Vì sự an toàn của vùng bối trong mưa bão

07:46, 19/07/2023

Toàn tỉnh có 34 bối, trong đó có 31 bối có dân sinh sống. Đê bối nằm ngoài đê sông, đóng vai trò quan trọng bảo vệ những vùng dân sinh - kinh tế ở bãi ven sông hoặc bãi nổi ở lòng sông. Các vùng bối có ý nghĩa quan trọng, là những trọng điểm trong công tác phòng chống bão lũ, bảo vệ hệ thống đê chính. Trước những diễn biến phức tạp trong mùa mưa bão năm nay, các cấp, ngành và các địa phương đang tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp, sẵn sàng phương án bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho người dân vùng bối.

Lực lượng xung kích xã Nam Hồng (Nam Trực) kiểm tra các tuyến đê, kè trên địa bàn.
Lực lượng xung kích xã Nam Hồng (Nam Trực) kiểm tra các tuyến đê, kè trên địa bàn.

Vùng bối xã Nam Phong (thành phố Nam Định) là một trong những bối lớn của tỉnh với tuyến đê bối Phụ Long dài 3.200m ngăn lũ cho hai thôn Phụ Long 1, Phụ Long 2. Tại vùng bối này có gần 1.000 hộ với 3.600 khẩu sinh sống. Sản xuất nông nghiệp tại vùng bối phát triển với nghề trồng hoa, cây cảnh, rau màu các loại mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Hiện nay, trên tuyến đê bối có 6 cống, trong đó có 3 cống lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) xã Nam Phong, trong nhiều năm qua các tuyến đê, kè bối không phải chịu mực nước lớn, có một số vị trí sông đã lở gần sát chân bối như tại vị trí cống Vạn Diệp. Để bảo đảm an toàn vùng bối, xã tập trung xây dựng kế hoạch PCTT; thành lập Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã, ban chỉ huy tiền phương, hậu phương; xây dựng và sẵn sàng vận hành các phương án bảo vệ vùng bối theo phương châm “4 tại chỗ”, thiết lập vận hành phương án di dân vùng bối, phương án ứng phó với siêu bão và hộ đê khi có báo động cấp 3. Đối với vùng bối Phụ Long, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã đã chỉ đạo các thôn thành lập tiểu ban thường trực triển khai nhiệm vụ khi có mưa bão xảy ra; tổ chức thông báo trên loa truyền thanh để nhân dân nắm chắc, kịp thời diễn biến thời tiết chủ động ứng phó. Khi có yêu cầu, xã sẽ huy động lực lượng xung kích gồm 86 người hỗ trợ di dân. Thực hiện chỉ đạo của UBND xã, các thôn Phụ Long 1, Phụ Long 2, Ngô Xá, Vạn Diệp 1, Vạn Diệp 2, Vị Lương và Đông Đồng Ngãi đã thành lập các tiểu ban phụ trách từng đoạn, tuyến đê bối; tổ chức phân công lực lượng thường xuyên theo dõi, giám sát toàn tuyến để kịp thời thông tin, triển khai nhanh, đồng bộ phương án phòng, chống và xử lý các sự cố xảy ra.

Qua rà soát, kiểm tra hệ thống đê kè trước mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đánh giá, trong tổng số 34 bối toàn tỉnh, hiện có 8 bối đủ khả năng bảo đảm an toàn khi nước lũ ở mức báo động III, số bối còn lại chỉ bảo đảm an toàn khi nước lũ ở mức báo động II… Tại một số vùng bối lớn như: Tuyến đê bối Đồng Tâm dài hơn 9km trên đê hữu Đào nằm trên địa phận 2 xã Thành Lợi và Đại Thắng (Vụ Bản); tuyến đê bối Hồng Hà và Hồng Long trên đê hữu Hồng thuộc địa bàn xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc)… mặc dù đã được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp nhưng nhiều vị trí thân đê đã xuất hiện tình trạng mối, chuột làm tổ dẫn đến nước thẩm lậu qua cơ và thân đê, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở đê khi có lũ lớn. Dòng chảy áp sát bờ, ảnh hưởng trực tiếp đến thân đê và mái kè đê. Đặc biệt, ven chân đê phía trong đồng có nhiều thùng đào, thùng đấu làm gia tăng nguy cơ thẩm lậu và sạt lở thân đê; mặt đê lại chưa được gia cố đổ bê tông, gây khó khăn cho việc đi lại vận hành phương án phòng, chống lụt bão…

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân trong mùa mưa bão năm nay, các địa phương có bối đã tập trung kiểm tra, rà soát hiện trạng đê bối, hệ thống kè, cống, bờ bao ngăn nước cùng toàn bộ nhân lực, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ”. Trên cơ sở đó tiến hành xây dựng kế hoạch PCTT, bảo vệ vùng bối, thiết lập vận hành phương án di dân vùng bối khi xảy ra sự cố về đê hoặc khi có lệnh phân lũ. Các xã đã thành lập các tiểu ban phụ trách đoạn, tuyến đê bối; phân công cán bộ thôn, đội trực tiếp phụ trách đảm bảo kịp thời thông tin, triển khai nhanh, đồng bộ phương án PCTT khi có sự cố xảy ra. Tổ chức ký hợp đồng với các chủ phương tiện ô tô, tàu thuyền trên địa bàn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có lệnh điều động… Đồng chí Đỗ Văn Lạc, Chủ tịch UBND xã Nam Thắng (Nam Trực) cho biết: "Khi sông Đào xuất hiện lũ khẩn cấp và có yêu cầu, xã sẽ nhanh chóng thực hiện sơ tán người dân cùng tài sản của các hộ dân sinh sống trong vùng bối đến nơi an toàn. Để thực hiện nhiệm vụ này, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã đã thành lập 5 đội xung kích gồm 180 người và trưởng các tổ chức hội, đoàn thể trong vùng bối Đại An hỗ trợ người dân di chuyển đến khu vực chợ Nam Thắng, trụ sở UBND xã và các trường tiểu học, THCS của xã để bảo đảm an toàn cho người dân. Việc di dân được tiến hành đồng thời với việc di chuyển lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân được thực hiện theo phương án đã phê duyệt".

Vận chuyển các cấu kiện bô tông phục vụ thi công xây dựng các tuyến đê trên địa bàn xã Nam Phong (thành phố Nam Định).
Vận chuyển các cấu kiện bê tông phục vụ thi công xây dựng các tuyến đê trên địa bàn xã Nam Phong (thành phố Nam Định).

Trong mùa mưa bão, cùng với việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, các vùng bối còn có nhiệm vụ phân lũ, xả lũ khi có yêu cầu. Đồng chí Trần Hữu Lệ, Chủ tịch UBND xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) cho biết: Xã đã tập trung xây dựng lực lượng xung kích được trang bị đầy đủ dụng cụ gồm mai, xẻng, vồ, đèn bão… sẵn sàng ứng cứu khi có hiệu lệnh. Lực lượng này đã được tập huấn kỹ năng di dân, đồng thời chủ động kiểm kê, tháo dỡ di chuyển tài sản giúp từng hộ dân. Các trưởng thôn có nhiệm vụ kiểm tra, kê kích tài sản và điều hành lực lượng bảo vệ thôn, xóm... Khi nhận lệnh phân lũ của cấp trên, sau khi đã sơ tán người dân đến vị trí an toàn và ổn định chỗ ở, xã tiếp tục thông báo rõ vị trí, thời điểm phá đê để mọi bộ phận liên quan biết, tránh bị động rồi mới phá đê để nước từ từ vào, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra khi tiến hành phân lũ. Theo kế hoạch, đối với tuyến đê bối Hồng Hà, sẽ tổ chức phá đê tại 2 điểm cách hạ lưu từ 300 đến 500m; đối với tuyến đê bối Phụ Long tổ chức phá đê tại vị trí phía bắc bãi màu hợp tác xã Hồng Long và phía bắc miếu Bách Linh, xóm Phụ Long...

Việc chủ động lên phương án, bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng bối trước những diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết trong mùa mưa bão năm nay./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com