Để Ý Yên trở thành huyện trọng điểm kinh tế phía tây của tỉnh

08:30, 24/10/2023

Huyện Ý Yên nằm trên các tuyến đường hành lang huyết mạch quan trọng như các Quốc lộ: 10, 37B, 38B…; đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Bắc - Nam; có tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua; có hệ thống các sông lớn chạy qua là sông Đào, sông Đáy. Huyện được định hướng đột phá phát triển mạnh mẽ về công nghiệp - thương mại - dịch vụ và hạ tầng đô thị, tiến đến đạt đô thị loại IV, trở thành đô thị xanh, hiện đại, thông minh vào năm 2030, là huyện trọng điểm kinh tế phía tây của tỉnh.

Sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH Một thành viên Dệt may Phương Lan, xã Yên Trị.
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH Một thành viên Dệt may Phương Lan, xã Yên Trị.

Nỗ lực phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội

Thời gian gần đây, huyện Ý Yên đã tích cực phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng quy hoạch của tỉnh. Công tác lập và triển khai thực hiện các quy hoạch được đẩy mạnh; hàng loạt quy hoạch liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) như là Quy hoạch phân khu xây dựng KCN Trung Thành, Quy hoạch chi tiết KCN Hồng Tiến; quy hoạch chung đô thị mới, quy hoạch chung xây dựng của các xã, thị trấn; quy hoạch các điểm, khu dân cư tập trung... được khẩn trương hoàn tất làm căn cứ triển khai thu hút đầu tư, phát triển. Kết cấu hạ tầng trên địa bàn đã được huyện đặc biệt quan tâm huy động nguồn lực để đầu tư, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực phát triển trong thời gian tới. Trong đó hạ tầng giao thông đã và đang được đặc biệt ưu tiên bố trí đa dạng các nguồn vốn (của Trung ương, tỉnh và địa phương) để đầu tư gia tăng tính kết nối các vùng của huyện với khu vực cao tốc Ninh Bình và kết nối huyện thông suốt đến vùng kinh tế biển của tỉnh và các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia. Tiêu biểu như các dự án: Xây dựng đường cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, cầu Đống Cao, cầu Bến Mới; dự án đường gom đường sắt; đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Bắc - Nam; xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 10 (nút giao Cao Bồ) đến tỉnh lộ (cầu Lạc Chính); xây dựng tuyến đường huyện nối từ đê tả Đáy đến đường 57B; tuyến đường liên xã Yên Bằng - Yên Khang - Yên Đồng - Yên Nhân... 

Để chủ động quỹ đất sạch cung ứng cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, huyện đẩy mạnh thu hút xã hội hoá đầu tư các khu, CCN. Đến nay, bên cạnh các CCN do Nhà nước đầu tư từ giai đoạn trước (Tống Xá, La Xuyên, thị trấn Lâm), trên địa bàn huyện có một số CCN do doanh nghiệp đã và đang đầu tư. Cụ thể là CCN Yên Dương quy mô 50ha đã được đưa vào khai thác, sử dụng, thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp; dự án CCN Yên Bằng quy mô 50ha đang được chủ đầu tư triển khai thi công. UBND huyện đã tích cực hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và hoàn thiện thủ tục đầu tư các KCN Trung Thành quy mô 200ha, KCN Hồng Tiến  quy mô 114ha; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện khảo sát, lập quy hoạch chi tiết đối với dự án xây dựng CCN Yên Đồng quy mô 50ha. Huyện đẩy mạnh đô thị hoá gắn với phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng và nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị theo hướng kết nối đô thị với các khu vực có lợi thế tiềm năng lớn như: thành phố Nam Định - Mỹ Lộc, thị trấn Liễu Đề để tạo nên một vùng không gian ven biển có tầm cỡ trong vùng đồng bằng sông Hồng - vùng ảnh hưởng từ các hành lang kinh tế động lực chủ đạo. Đến nay, thị trấn Lâm đã tương đối phát triển so với mặt bằng chung toàn tỉnh theo các tiêu chí đô thị loại V theo hướng lấy khu vực trung tâm tỉnh lộ 490C làm không gian phát triển đô thị chủ đạo và phát triển dọc theo các khu vực quanh các trục đường giao thông chính đô thị gồm Quốc lộ 38B, tỉnh lộ 485. Trên địa bàn huyện đang tập trung xây dựng và thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư 14 khu dân cư.

Về kinh tế, huyện chú trọng hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hộ sản xuất và các hộ dân phát triển toàn diện các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hiện có 27 làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề nổi tiếng trong nước; khoảng 6.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề. Sản xuất nông nghiệp không ngừng chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, duy trì 5 mô hình cánh đồng lớn, 12 mô hình liên kết chuỗi. Điển hình trong phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa là Công ty TNHH Toản Xuân với các xã Yên Ninh, Yên Lương, Yên Thắng, Yên Lộc, Yên Minh, Yên Trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm 7, DT 25, Lộc trời 183. Các sản phẩm được Công ty thu mua toàn bộ, chế biến và gắn thương hiệu Gạo sạch Toản Xuân, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của huyện, của tỉnh. Tại các xã có truyền thống trồng rau màu như Yên Cường, Yên Dương đã phát triển các mô hình sản xuất an toàn theo công nghệ Nhật Bản, VietGAP. 

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến thu hút đầu tư, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính,  tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về tìm hiểu, đầu tư tại huyện. Đáng kể như huyện đã tích cực hỗ trợ nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện thủ tục để sớm đầu tư xây dựng các khu, CCN theo quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp KCN Hồng Tiến, KCN Trung Thành, CCN Yên Đồng; hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài nghiên cứu đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp.

Ý Yên chú trọng hình thành vùng trồng lúa chất lượng cao tại các xã Yên Quang, Yên Bằng, Yên Hồng.
Ý Yên chú trọng hình thành vùng trồng lúa chất lượng cao tại các xã Yên Quang, Yên Bằng, Yên Hồng.

Tổ chức các không gian kinh tế - xã hội và phát triển ngành, lĩnh vực

Để hướng đến các mục tiêu phát triển mà tỉnh đặt ra, huyện Ý Yên đang tăng tốc tổ chức không gian kinh tế - xã hội và phát triển ngành, lĩnh vực. Theo đó, huyện lựa chọn phát triển không gian theo cấu trúc mạng tam giác kết hợp ô bàn cờ, làm nổi bật các lợi thế giáp với các trọng điểm kinh tế. Hình thành rõ nét các hành lang kinh tế như hành lang cao tốc Bắc - Nam, hành lang Quốc lộ 10... Hình thành các không gian đô thị, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, du lịch và đặc thù khác; đặc biệt là hướng phát triển với các khu vực có lợi thế tiềm năng lớn; hình thành đường vành đai đô thị nhằm phát triển theo hướng xây dựng đô thị lớn; phân định giữa bảo tồn và phát triển. Ngoài khu vực trung tâm hiện hữu, huyện sẽ phát triển thêm các khu vực trung tâm mới nhằm thúc đẩy phát triển các khu vực trên toàn huyện theo vị thế và tiềm năng. Từ nay đến năm 2025 huyện tiếp tục rà soát các tiêu chí còn yếu, còn thiếu so với tiêu chí đô thị loại V để đầu tư, phát triển thị trấn Lâm đạt chuẩn đô thị loại V và xây dựng 1 đô thị mới 4 xã (Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến) trở thành đô thị loại V. Giai đoạn 2026-2030 tập trung, xây dựng mở rộng thị trấn Lâm (mở rộng) và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng để hoàn thành các chỉ tiêu để đưa thị trấn Lâm trở thành đô thị loại IV và phấn đấu đưa khu đô thị mới 4 xã trở thành đô thị loại IV. Tập trung các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới (NTM), trên cơ sở bảo tồn các làng truyền thống; kế thừa và phát huy các giá trị cũ. Phấn đấu đến năm 2025 có 30/30 xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn NTM nâng cao, 8 xã (thị trấn) được công nhận xã NTM kiểu mẫu, 30% thôn/xóm trở lên đạt NTM kiểu mẫu. Kiến trúc nhà ở và cơ sở hạ tầng nông thôn phù hợp với điều kiện sống của dân cư theo đặc trưng từng vùng, không phá vỡ cảnh quan sinh thái nông thôn.

Ngoài ra, từ nay đến năm 2030 sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư để thành lập KCN, thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp các KCN Hồng Tiến quy mô 114ha, KCN Trung Thành quy mô 200ha. Phát triển hệ thống trung tâm thương mại - dịch vụ theo 2 cấp: Cấp I được bố trí thành các khu chuyên dụng có năng lực phục vụ cho toàn khu vực quy hoạch vùng huyện; cấp II gắn với đô thị, phục vụ cho các khu chuyên dụng hoặc tiểu vùng. Đầu tư nâng cấp chợ thị trấn Lâm theo quy mô chợ hạng I, xây mới hoặc nâng cấp chợ Nấp xã Yên Đồng thành chợ đầu mối nông sản của địa phương, phát triển thêm 4 chợ dân sinh, 4 siêu thị tại các khu đô thị, CCN mới; xây dựng 1 trung tâm thương mại, khu thương mại dịch vụ tổng hợp logistics có tính chất vùng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của địa phương và các vùng lân cận.

Để phát triển du lịch, huyện tập trung khai thác tốt khu vực di tích lịch sử văn hóa Đình Thượng Đồng (Yên Tiến) nơi Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn từng về thăm, Phủ Quảng Cung (Yên Đồng); Đình Ruối (Yên Nghĩa); khu di tích lịch sử phế tích tháp Chương Sơn, Chùa Ngô Xá (Yên Lợi), tổ chức kết nối các địa điểm này với các tuyến du lịch giữa thành phố Nam Định với Cố đô Hoa Lư - Quần thể Bái Đính (Ninh Bình).

Thời gian tới, huyện tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quốc gia quy mô khoảng 200ha đã quy hoạch tại xã Yên Dương; hình thành vùng trồng lúa chất lượng cao có quy mô từ 5-10ha tại các xã Yên Quang, Yên Bằng, Yên Hồng; khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại vùng rau công nghệ cao các xã Yên Cường, Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Dương với quy mô 50ha; hình thành vùng chăn nuôi tập trung quy mô trên 5ha tại các xã: Yên Trung, Yên Tân, Yên Lợi, Yên Hồng, Yên Khánh, Yên Trị, Yên Nhân; khuyến khích phát triển nuôi thủy sản tập trung quy mô lớn trên 10ha, áp dụng công nghệ cao tại 4 xã Yên Trung, Yên Phúc, Yên Phương, Yên Hưng./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com