Nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

08:47, 28/09/2023

“Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là phong trào xuyên suốt và trọng tâm của Hội Nông dân (HND). Hàng năm, bám sát nghị quyết của Trung ương HND Việt Nam và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, HND tỉnh chỉ đạo HND các cấp triển khai thực hiện, phát động phong trào sâu rộng tới cán bộ, hội viên nông dân, phát huy tốt hơn vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn.

Ông Nguyễn Đại Dương, xã Giao An (Giao Thủy) phát triển mô hình nuôi tôm, vạng công nghệ cao, được bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.
Ông Nguyễn Đại Dương, xã Giao An (Giao Thủy) phát triển mô hình nuôi tôm, vạng công nghệ cao, được bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.

Phong trào đã và đang từng bước góp phần thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của người nông dân, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa; từ kinh tế hộ sang hợp tác, liên kết, liên doanh theo chuỗi. Phong trào đã khích lệ nông dân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu cho bản thân, cho xã hội, đồng thời đoàn kết, hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm, kỹ thuật, giúp nhau cùng làm giàu. Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có 252 nghìn hộ nông dân đăng ký, trong đó có trên 129 nghìn hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ phong trào xuất hiện nhiều mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao; nhiều tấm gương nông dân điển hình, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) với mô hình chăn nuôi lợn, trồng trọt theo quy trình VietGAP; ông Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) với mô hình chăn nuôi thỏ, hàng năm tạo việc làm ổn định cho 15 lao động, doanh thu 1 tỷ đồng/năm; ông Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà, (Mỹ Lộc) với mô hình nuôi cá trắm đen...

Để khuyến khích nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, các cấp HND trong tỉnh luôn chú trọng hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện nay, 10/10 huyện, thành hội có Quỹ hỗ trợ nông dân; 209/209 cơ sở đã thành lập Ban vận động Quỹ hỗ trợ nông dân. Tổng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đang quản lý 35 tỷ 27,89 triệu đồng cho vay 357 dự án với tổng số 2.063 hộ vay. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh hiện nay đang được đầu tư xây dựng 183 mô hình HTX, tổ hợp tác, chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho trên 5.000 lao động. HND các cấp còn tín chấp cho nông dân vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên 11.935 tỷ đồng cho 38.648 hộ vay; dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 1.501 tỷ đồng cho 36.773 hộ vay.

Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo nghề, cung ứng vật tư, thiết bị nông nghiệp, hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ luôn được các cấp Hội quan tâm. Hàng năm, HND các cấp tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh và đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo. 5 năm qua, Hội đã trực tiếp tổ chức 54 lớp dạy nghề cho 1.696 lượt người; phối hợp tổ chức 305 lớp cho 10.183 lượt người, tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 85%; đồng thời tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 7.500 lượt người. Các cấp Hội còn phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng trên 60 nghìn tấn phân bón tới hội viên nông dân theo hình thức trả chậm, trên 15 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 750 tấn thức ăn chăn nuôi, 468 máy nông nghiệp; trực tiếp và phối hợp tổ chức trên 2.300 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 285 nghìn lượt hội viên, nông dân; mời các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành truyền đạt, trao đổi thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về các mô hình cây trồng, con nuôi có hiệu quả đang được triển khai trên cả nước, chia sẻ những kiến thức về khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tới hội viên; tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt liên kết “6 nhà” giúp các sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Bên cạnh đó, HND tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho trên 200 đại biểu là cán bộ HND các cấp, tổ trưởng tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh giỏi; tổ chức hội thảo giới thiệu các tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy hải sản trên địa bàn tỉnh cho hội viên nông dân là thành viên tiêu biểu của tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp của 3 huyện tuyến biển.

Các cấp Hội còn đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. HND tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các đợt tập huấn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cách thức đưa nông sản, hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử và chuyển đổi số cho trên 4.000 hội viên, nông dân. Phối hợp với Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025. Đến nay, các huyện, thành phố đã phối hợp với Bưu điện huyện hỗ trợ nông dân đưa 308 nông sản, hàng hóa lên sàn giao dịch điện tử POSTMART. Ngoài ra, HND tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025. Theo đó, các cấp Hội đã tập trung triển khai hỗ trợ, hướng dẫn hội viên xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; vận động hội viên nông dân thuê gom, tích tụ ruộng đất, liên kết với các công ty sản xuất theo chuỗi. 5 năm qua, Hội đã hướng dẫn và trực tiếp thành lập mới 13 HTX, 170 tổ hợp tác, nâng tổng số mô hình kinh tế tập thể toàn tỉnh lên 183 mô hình với trên 2.500 thành viên tham gia. Nhiều mô hình đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị của hàng hóa, góp phần hình thành trên 39 mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định của Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty TNHH Cường Tân; chuỗi liên kết sản xuất, chế biến nông sản sấy của Công ty Minh Dương; chuỗi liên kết chế biến hải sản của Công ty Hùng Vương… Các cấp Hội còn trực tiếp và phối hợp tổ chức 17 hội nghị tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng chuỗi giá trị nông sản hàng hóa cho trên 1.200 hội viên nông dân là các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, thành viên chi, tổ hội nghề nghiệp.

Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, 5 năm qua, toàn tỉnh có 2 hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu được dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; có 7 cán bộ, hội viên nông dân là các điển hình tiên tiến tham dự Đại hội thi đua yêu nước HND Việt Nam lần thứ V; có 7 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu dự hội nghị tổng kết và biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi do Trung ương Hội tổ chức; 7 hội viên nông dân tiêu biểu được bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”./.

Bài và ảnh: Lam Hồng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com