Để bảo đảm sản xuất an toàn, hiệu quả, ngành Nông nghiệp tỉnh luôn chú trọng làm tốt công tác dự tính, dự báo, hướng dẫn nông dân cách thức phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên lúa, màu, hạn chế tối đa nguy cơ mất mùa do sâu bệnh.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xây dựng mô hình trình diễn sử dụng thuốc Chlorferan liều lượng 0,6 lít/ha để khuyến cáo, hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh an toàn sản xuất. |
Do biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nắng nóng, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh như: rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy các loại, bệnh lùn sọc đen, bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, đen lép hạt, chuột, ốc bươu vàng… phát triển gây hại cho lúa, màu. Mặt khác, dịch hại xảy ra thường xuyên, nông dân do tâm lý “sốt ruột” lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phun trừ không đúng quy trình hướng dẫn khiến sâu bệnh “quen thuốc”, “nhờn thuốc” nên công tác dự tính, dự báo ngày càng phức tạp.
Để nâng cao chất lượng công tác dự tính, dự báo các đối tượng sâu bệnh hại, hàng năm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã xây dựng phương án bảo vệ thực vật, dự báo sâu bệnh hại cho từng vụ sản xuất. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN và PTNT) đã duy trì, phân công cán bộ thường xuyên bám đồng ruộng theo dõi, phát hiện sớm và dự báo đầy đủ, chính xác tình hình sâu bệnh phát sinh gây hại, diện phân bổ và mức độ gây hại trên các loại cây trồng và ở từng địa bàn. Chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố xác định đúng tuyến, điểm điều tra định kỳ, điều tra mở rộng và thời điểm phát dục, thời gian cao điểm của các lứa sâu bệnh hại trong từng vụ sản xuất để cảnh báo sớm và tham mưu giải pháp ngăn chặn, hướng dẫn nông dân biện pháp phòng ngừa các loại sâu bệnh hại một cách hữu hiệu nhất. Bên cạnh đó, Chi cục chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố thực hiện điều tra bổ sung trước mỗi lứa sâu, trước các thời kỳ cao điểm sâu bệnh. Từ đó tổng hợp tình hình và gửi thông báo định kỳ, thông báo tháng, báo cáo vụ về cơ quan chuyên ngành cấp trên để có biện pháp ngăn chặn các loại sâu bệnh hại kịp thời, không để bùng phát ra diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và chất lượng nông sản.
Đối với con nuôi thuỷ sản, Sở NN và PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các biện pháp phòng và giám sát, phát hiện dịch bệnh cho người nuôi thủy sản; các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, thuốc thú y. Tăng cường thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi thủy sản, quản lý chất lượng con giống thủy sản nhập vào tỉnh. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phối hợp với Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương chủ động thực hiện giám sát một số bệnh nguy hiểm ở động vật nói chung, chăn nuôi thủy sản nói riêng, trên cơ sở đó kịp thời tham mưu các giải pháp phòng bệnh hiệu quả; lấy mẫu bệnh phẩm động vật thủy sản tại những khu vực có nguy cơ cao để xét nghiệm, cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh; phân công cán bộ phụ trách địa bàn và tiếp nhận những phản ảnh của người nuôi về môi trường, dịch bệnh để kịp thời hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý hiệu quả.
Hàng tuần, hàng tháng, các đơn vị chức năng đều gửi đầy đủ thông báo về Chi cục đúng quy định, đảm bảo thời gian, chất lượng. Căn cứ vào nội dung thông báo, Chi cục đã đánh giá đúng diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại và hướng dẫn người dân cách phòng trừ kịp thời. Nhờ đó, các đối tượng sâu bệnh nguy hại đến chất lượng và năng suất lúa như rầy nâu, bệnh đạo ôn, bạc lá, sâu cuốn lá nhỏ và các sâu hại trên cây màu đều được phát hiện chính xác để tổ chức phòng trừ đạt hiệu quả cao giúp bảo đảm năng suất, sản lượng cây trồng.
Để nâng cao hiệu quả phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại, thời gian tới Sở NN và PTNT chủ động phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định thực hiện tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại trên lúa, màu. Thành lập đoàn kiểm tra thực tế đồng ruộng để trực tiếp đôn đốc các địa phương tăng cường hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, tổ chức thực hiện kịp thời các biện pháp phòng trừ các đối tượng dịch hại theo nguyên tắc “4 đúng”; tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng một số mô hình trình diễn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật tại một số vùng trọng điểm để đánh giá các loại thuốc đang được nông dân sử dụng phổ biến và một số loại thuốc mới trong danh mục Bộ cho phép sử dụng. Từ đó chỉ đạo, hướng dẫn nông dân dùng đúng các loại thuốc, đảm bảo phòng trừ hiệu quả, an toàn cho người sản xuất và môi trường… góp phần giảm chi phí đầu tư và công lao động. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý dịch hại và sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng chủ lực nhằm bảo vệ sản xuất.
Cùng với các biện pháp chuyên môn, ngành Nông nghiệp cũng hướng dẫn các địa phương kết hợp thực hiện các biện pháp thâm canh để hạn chế sâu bệnh hại lúa, màu. Cụ thể, đối với bệnh lùn sọc đen cần làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, chủ động hạn chế sự xâm nhập của rầy ngay từ giai đoạn gieo mạ bằng biện pháp che phủ nilon; tăng cường thu thập, phân tích, giám định mẫu rầy di trú, các lứa rầy để phát hiện vi-rút lùn sọc đen và làm tốt công tác phòng trừ rầy trong suốt vụ. Đối với phòng bệnh bạc lá, nông dân nên đảm bảo mật độ gieo cấy hợp lý, bón phân cân đối, bón lót sâu, thúc sớm và không bón phân đạm thúc lúa trỗ và nuôi hạt. Các địa phương tổ chức phát động diệt chuột, ốc bươu vàng tập trung, đồng loạt khi lấy nước đổ ải và làm đất; tăng cường điều tra, phát hiện, khoanh vùng xử lý hiệu quả sâu keo mùa thu trên lúa, ngô. Thực hiện gieo trồng các loại cây rau màu trong khung thời vụ tốt nhất theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành.
Việc chủ động xây dựng kế hoạch, xác định đúng tuyến, thời điểm điều tra và tham mưu những giải pháp ngăn chặn và phòng ngừa các loại sâu bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi một cách hữu hiệu là cơ sở để bảo vệ an toàn sản xuất, góp phần hoàn thành các mục tiêu về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin