Mặc dù không phải là huyện ven biển nhưng nằm trên lưu vực của 2 con sông lớn là sông Hồng và Ninh Cơ nên huyện Trực Ninh thường xuyên chịu thiệt hại do mưa bão, lũ lớn, triều cường… Để chủ động ứng phó trước mọi tình huống thiên tai xảy ra, ngay từ đầu năm 2023, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, xã, thị trấn, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ kế hoạch giải pháp, phương án phòng chống thiên tai (PCTT) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Lực lượng quân sự cùng lực lượng xung kích huyện Trực Ninh phát quang mái đê tại tuyến đê hữu sông Ninh Cơ thuộc địa phận xã Trực Nội. |
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, xã Trực Thanh đã quán triệt sâu sắc phương châm “4 tại chỗ”; rà soát, bổ sung phương án PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) sát thực tế địa phương; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí; chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm… Để đảm bảo tốt “chỉ huy tại chỗ”, xã đã kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN, phân công trách nhiệm từng thành viên phụ trách địa bàn thôn, xóm; giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ UBND xã đến tận cơ sở giúp đỡ khi có tình huống thiên tai xảy ra. UBND xã đã điều động 50 dân quân cơ động và thêm lực lượng khác đảm bảo phù hợp theo mức độ công việc; mỗi thôn, xóm thành lập lực lượng xung kích 20-25 người… đưa tổng lực lượng huy động trên địa bàn toàn xã lên trên 200 người tham gia công tác PCTT, sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả khi có tình huống thiên tai; trong đó đặc biệt cơ bản xử lý giờ đầu khi phát hiện có hiện tượng mạch sủi, thẩm lậu qua thân đê. Ngoài các dụng cụ, vật tư, trang thiết bị được cấp, xã chủ động mua sắm, hợp đồng chuẩn bị số lượng vật tư như: 300 cây tre, 300 cây luồng, 1.000m3 đất, 2.500 bao tải, 30 chiếc xẻng, 2 xe vận tải… đảm bảo đủ chỉ tiêu huyện giao. Đồng chí Nguyễn Văn Thực, Chủ tịch UBND xã Trực Thanh cho biết: “Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” đã góp phần đảm bảo kết quả PCTT trên địa bàn xã, chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại thiên tai gây ra”.
Xã Trực Chính có 6.630m đê; trong đó đê bối dài 3.200m đã được nâng cấp cải tạo, mặt đê được cứng hỏa bằng đá cấp phối; đê hữu sông Hồng dài 3.430m, cơ bản mặt đê được đổ nhựa, bê tông cứng hóa. Để giữ vững tuyến đê hữu sông Hồng và tuyến đê bối trên địa bàn, xã đã thành lập Tiểu ban Tiền phương 1 phụ trách tuyến đê hữu sông Hồng, Tiểu ban Tiền phương 2 phụ trách tuyến đê bối. Các tiểu ban này có nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra, kịp thời phát hiện những sự cố, hiện tượng bất thường trên tuyến đê, kè, cống để xử lý giờ đầu có hiệu quả và có phương án ứng cứu những tình huống thiên tai, sự cố đê điều xảy ra. Xã đã giao hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Trực Chính chuẩn bị đầy đủ các hệ thống máy bơm, trạm bơm, chủ động khơi thông dòng chảy… đảm bảo tiêu úng kịp thời, bảo vệ sản xuất nông nghiệp khi có mưa lớn, bão mạnh, ngập úng. Đồng chí Trịnh Thanh Niên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Thời gian qua, xã đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân và hội viên nhận thức được yêu cầu, tầm quan trọng của công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, từ đó chủ động các phương án trong mọi tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Hướng dẫn, đôn đốc, giúp đỡ nhân dân sơ tán khi có yêu cầu; phối hợp tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ, giúp đỡ những người khó khăn gặp nạn do thiên tai”. Hiện xã đã chuẩn bị lực lượng tại chỗ gồm 150 người được điều động từ các thôn, nhà máy gạch tuynel, hợp tác xã và các vật tư phòng chống lụt bão như cuốc, xẻng, phao áo cứu sinh, cát dự phòng, đất, bao tải, chiếu cói, đèn pin… sẵn sàng đảm bảo “4 tại chỗ”.
Để chủ động công tác PCTT, ngay từ đầu năm 2023, huyện Trực Ninh đã giao án phận đê điều cho các xã, thị trấn; lập và duyệt các phương án bảo vệ trọng điểm đê kè, phương án ứng phó thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai, tính đến cả tình huống siêu bão. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tổng kiểm tra công trình đê điều, thủy lợi trước mùa mưa bão; đánh giá hiện trạng, mức độ an toàn của các công trình, lập phương án theo dõi và xử lý kịp thời. Các xã, thị trấn thành lập, kiện toàn và giao nhiệm vụ cho thành viên Ban chỉ huy PCTT và TKCN; chủ động xây dựng, phê duyệt và thực hiện kế hoạch, phương án PCTT; chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Phối hợp với các cơ quan chuyên trách thường xuyên tuần tra, kiểm tra để phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi. Được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh, nhiều công trình đê điều, thủy lợi được tu bổ, nâng cấp công trình đê điều, thủy lợi. Các dự án: cải tạo, nâng cấp một số đoạn đê xung yếu trên tuyến đê sông tại các xã Trực Chính, Phương Định, Liêm Hải, Việt Hùng, Trực Hùng, thị trấn Cát Thành; duy tu, bảo dưỡng đê điều các hạng mục xây dựng kho dự trữ vật tư phòng chống lụt bão kết hợp điếm canh đê Trực Mỹ, sửa chữa điếm Trực Thanh, gia cố mặt đê sông Ninh Cơ các đoạn từ K17+400 đến K20+785, K22+400 đến K25+405… đang được thực hiện.
Hiện nay, toàn huyện có 33 đội tuần tra, canh gác đê gồm 396 thành viên của 15 xã, thị trấn có đê thực hiện nhiệm vụ theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6-01-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được huy động thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh báo động lũ. 21 xã, thị trấn cũng thành lập 21 đội xung kích PCTT với tổng số gần 1.800 thành viên gồm dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện... sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Với các xã, thị trấn có đê bố trí thêm lực lượng quản lý đê nhân dân, trưởng điếm, mỗi điếm canh đê 12 người được tập huấn kỹ thuật tuần tra, canh gác, hộ đê giờ đầu. Hiện nay, 4.153m3 đá hộc dự trữ được tập kết tại các tuyến đê hữu sông Hồng (thuộc thị trấn Cổ Lễ và xã Trực Chính) và đê hữu sông Ninh Cơ (thuộc các xã, thị trấn Phương Định, Việt Hùng, Cát Thành, Trực Thuận). Các vật tư tại chỗ PCTT khác gồm 21 bộ nhà bạt loại từ 16,5m2 đến 60m2, 710 chiếc áo phao cứu sinh, 1.070 chiếc phao tròn cứu sinh… đã được dự trữ tại kho của huyện. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, rà soát để thay thế, bổ sung nhân lực, vật tư, phương tiện kịp thời, đảm bảo chất lượng khi cần huy động.
Sự chuẩn bị chu đáo theo phương châm “4 tại chỗ” của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể là cơ sở bảo đảm công tác PCTT và TKCN của huyện Trực Ninh được thực hiện hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có tình huống thiên tai xảy ra./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin