Nghề trồng hoa, cây cảnh ở Nghĩa Lạc

08:50, 29/08/2023

Xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng) hội tụ đầy đủ những nét đẹp thuần khiết, yên bình của một làng quê ven sông với đặc trưng của nền nông nghiệp đồng bằng châu thổ sông Hồng. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ, UBND xã cùng các tổ chức chính trị, xã hội, nghề trồng hoa, cây cảnh nơi đây đang được chú trọng phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Thái Vinh (ngoài cùng bên trái), thôn Tâm Lương là một trong những hộ có nhiều cây mẫu đơn thương phẩm nhất xã với khoảng 800 gốc.
Ông Nguyễn Thái Vinh (ngoài cùng bên trái), thôn Tâm Lương là một trong những hộ có nhiều cây mẫu đơn thương phẩm nhất xã với khoảng 800 gốc.

Chúng tôi về xã Nghĩa Lạc khi Đội sinh viên tình nguyện đồng hương Hà Nam Ninh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cùng với anh Phan Trung Kiên - nghệ nhân làng nghề hoa, cây cảnh Xuân Quan, Văn Giang (Hưng Yên) đang tổ chức hội thảo hướng dẫn các hộ trồng hoa, cây cảnh trong xã cách chăm sóc, uốn tỉa, tạo thế và phòng trừ các loại sâu bệnh thường gặp trên cây mẫu đơn. Nghệ nhân Phan Trung Kiên không chỉ giỏi nghề mà còn kinh doanh thành công trên mạng internet khi đang sở hữu kênh youtube nổi tiếng chuyên về mẫu đơn, đặc biệt dòng mẫu đơn cổ Văn Chấn thân nứt với gần 40 nghìn người theo dõi… Bác Nguyễn Thái Vinh, Bí thư Chi bộ thôn Tâm Lương cho biết: Phát huy lợi thế, tiềm năng đất đai, từ năm 1995 nghề trồng hoa, cây cảnh đã được người dân Nghĩa Lạc quan tâm phát triển, ban đầu là trồng đào, quất, những năm gần đây các loại cây hoa, nhất là cây hoa mẫu đơn, được trồng nhiều hơn. Hiện nay, toàn xã có trên 400 hộ trồng hoa, cây cảnh, trong đó chủ yếu là hoa mẫu đơn với tổng diện tích 37ha, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Tâm Lương và Đồng Tâm. Nhiều hộ trồng diện tích lớn, số gốc nhiều như gia đình ông Nguyễn Văn Kiêm, thôn Tâm Lương hiện có 2.000 cây mẫu đơn; ông Nguyễn Văn Tuyết, thôn Đồng Tâm có 500 cây mẫu đơn thương phẩm… Cây mẫu đơn ở đây chủ yếu là mẫu đơn đỏ, vàng, trắng và hồng. Nhờ phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, nhiều hộ đã có nguồn thu nhập ổn định từ 120-200 triệu đồng/năm.

Cùng với việc mời nghệ nhân, chủ nhà vườn trực tiếp trao đổi, cung cấp những kiến thức kinh doanh trên internet, kỹ năng, kinh nghiệm thiết thực trong việc tạo ra những sản phẩm hoa mẫu đơn đặc sắc, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, Đội sinh viên tình nguyện đồng hương Hà Nam Ninh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội còn trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ các chủ vườn nơi đây xây dựng fanpage, Facebook, Zalo để giới thiệu, quảng bá, bán cây trên môi trường internet và chụp ảnh, viết bài giới thiệu sản phẩm, phương pháp chốt đơn khi khách đặt hàng... Bùi Thị Thu Hà, Đội trưởng Đội sinh viên tình nguyện đồng hương Hà Nam Ninh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết: Thời gian gần đây, do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, việc tiêu thụ sản phẩm của người nông dân gặp khó khăn, vì vậy bán hàng qua mạng đang dần trở thành xu hướng, tạo ra rất nhiều tiện ích cho cả người bán và người mua. Để giúp người dân tiêu thụ sản phẩm hoa, cây cảnh, ngoài việc thiết lập fanpage chung, Đội đã phân chia thành các tổ xuống từng hộ dân tìm hiểu, hướng dẫn cách thu thập dữ liệu, thiết kế, kiểm duyệt và quản trị đăng bài nhằm bảo đảm sự thống nhất, minh bạch chung cho các hộ trồng hoa, cây cảnh trong toàn xã. Đây là cơ sở để người trồng hoa, cây cảnh nói chung, các hộ trồng cây mẫu đơn ở Nghĩa Lạc nói riêng quan tâm, chú trọng hơn đến việc phát triển nghề nhằm tạo ra nhiều hơn những sản phẩm chất lượng, đặc sắc và có giá trị cao, đồng thời chủ động liên kết với các nhà vườn trong việc tiêu thụ sản phẩm để có thu nhập ổn định, bền vững.

Nghề trồng hoa được người dân Nghĩa Lạc quan tâm phát triển.
Nghề trồng hoa được người dân Nghĩa Lạc quan tâm phát triển.

Tiếp nối ý tưởng tạo sự phát triển lâu dài, bền vững và mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, Đảng uỷ, UBND xã Nghĩa Lạc đang tích cực chỉ đạo các ban, ngành tập trung phấn đấu xây dựng phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh ở quy mô được UBND tỉnh công nhận là làng nghề. Đồng chí Vũ Xuân Đại, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: “Với mục tiêu nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, trong định hướng chung cùng với những tuyến đường hoa, Nghĩa Lạc tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các mô hình nhà vườn tạo cảnh quan, không gian sáng - xanh - sạch - đẹp và thân thiện để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó xã đặc biệt quan tâm phát triển nghề sinh vật cảnh theo hướng bền vững”. Thực hiện định hướng đó, UBND xã đang tập trung quy hoạch các vùng trồng hoa, cây cảnh; thúc đẩy, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp xác lập các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; tổ chức cho các hộ tham quan một số mô hình trồng hoa, cây cảnh tiêu biểu của tỉnh và các địa phương khác. Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, tạo nguồn cung chất lượng, bảo đảm đủ số lượng theo yêu cầu của khách hàng. Từ nguồn vốn của Dự án giảm nghèo bền vững, Hội Phụ nữ xã đã hỗ trợ 54 triệu đồng cho 15 hộ dân ở 2 thôn Tâm Lương, Đồng Tâm mua giống cây về trồng. Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh xã chú trọng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, tạo thế; hỗ trợ kết nối vay vốn tín dụng của các ngân hàng để đầu tư mua, chọn tạo giống cây mới, xây dựng các mô hình điểm để người dân đến nghiên cứu, học tập. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên có trách nhiệm quản trị trang fanfage, kiểm duyệt đăng tải các nội dung liên quan về làng nghề hoa, cây cảnh nhằm tạo kênh tiêu thụ sản phẩm một cách thống nhất, cạnh tranh lành mạnh giữa các hộ kinh doanh trong xã. 

Nhờ sự quan tâm khuyến khích đầu tư của cấp uỷ Đảng, chính quyền, người dân Nghĩa Lạc đang tập trung phát huy thế mạnh về đất đai để phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh theo hướng làng nghề tạo nguồn lực để tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng cuộc sống và các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu bền vững./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com