Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, 5 năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Nghĩa Hưng đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Mô hình nuôi cá chạch sụn, tôm càng xanh của ông Trần Văn Đoàn, hội viên xã Nghĩa Bình được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Các cấp HND trong huyện thường xuyên đổi mới, nâng cao hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hàng năm, HND huyện chỉ đạo các cơ sở phát động trên 26 nghìn hộ nông dân đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, bình xét cuối năm có trên 13 nghìn hộ đạt sản xuất kinh doanh giỏi theo tiêu chí mới. Các câu lạc bộ “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” ở các xã: Nghĩa Bình, Nghĩa Phú, Nghĩa Tân và thị trấn Rạng Đông duy trì hoạt động thường xuyên, gắn kết các thành viên tham gia phát triển kinh tế. Nhờ đó, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều điển hình hội viên năng động trong sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình và hỗ trợ các hộ khác cùng phát triển. Điển hình như ông Đoàn Văn Tiên, xã Nghĩa Hải phát triển mô hình chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, tổ chức tập huấn kỹ thuật, sử dụng thức ăn trong chăn nuôi, hỗ trợ gà giống cho hội viên hàng năm. Ông Trần Xuân Quyền, xã Nghĩa Hùng; ông Trần Văn Cấp, xã Hoàng Nam sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu. Ông Hoàng Văn Minh, thị trấn Rạng Đông nuôi tôm, sản xuất giống cá bống bớp, trồng cây đinh lăng. Ông Nguyễn Văn Thỉnh, thị trấn Quỹ Nhất nuôi cá chạch đồng kết hợp chế biến “Cá chạch kho niêu” được công nhận là sản phẩm OCOP, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động. Ông Vũ Văn Chức, xã Phúc Thắng, chủ cơ sở nuôi ngao sạch, tạo công ăn việc làm cho 10-20 người có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Văn Sơn, thị trấn Rạng Đông chuyên sản xuất giống và nuôi cá bống bớp kết hợp tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc làm cho 18 lao động có thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng. Hội viên các chi hội ở thị trấn Liễu Đề, Nghĩa Lạc trồng hoa cây cảnh, cho thu nhập 300-350 triệu đồng/hộ/năm. Hội viên Tổ hợp tác chế biến thủy hải sản ở Nghĩa Hải tạo việc làm cho 10-15 lao động, thu nhập bình quân 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn nhiều mô hình điển hình ở các xã, thị trấn đã tạo việc làm cho các hội viên và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình.
Hội viên nông dân xã Nghĩa Minh phát triển kinh tế bằng mô hình trồng dưa chuột bao tử phục vụ xuất khẩu. |
Bên cạnh đó, các cấp HND trong huyện luôn chú trọng các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Quỹ Hỗ trợ nông dân được quan tâm xây dựng, tăng trưởng. Tổng nguồn Quỹ của huyện và cơ sở đến nay trên 2,1 tỷ đồng cho 62 hộ vay. HND huyện còn thực hiện 4 dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương và tỉnh với số tiền 2,4 tỷ đồng cho 46 thành viên của 4 tổ hợp tác vay vốn phát triển mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là dự án “Nuôi cá bống bớp” tại thị trấn Rạng Đông đem lại lợi nhuận sau dự án cho 14 hộ, bình quân 150 triệu đồng/hộ; dự án “Trồng đào, quất cảnh” tại thị trấn Liễu Đề đem lại lợi nhuận cho 12 hộ, bình quân 290 triệu đồng/hộ. HND huyện cũng đã chỉ đạo HND các xã, thị trấn đẩy mạnh thực hiện tốt chương trình phối hợp với các ngân hàng. Đến nay, dư nợ vốn vay Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên 2.019 tỷ đồng cho 6.631 hộ vay; dư nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội trên 125 tỷ đồng cho 2.559 hộ vay; vốn 120 của Trung ương Hội dư nợ 675 triệu đồng cho 10 hộ vay; dư nợ các ngân hàng thương mại 8 tỷ đồng cho 60 hộ vay. 5 năm qua, HND huyện và cơ sở còn chủ động phối hợp với các trường và trung tâm tổ chức 66 lớp dạy nghề cho 2.291 lao động gồm các lớp đan cói, may công nghiệp, trồng cây cảnh, nuôi trồng thuỷ sản, điển hình ở các xã Nghĩa Hải, Nghĩa Tân, Nghĩa Thái, Nghĩa Phong, Phúc Thắng, Nghĩa Thành, Nghĩa Hùng, Hoàng Nam, Nghĩa Lạc, Nghĩa Sơn, Nghĩa Thịnh, thị trấn Liễu Đề và Rạng Đông. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp, ban nông nghiệp xã tổ chức 380 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 49.612 lượt hội viên. Xây dựng mô hình sử dụng phân bón Lâm Thao NPK hàm lượng cao tại xã Nghĩa Bình. Thực hiện dự án “Xây dựng mô hình liên kết chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ trong nuôi trồng thuỷ, hải sản vùng ven biển tỉnh Nam Định” do HND tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ cho hội viên thị trấn Rạng Đông về mô hình nuôi cá bống bớp. HND các xã, thị trấn cũng đã phối hợp với HTX nông nghiệp, ban nông nghiệp hỗ trợ hội viên nông dân xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương và đã có 13 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, như: Gạo nếp thơm Giáo Lạc, xã Nghĩa Tân; Cá chạch kho, thị trấn Quỹ Nhất; Nấm bào ngư Gia Bình, xã Nghĩa Phong; Mắm tôm Văn Quang, xã Nghĩa Hải; Nước mắm Lạch Giang, xã Phúc Thắng..., trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao là Gạo nếp Bắc Nghĩa Bình. Để hỗ trợ nông dân trong quảng bá, tiêu thụ nông sản, HND huyện phối hợp với Bưu điện huyện triển khai “Thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025”. Các xã, thị trấn đã lựa chọn sản phẩm của đơn vị để đưa lên sàn giao dịch điện tử Postmart. Ngoài ra, các cấp HND trong huyện còn hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Trong 5 năm qua đã thành lập được 23 tổ hợp tác với 375 thành viên, 4 chi HND nghề nghiệp với 71 thành viên, 8 tổ hội nông dân nghề nghiệp với 71 thành viên, gắn kết nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Các hoạt động tương trợ, giúp nhau giảm nghèo bền vững được các cấp Hội quan tâm, phát động cán bộ, hội viên tham gia. Hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, cán bộ, hội viên trong huyện đã quyên góp 162 triệu đồng, 600 ngày công, vật tư, cây, con giống trị giá gần 100 triệu đồng giúp đỡ cho 101 hội viên nghèo. Trong 5 năm qua, cán bộ, hội viên toàn huyện còn ủng hộ Quỹ “Mái ấm nông dân” 284 triệu đồng, hỗ trợ nâng cấp 6 nhà ở cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn tại thị trấn Liễu Đề, các xã Nghĩa Tân, Nghĩa Thành, Nghĩa Hùng, Hoàng Nam, Nghĩa Hải; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Công thương tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng xây mới nhà ở cho 2 hội viên ở xã Nghĩa Lạc, thị trấn Quỹ Nhất. Dịp Tết Nguyên đán, HND huyện và cơ sở tổ chức tặng 953 suất quà trị giá 328,5 triệu đồng cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn.
Từ hoạt động thiết thực hỗ trợ của các cấp HND đã khuyến khích nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh, năng động sáng tạo, khai thác tiềm năng đất đai, lao động, nguồn vốn, tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững; đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường, mở mang ngành nghề, đưa kinh tế nông thôn phát triển toàn diện. Giá trị sản phẩm trên 1ha canh tác đạt trên 135 triệu đồng/năm. Tổng diện tích trồng lúa hàng năm trên 20 nghìn ha, sản lượng lương thực đạt trên 131 nghìn tấn. Toàn huyện có 65 mô hình cánh đồng lớn với diện tích 3.810ha. Chăn nuôi duy trì, phát triển theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa quy mô trang trại với tổng số 41 trang trại. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên toàn huyện 1.845ha, sản lượng thuỷ sản đạt 33.540 tấn. Các hoạt động tương trợ, giúp nhau giảm nghèo bền vững của cán bộ, hội viên nông dân đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn huyện còn 0,53%./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin