Với hiệu quả kinh tế cao, nhiều năm qua, cá bống bớp đã trở thành một trong những đối tượng nuôi chủ lực của người dân các huyện ven biển Nghĩa Hưng, Giao Thủy. Từ đầu năm đến nay, nhờ điều kiện thời tiết ổn định, tình trạng ô nhiễm môi trường giảm đáng kể, thị trường rộng mở nên người nuôi thương phẩm và sản xuất cá bống bớp giống gặp nhiều thuận lợi.
Kiểm tra chất lượng cá giống tại cơ sở sản xuất giống thuỷ sản nước mặn của anh Phạm Văn Sơn, nông trường Bạch Long, xã Bạch Long (Giao Thuỷ). |
Toàn tỉnh có hơn 200ha nuôi cá bống bớp. Để vụ nuôi đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, kiến thức cho người dân, tuân thủ lịch thời vụ; quản lý chặt chẽ vùng nuôi và sản xuất giống thủy sản, trong đó có cá bống bớp. Đặc biệt các cơ quan chuyên môn cũng hướng dẫn các hộ nuôi thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, môi trường nước, đảm bảo an toàn sức khỏe cho đối tượng nuôi. Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng, người dân luôn chủ động cải tạo ao đầm, năng động trong lao động sản xuất. Nhờ vậy, các hộ nuôi cá bống bớp trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 100 tấn cá thương phẩm với giá bán bình quân từ 280-310 nghìn đồng/kg.
Tận dụng lợi thế nằm giữa 2 con sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy, với trên 20km bờ biển, vùng bãi triều rộng lớn và giàu phù sa, nhiều hộ dân nuôi cá bống bớp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng đã có thu nhập ổn định từ nuôi thương phẩm và sản xuất giống cá bống bớp. Để góp phần phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường, từ năm 2020, Sở NN và PTNT đã thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá bống bớp bằng thức ăn công nghiệp” tại huyện Nghĩa Hưng. Dự án đã lựa chọn 9 hộ nuôi tại các xã Nam Điền, Nghĩa Tân, Nghĩa Bình để thực hiện. So với các phương thức nuôi khác, mô hình nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp, người nuôi có thể nuôi cá với mật độ cao hơn, dễ quản lý, chủ động được nguồn thức ăn, giảm áp lực khai thác cá tạp gần bờ, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, người nuôi cũng hạn chế việc sử dụng thuốc, hoá chất trong quá trình nuôi nên giảm thiểu tác động đến môi trường, tạo sản phẩm sạch, chống lây nhiễm dịch bệnh, giảm hệ số thức ăn. Sau 3 năm triển khai, mô hình đã mở ra hướng đi mới, giúp nghề nuôi cá bống bớp phát triển bền vững, hạn chế dịch bệnh, tạo sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Hộ ông Vũ Mạnh Bằng, xã Nghĩa Bình là một trong những gia đình được chọn thực hiện mô hình nuôi cá bống bớp thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp. Ông Bằng cho biết: “Qua thực hiện, mô hình nuôi cá bống bớp thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp đã có hiệu quả tích cực, mở ra một hướng đi mới, giúp nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững như hạn chế dịch bệnh, tạo ra sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đàn cá phát triển khỏe mạnh, đồng đều, không có dịch bệnh; thu hoạch đạt trọng lượng khoảng 10 con/kg”. Còn ở Tổ dân phố số 6, thị trấn Rạng Đông, mô hình của anh Nguyễn Văn Sơn rất nổi tiếng bởi anh là một trong những hộ nuôi cá bống bớp có uy tín trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, “cơ ngơi” nuôi và sản xuất giống cá bống bớp của anh Sơn rộng hơn 1,2ha; ngoài ra anh còn liên kết với khoảng 300 hộ nuôi ở địa phương và các xã lân cận để nuôi cá bống bớp với tổng diện tích 100ha. Ngoài ra, anh còn cung cấp thức ăn cho cá và hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ dân. Từ đầu năm đến nay, anh xuất bán ra thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và các tỉnh trong cả nước hơn 300 tấn cá thương phẩm; tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động địa phương với mức lương từ 6-10 triệu đồng/người/tháng. Hộ ông Hoàng Văn Minh ở thị trấn Rạng Đông cũng là một trong những hộ nuôi cá bống bớp thành công. Ông Minh cho biết: “Năm nay, cá bống bớp được mùa được giá, thị trường đầu ra ổn định nên tôi rất phấn khởi. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, người dân chúng tôi thêm phần tự tin trong lao động sản xuất”.
Không chỉ thành công trong nuôi cá bống bớp thương phẩm, sản xuất cá bống bớp giống cũng đạt được kết quả tốt. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh sản xuất được 5 triệu con giống. Từ đầu năm nay, cơ sở sản xuất giống thủy sản nước mặn của anh Phạm Văn Sơn ở nông trường Bạch Long, xã Bạch Long (Giao Thủy) sản xuất được 100 vạn cá bống bớp giống. Chia sẻ về kỹ thuật sản xuất giống cá bống bớp hiệu quả, anh Sơn cho biết ưu tiên lựa chọn đàn cá bố mẹ khỏe mạnh, sức khỏe tốt, linh hoạt, không bị dị tật. Với thâm niên hơn 15 năm trong nghề sản xuất giống thủy sản, anh Sơn cho biết: “Với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng, sự năng động, trách nhiệm của các hộ nuôi nên tình trạng ô nhiễm môi trường trong nuôi thủy sản giảm đáng kể. Hơn nữa thị trường tiêu thụ thủy sản ngày càng rộng mở nên sản xuất cá bống bớp giống nói riêng và nuôi thủy sản nói chung trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Năm nay, cá bống bớp giống được bán với mức giá hơn 7 triệu đồng/1vạn con giống”.
Hy vọng rằng trong thời gian tới, cùng với đầu tư đúng hướng và hiệu quả kinh tế cao từ nuôi cá bống bớp sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của ngành nuôi thủy sản nói riêng và sự phát triển kinh tế chung của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin