, cá. Việc nuôi trồng thuận lợi, sau 3 năm, gia đình chị đã trả được hết gốc, lãi và dành dụm được một khoản tiết kiệm. Đến đầu năm 2022, chị tiếp tục được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để thuê thêm 1ha đầm mở rộng sản xuất. Ngoài nuôi tôm, cá, gia đình chị nuôi thêm gà, vịt với thu nhập trung bình trên 20 triệu đồng/tháng. Nhờ được vay vốn ưu đãi, gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định để đầu tư xây nhà mới và nuôi các con ăn học. Vợ chồng chị Trần Thị Thu ở thị trấn Lâm (Ý Yên) đều là người khuyết tật. Cuối tháng 4-2023, chị Thu vui mừng khi được nhận 5 triệu đồng từ nguồn vốn sinh kế do Công ty Cổ phần VNG (Hà Nội) tài trợ. Đây là nguồn vốn sinh kế từ dự án UpRace - Dự án chạy bộ thiện nguyện do VNG khởi xướng để ủng hộ Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Do sức khỏe yếu, không làm được việc nặng nhọc nên gia đình chị đã mở một cơ sở tẩm quất bấm huyệt. Với số vốn sinh kế được trao, gia đình chị đã chủ động hơn trong việc kinh doanh, tạo dựng cuộc sống độc lập. Hiện cơ sở hoạt động cho thu nhập ổn định, anh chị có điều kiện tập trung vào nâng cao tay nghề, chăm lo cho gia đình được tốt hơn. 

Toàn tỉnh hiện còn hơn 30.700 hộ nghèo (chiếm 4,77% dân số). Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm cơ sở thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối với các giải pháp lồng ghép mục tiêu như thực hiện Chương trình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội... tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế để tạo việc làm; đẩy mạnh các hoạt động kết nối thông tin thị trường lao động. Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất, các chính sách tín dụng ưu đãi cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách trợ cấp, trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Tiếp tục thực hiện và hoàn thành mục tiêu nhiệm vụ bảo đảm giáo dục tối thiểu, y tế tối thiểu, nhà ở tối thiểu, nước sạch và vệ sinh môi trường; bảo đảm thông tin cho người dân, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn.

Tỉnh cũng có nhiều giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; đẩy mạnh phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao nhằm đổi mới phương thức sản xuất… cho người nông dân, gắn với quy hoạch sản xuất, đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương xây dựng gần 4.500 tuyên truyền viên, báo cáo viên về giảm nghèo tại cộng đồng. Triển khai kịp thời các chính sách đối với người nghèo, hộ nghèo được chuyển tiếp thực hiện từ giai đoạn trước đã được tích hợp, sửa đổi, bổ sung. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật; cung cấp cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và hỗ trợ khác theo quy định cho các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, người khuyết tật. Đồng thời, tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp, sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả. Phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng. 

Bám sát hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 6/10 huyện, thành phố (gồm Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực, Giao Thủy, Vụ Bản) đã tham gia với 5 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tiêu biểu là dự án chăn nuôi gà; dự án chăn nuôi gà nội thương phẩm; dự án chăn nuôi lợn thịt và lợn Móng Cái sinh sản và dự án sản xuất cà chua an toàn với quy mô thực hiện từ 15-70 hộ/dự án, tổng số hộ tham gia là 488 hộ gồm cận nghèo, hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo. Cùng với đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương thực hiện các chính sách giảm nghèo như: nhà ở, chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ hộ nghèo tiền điện sinh hoạt, y tế, giáo dục và đào tạo, học nghề, hỗ trợ về việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế... Hiện nay, nguồn vốn ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Nam Định phối hợp với các hội, đoàn thể triển khai đã tạo động lực giúp họ vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Với nỗ lực của các cấp, ngành và sự chung tay góp sức của cộng đồng, đời sống nhân dân nói chung, của người nghèo, cận nghèo nói riêng đã được cải thiện. Công tác quản lý thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã đạt được kết quả tích cực, tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh hiện chỉ còn 1,74% tổng số hộ nghèo và 5,04% tổng số hộ cận nghèo. Tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh giảm từ 6,78% (cuối năm 2021) xuống còn 4,77% (cuối năm 2022). Năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu tỷ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh xuống thêm 0,6%; phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. 100% lao động hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được kết nối hỗ trợ, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ việc làm bền vững./.

Bài và ảnh: Hồng Minh
 


Từ khóa:

hỗ trợ sinh kế

người nghèo


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com