Tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 1.726km qua 22 tỉnh, thành phố, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định có chiều dài 41,2km với 6 ga hành khách và hàng hóa thuộc các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên và thành phố Nam Định, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách của tỉnh đến Thủ đô Hà Nội, các tỉnh miền Trung, miền Nam và kết nối với các tuyến đường sắt khác. Tuy nhiên, các nhà ga trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, thiết bị bốc xếp thủ công; chỉ có ga Nam Định có diện tích sân ga, nhà ga lớn nhất đạt cấp vĩnh cửu, tổng diện tích gần 6.500m2 với 9 đường tàu; các ga còn lại chỉ có ga Núi Gôi có sân ga đạt cấp vĩnh cửu, còn lại chỉ đạt cấp bán vĩnh cửu với từ 2-3 đường tàu/ga. Bên cạnh đó, dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua tỉnh ta có nhiều khu dân cư, có nhiều tuyến đường dân sinh mở cắt qua đường sắt với lượng người và phương tiện lưu thông lớn nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) đường sắt. Các vụ tai nạn giao thông đường sắt đã không chỉ ảnh hưởng lớn tới tính mạng, sức khoẻ của người tham gia giao thông, gây thiệt hại tài sản mà còn làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá trên toàn tuyến.
Cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt đoạn qua địa bàn thành phố Nam Định. |
Trước tình hình đó, để góp phần bảo đảm trật tự ATGT chủ động giải quyết các nguyên nhân, điều kiện phòng ngừa, kéo giảm tai nạn đường sắt, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu Ban ATGT tỉnh; các sở, ngành thành viên Ban ATGT tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định chỉ đạo thực hiện ngay các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường sắt. Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT đường sắt, đảm bảo trật tự hành lang an toàn đường sắt. Tập trung tuyên truyền các quy định về giao thông tại đường ngang, quy tắc an toàn khi lưu thông qua các điểm giao cắt đường bộ với đường sắt, cảnh báo các nguy cơ và hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn và cách phòng tránh. Cùng với nỗ lực của UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng các đơn vị ngành đường sắt phối hợp với các địa phương để đảm bảo ATGT các đoạn giao cắt đường bộ, đường sắt, thu hẹp, xóa lối đi tự mở qua đường sắt; triển khai tổ chức thi công hoàn thành đường gom dọc đường sắt tại phường Văn Miếu, xã Lộc An (thành phố Nam Định) và xã Yên Ninh, Yên Tiến (Ý Yên) đã xóa bỏ 126 lối đi tự mở trái phép trên địa bàn. Cùng với đó, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh đã đầu tư nâng cấp đoạn đường sắt nằm trên địa phận huyện Vụ Bản (từ Km94+200 đến Km 98+700), thay 256 thanh ray P50, lắp đặt 6.209 thanh tà vẹt và phụ kiện đồng bộ; bổ sung 7.604m3 đá ba lát nhằm đảm bảo tàu chạy êm thuận. Đầu tư nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn tuyến đường sắt từ Km73+332 thuộc xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) đến Km111+405 thuộc xã Yên Bằng (Ý Yên) bằng nguồn vốn trung hạn dành cho đường sắt với các hạng mục: đặt thêm đường ga Cát Đằng (Ý Yên); xây dựng mái che, ke ga Nam Định; nâng cấp, cải tạo nền đường, kiến trúc tầng trên của đoạn đường sắt trên, xây dựng đường gom và hàng rào đoạn thuộc phường Văn Miếu, xã Lộc An (thành phố Nam Định) và đoạn qua xã Yên Tiến (Ý Yên)... Nhờ đó, thời gian qua Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh đã đảm bảo tuyệt đối an toàn, liên tục, góp phần tăng tốc độ chạy tàu trên cung đường qua địa bàn tỉnh. Năm 2022, tốc độ chạy tàu bình quân đạt 78 km/giờ; năm 2023 tốc độ bình quân được nâng lên 79 km/giờ, trong đó có 4,8km tốc độ lên đến 90 km/giờ (Km 112+000 - Km 116+800). Số điểm xóc lắc vượt ngưỡng tiêu chuẩn do máy đo từ 24,79 điểm/km năm 2022 giảm còn 19,25 điểm/km.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đánh giá của Sở GTVT, hoạt động vận tải (hàng hóa và hành khách) bằng đường sắt trên địa bàn tỉnh ta vẫn chiếm tỷ trọng thấp nhất so với các loại hình vận tải khác là đường bộ và đường thủy. Trước tình hình đó, để góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng đường sắt, tạo động lực phát triển vận tải hàng hóa và hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và giao thương hàng hóa, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy hoạch các đoạn đường sắt trên địa bàn tỉnh Nam Định theo Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24-8-2015. Theo đó, tỉnh Nam Định được kết nối liên hệ vùng thông qua các tuyến đường sắt: Tuyến Bắc - Nam và tuyến đường sắt tốc độ cao đi Hà Nội kết nối Nam Định với các vùng Đông Bắc và Thanh Hóa, các vùng Bắc Trung Bộ và phía Nam; tuyến đường sắt ven biển kết nối Nam Định với các tỉnh ven biển phía Đông Bắc; tuyến đường sắt Nam Định - Thịnh Long kết nối cảng biển với khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu: Nâng cấp, từng bước hiện đại hóa đạt tốc độ chạy tàu bình quân từ 80km/giờ đến 90km/giờ đối với tàu khách và 50km/giờ đến 60km/giờ đối với tàu hàng. Xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160 km/giờ đến dưới 200 km/giờ. Bên cạnh các tuyến đường sắt trọng điểm nêu trên, tỉnh đã tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 trình Chính phủ phê duyệt các tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh với tổng chiều dài tuyến 120km; quy mô đường đơn, khổ 1.435mm và tuyến đường sắt thành phố Nam Định - Thịnh Long - Khu kinh tế Ninh Cơ kết nối với cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh trong quy hoạch đã được phê duyệt với chiều dài tuyến 50km, quy mô đường đơn, khổ 1.000mm.
Quy hoạch phát triển các tuyến đường sắt mới; nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu là giải pháp hữu hiệu để phát triển vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường sắt, giảm thiểu áp lực cho vận tải đường bộ; tiết kiệm chi phí; góp phần thúc đẩy và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới./.
Bài và ảnh: Thành Trung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin