Từ ngày 26 đến 28-9, thời tiết liên tục có mưa to với lượng mưa bình quân cả đợt trên địa bàn tỉnh là 227,2mm. Mưa to kèm theo gió mạnh đã làm thiệt hại không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp.
Một số diện tích lúa ở xã Trực Chính (Trực Ninh) bị ngập sâu trong nước. |
Sáng sớm 29-9, tranh thủ thời tiết tạnh ráo sau mấy ngày mưa tầm tã, gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Bến Trại, xã Liên Bảo (Vụ Bản) đã vội ra đồng buộc dựng lúa đổ, ngập nước. Chị Lan cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo sạ hơn 4 sào bằng giống Bắc thơm số 7. Mấy ngày qua, trời mưa to liên tục, kết hợp với gió mạnh làm gần 2 sào lúa bắt đầu vào mẩy bị đổ ngập trong nước. Tranh thủ trời không mưa, tôi tranh thủ buộc dựng lại để lúa đứng cây tiếp tục vào mẩy, bảo đảm năng suất, chất lượng…
Nông dân xã Liên Bảo chủ động buộc dựng lúa để bảo đảm năng suất, chất lượng lúa mùa. |
Trên các cánh đồng Vàng, Đầm… của xã Liên Bảo, không chỉ gia đình chị Lan mà còn nhiều gia đình cũng đang tranh thủ trời không mưa, ra đồng kiểm tra, buộc dựng những diện tích lúa bị mưa gió làm đổ. Theo báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay các trà lúa đang vào chắc - chín, một số diện tích cấy trên chân đất màu đang thu hoạch; diện tích lúa nếp, tám đặc sản (6.760ha, chiếm 9% diện tích) đang bắt đầu trỗ bông. Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, dồn dập làm nhiều cánh đồng bị ngập, kèm theo gió mạnh đã làm một số diện tích lúa mùa bị đổ. Cụ thể, toàn tỉnh có 7.230ha lúa bị ngập, trong đó nhiều nhất là huyện Mỹ Lộc 1.800ha, Xuân Trường 1.600ha, Ý Yên 1.300ha, Nam Trực 750ha, Giao Thủy 700ha, Nghĩa Hưng 500ha, Vụ Bản 200ha, Hải Hậu 180ha, thành phố Nam Định 130ha, Trực Ninh 70ha. Diện tích lúa bị đổ 2.947ha, trong đó huyện Ý Yên 775ha, Vụ Bản 550ha, Xuân Trường 400ha, Nam Trực 370ha, Mỹ Lộc 290ha, Nghĩa Hưng 200ha, Hải Hậu 200ha, Giao Thủy 152ha, Trực Ninh 80ha, thành phố Nam Định 20ha.
Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, gia đình chị Vũ Thị Lan, thôn Bến Trại, xã Liên Bảo (Vụ Bản) ra đồng buộc dựng để bảo đảm năng suất, chất lượng lúa mùa. |
Trước tình hình trên, ngay trong chiều 28-9-2023, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị đã ban hành Công điện số 17/CĐ-UBND gửi thủ trưởng các sở, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợ (KTCTTL) Bắc Nam Hà; các Công ty TNHH một thành viên KTCTTL của tỉnh về việc triển khai các biện pháp ứng phó với đợt mưa lớn kéo dài. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các công ty thủy nông đã vận hành các trạm bơm tiêu úng, huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm để chống úng cho lúa, đề phòng lúa đổ và rau màu bị ngập, nhất là các vùng sản xuất cây màu nhiều. Cụ thể, các trạm bơm lớn vùng phía bắc tỉnh do Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà quản lý đã vận hành 67 máy bơm bơm tiêu nước để chống úng ngập. Trong đó trạm bơm: Cốc Thành 7/7 máy, Hữu Bị 4/5 máy, Hữu Bị II 3/3 máy, Cổ Đam 7/7 máy, Sông Chanh 26/34 máy, Quỹ Độ 12/12, Vĩnh Trị I 5/5 máy, Vĩnh Trị II 3/3 máy. Các trạm bơm nhỏ do Công ty KTCTTL thuộc tỉnh quản lý đang vận hành tiêu 32/990 máy, trong đó Ý Yên 26/231 máy, Nam Ninh 3/266 máy, Vụ Bản 3/129 máy. Ở vùng phía nam tỉnh đã tranh thủ 12 con nước, mở các cống tận dụng thủy triều để tiêu nước. Cụ thể các cống: Cát Chử, Rõng, số 9, Nhất Đỗi 2, Doanh Châu, Phú Lễ, Đại Tám và Quần Vinh đang mở tiêu từ 20 giờ ngày 27-9.
Trạm bơm Nhân Hoà đang được vận hành để tiêu nước, góp phần ứng cứu diện tích lúa mùa bị úng, ngập sau những ngày mưa to. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nam Định, ngay trong chiều ngày 28-9, bà con nông dân các địa phương đã khẩn trương xuống đồng buộc dựng lúa bị đổ, chủ động khơi thông rãnh thoát nước trên mặt ruộng, tiêu nước bảo vệ rau màu. Đồng chí Phạm Ngọc Chi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vụ Bản cho biết: Đợt mưa vừa qua đã khiến 500ha lúa của huyện bị đổ và 200ha bị ngập sâu. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động khoanh vùng đối với diện tích có nguy cơ bị ngập, úng; huy động lực lượng khơi thông dòng chảy bảo đảm tiêu nước nhanh, gọn, không để mưa lớn làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất. Với diện tích cây vụ đông ưa ấm đã trồng, sau khi rút nước, các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân vệ sinh đồng ruộng, thực hiện các biện pháp chăm sóc và bảo vệ cây trồng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tuyên truyền, vận động, đôn đốc nhân dân tranh thủ khi thời tiết thuận lợi tập trung nhân lực và phương tiện để thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa mùa đến kỳ thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để bảo vệ an toàn, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra, đồng thời tạo quỹ đất để gieo trồng cây vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất.
Trạm bơm An Lá 2, xã Nghĩa An (Nam Trực) thuộc hệ thống thuỷ nông Nam Ninh đã được vận hành liên tục từ tối ngày 27-9 đến nay để bơm tiêu chống úng cho lúa, màu. |
Tại huyện Giao Thuỷ, mưa lớn đã làm 1.025ha lúa bị ngập úng, trong đó có 180ha bị ngập trắng; khoảng 290ha cây màu bị ngập úng, diện tích thiệt hại trên 70% là 141ha. Để bảo đảm diện tích nuôi trồng thủy sản không bị ngập úng, huyện đã chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Xuân Thủy, các hợp tác xã tích cực mở các cống tiêu thoát nước trên hệ thống sông trục, sông dẫn; vận hành các cống dưới đê, cống nội đồng tiêu thoát nước. Bảo đảm giữ mực nước ổn định, chống sốc khi môi trường nước thay đổi đối với tôm, cua, cá nuôi… Chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh cho đối tượng thủy sản khi mưa kéo dài nhiều ngày. Khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra vùng đầm, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đôn đốc bà con chủ động các phương án phòng, chống úng, ngập bảo vệ sản xuất.
Theo dự báo, những ngày tới, thời tiết tiếp tục có mưa vừa, mưa to và dông, lại bước vào thời kỳ triều kém, việc tiêu nước tự chảy rất khó khăn. Để chủ động ứng phó, các địa phương tích cực huy động nhân lực, vật tư phương tiện khơi thông dòng chảy, đặc biệt là ở các khu vực trũng, thấp. Các nơi xảy ra úng cục bộ, Công ty KTCTTL các huyện theo dõi mực nước đóng cống tưới, mở cống tiêu, kích hoạt các trạm bơm triệt để tiêu nước trong hệ thống nhằm bảo vệ lúa mùa, rau màu và cây vụ đông đã trồng. Nhân dân các địa phương tranh thủ lúc mưa ngớt ra đồng dựng, buộc lúa đổ, không để lúa ngập nước, mọc mầm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động khơi thông dòng chảy để tiêu thoát nước. Bằng mọi biện pháp phải tháo cạn nước trong ruộng, không để lúa bị ngập lâu trong nước. Các công ty thủy nông và các cơ quan chuyên môn phân công lực lượng theo dõi sát tình hình thời tiết, tận dụng tối đa mở các cống tiêu nước. Tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tranh thủ thời gian ra đồng cứu lúa bị đổ, khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín, có nguy cơ bị đổ ngập trong nước nhằm hạn chế tình trạng bị nảy mầm, giảm thiệt hại. Đối với diện tích cây màu, tuyên truyền nông dân khẩn trương tháo cạn nước trong ruộng, tranh thủ thu hoạch những diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch. Với những diện tích rau màu chưa đến thời kỳ thu hoạch, sau khi nước rút và trời tạnh ráo cần tập trung chăm sóc giúp cây nhanh phục hồi, kết hợp phun thuốc phòng trừ một số bệnh hại như lở cổ rễ, héo xanh, sương mai... Với những diện tích rau màu không có khả năng phục hồi cần nhanh chóng thu dọn tàn dư và làm đất để chuẩn bị gieo trồng lại các loại rau màu khác phù hợp, còn thời vụ./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin