Các ngân hàng chạy đua  thu hút nhân lực công nghệ số

08:39, 16/10/2023

Chuyển đổi số đang đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đều đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai nhiều ứng dụng số trong hoạt động; coi đây là một yếu tố để tăng sức cạnh tranh... dẫn đến nhu cầu cao về nguồn nhân lực công nghệ.

Cán bộ Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định giới thiệu dịch vụ ngân hàng số tới khách hàng.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Cán bộ Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định giới thiệu dịch vụ ngân hàng số tới khách hàng. 

Xuất phát từ sự thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng của khách hàng, các quy định pháp lý, công nghệ mới và ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong vòng 3 năm trở lại đây, ngành Ngân hàng đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số. Các ngân hàng đang dần tiến đến ngân hàng số với các dịch vụ, sản phẩm được số hóa, ứng dụng công nghệ như AI, blockchain... nhằm tối ưu hóa sản phẩm, dịch vụ và tăng khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, các hệ thống dịch vụ sử dụng công nghệ thông tin trong ngành thường xuyên được nâng cấp, cập nhật để đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, kết nối thông suốt với các hệ thống ngân hàng - tài chính toàn cầu và tăng cường bảo mật, an ninh, an toàn trên môi trường số. Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ngày càng được phát triển phức tạp, số hóa nhiều hơn dẫn đến yêu cầu cán bộ ngân hàng phải nâng cao khả năng, kiến thức, trình độ để thích ứng với sự phát triển công nghệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2022 có 95% ngân hàng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số; 49% các ngân hàng trả lời cho biết mức độ số hóa nghiệp vụ quản lý nhân sự của mình là trên 50%. Nhiều ngân hàng đã bố trí các bộ phận chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, sáng kiến, đổi mới sáng tạo, như Trung tâm chuyển đổi số của Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Trung tâm Ngân hàng số của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV). Một số ngân hàng không thành lập bộ phận chuyên trách mà tích hợp luôn nhiệm vụ chuyển đổi số với trung tâm công nghệ thông tin, như Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank). Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp công nghệ và xác định đến năm 2024, nhân sự công nghệ sẽ chiếm tới 25% nhân sự toàn ngân hàng, trở thành lực lượng chủ chốt, giúp MB mở rộng quy mô. 

Thực tế trên dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực số trong ngành Ngân hàng không ngừng tăng cao. Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng lớn nhỏ như Vietcombank, Vietinbank, HDbank, OCB... đều liên tục đăng tuyển nhân lực số và đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ tốt để cạnh tranh. Theo các chuyên gia ngành Ngân hàng, để tiếp cận với ngân hàng số, nhân lực mới của ngành Ngân hàng phải có những hiểu biết và kỹ năng số cho những hoạt động đơn giản như thực hiện các hoạt động trên ứng dụng số hóa, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ đã số hóa... hay những công việc phức tạp hơn như việc phân tích dữ liệu, thống kê, phát hiện các điểm lạ, kiểm soát và bảo vệ tập dữ liệu... bằng các công cụ số. Chuyển đổi số cũng đặt ra yêu cầu nhân sự phải có khả năng thích ứng, đổi mới sáng tạo và phải đảm bảo bố trí một số lượng thích hợp cho các vị trí công việc mới, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa, nâng cao trải nghiệm khách hàng... cũng như về công nghệ an ninh mạng, phân tích tín dụng...

Vietcombank Chi nhánh Nam Định thường xuyên bố trí cho cán bộ, nhân viên tham gia các lớp, lượt tập huấn tập trung và trực tuyến chuyên sâu về dự án xây dựng chương trình phần mềm quản lý nhân sự (HRM) mới; dự án AI; dự án xây dựng khung năng lực, thương mại điện tử, marketing số hoá, Digital Banking, quản lý ngoại hối… của Hội sở Vietcombank tổ chức. Bình quân hàng năm, Chi nhánh có hơn 100 cán bộ, nhân viên được đào tạo, tập huấn, tham gia các cuộc thi tìm hiểu về tác động của cách mạng công nghệ 4.0 đến hệ thống, sự vận hành của ngân hàng, vị trí việc làm, nhân sự và hướng chuyển dịch của các dịch vụ trong thời đại 4.0 như marketing, thương mại điện tử, dịch vụ thanh toán tiếp cận với “số hoá” nhiều hơn. Vietinbank Chi nhánh Bắc Nam Định cũng thường xuyên giới thiệu, cử cán bộ tham gia các khoá tập huấn, cuộc thi về định hướng phát triển ngân hàng điện tử và phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số dành cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp; kỹ năng tiếp thị các sản phẩm chủ lực thuộc nhóm Internet Banking và Mobile Banking, gồm: Vietinbank iPay, VBH 2.0, SMS Banking, Mobile BankPlus; kỹ năng quản lý tệp khách hàng số, quản trị an ninh mạng, nghiệp vụ thẻ… 

Bên cạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ tại chỗ, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng tập trung tuyển dụng bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tốt hơn yêu cầu về công nghệ thông tin, xu thế tự động hoá và sử dụng trí tuệ nhân tạo. Trong các tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bắc Nam Định và Chi nhánh tỉnh Nam Định đều đã tuyển 10 chỉ tiêu về mảng tín dụng, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu chuyển đổi số, gia tăng các dịch vụ tiện ích trải nghiệm của khách hàng. Hầu hết nhân lực ngân hàng chuyên về mảng công nghệ thông tin chiếm khoảng 30-40% cơ cấu nhân sự tại các ngân hàng và sẽ tiếp tục gia tăng cùng với cuộc chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Để tận dụng các cơ hội và vượt qua những thách thức từ cách mạng công nghệ 4.0, các ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược song song kết hợp tuyển dụng mới với đào tạo tại chỗ. Theo đó, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho hoạt động thanh toán, hệ thống thanh toán, đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng; tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia nhằm tối ưu chi phí hoạt động, quản lý nhân sự, tinh gọn bộ máy. Các tổ chức tín dụng tập trung xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có tính chất dự báo trong từng thời kỳ để có kế hoạch; xây dựng chương trình đào tạo khung trên cơ sở chuẩn mực quốc tế; chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ, viên chức ngành Ngân hàng. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kinh doanh ngân hàng số cơ bản cho cán bộ, nhân viên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của môi trường kinh doanh. Chú trọng việc đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý để điều hành hệ thống ngân hàng đã được số hoá.

Với cuộc đua chuyển đổi số mạnh mẽ giữa các ngân hàng hiện nay, dự báo trong thời gian tới, nhu cầu nhân sự chất lượng cao ngành tài chính - ngân hàng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cao./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com