Những mô hình nông nghiệp "xanh" hiệu quả ở Vụ Bản

08:19, 05/07/2023

Những năm gần đây, huyện Vụ Bản tích cực cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông sản hàng hóa tập trung với hàng loạt mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Sản xuất rau màu theo công nghệ hữu cơ ở xã Thành Lợi.
Sản xuất rau màu theo công nghệ hữu cơ ở xã Thành Lợi.

Được sự khuyến khích, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nông dân các địa phương trong huyện đã chủ động dồn đổi ruộng đất hình thành nhiều cánh đồng lớn. Theo thống kê của Phòng NN và PTNT huyện Vụ Bản, đến nay toàn huyện đã có 54 mô hình cánh đồng lớn sản xuất hiệu quả, giá trị sản xuất tăng 15-20% so với trồng đại trà. Tại xã Thành Lợi, được sự hướng dẫn của các hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp, nông dân đang chủ động ứng dụng các công nghệ cao để điều tiết nhiệt độ, ánh sáng, phát triển thiên địch, giảm sử dụng phân bón hóa học, đảm bảo rau màu phát triển tốt và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Chị Hoàng Thị Minh, ở thôn Dương Lai cho biết: “Cách đây 3 năm, gia đình tôi đã chuyển đổi 1ha trồng lúa sang trồng các loại rau xanh và rau gia vị hành, mùi tàu, xà lách, húng, hẹ… theo hướng hữu cơ. Nhờ đổi mới phương thức sản xuất nên thu nhập bình quân của gia đình tăng từ gần 40 triệu đồng lên xấp xỉ 100 triệu đồng/ha/năm”. Theo chị Minh, với sự hỗ trợ về kỹ thuật của HTX, các loại rau màu ở địa phương đang được các hộ dân nơi đây đầu tư trồng trong nhà lưới, tưới tiêu tự động bằng nguồn nước sạch, loại bỏ hoàn toàn hóa chất độc hại, chỉ sử dụng các hoạt chất vi sinh, thân thiện môi trường. Chị Minh chia sẻ thêm: “Mạnh dạn đầu tư công nghệ giúp chúng tôi dễ dàng áp dụng phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, an toàn sinh thái, tiết giảm tối đa việc sử dụng các loại hóa chất độc hại, qua đó nâng cao chất lượng, giá bán sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”. 

Nhận thấy hiệu quả thực tế, trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện có nhiều hộ đã tích tụ ruộng đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung. 12 năm qua, anh Nguyễn Văn Hưng, xóm Trung Cấp, xã Tam Thanh đã mạnh dạn thuê ruộng của các hộ để sản xuất quy mô lớn với diện tích trên 10ha. Để thực hiện mô hình liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, anh Hưng đầu tư quy gọn vùng, phá bờ thửa không cần thiết, cải tạo cốt đất, san phẳng mặt ruộng, củng cố bờ vùng, đào đắp hệ thống kênh tưới, tiêu nước hợp lý, tạo thuận lợi cho đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Việc sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn của anh Hưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tạo việc làm cho 15-20 lao động thời vụ. 

Chị Trần Thị Luyến, thôn Định Trạch, xã Liên Bảo là điển hình trong tích tụ ruộng đất để sản xuất nông sản hàng hóa. Năm 2012, từ diện tích ruộng được bà con xóm 3, xóm 4 giao lại do cấy lúa kém hiệu quả hoặc chuyển đổi ngành nghề, chị Luyến bắt tay vào sản xuất và từng bước mở rộng quy mô. Đến nay, chị Luyến nhận thầu với các hộ dân trong xã gần 20ha sản xuất lúa chất lượng cao; mua 2 máy làm đất cỡ lớn và các loại máy bơm, máy sạ, máy gặt phục vụ sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn; ký hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) để được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm và được Công ty bao tiêu toàn bộ thóc thương phẩm với giá thỏa thuận, đảm bảo đầu ra ổn định. Mô hình sản xuất lúa sạch của chị Luyến cho thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. 

Không chỉ thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất nông nghiệp, nông dân Vụ Bản còn chú trọng khai thác những tiềm năng đa dạng của đồng đất địa phương. Tại vùng đất Bãi Quỹ, được sự hỗ trợ của Dự án thương mại sinh học BioTrade, người dân xã Thành Lợi đã thực hiện thành công mô hình trồng quất dược liệu đạt chuẩn an toàn sinh thái của Tổ chức Y tế thế giới. Ông Đoàn Văn Hoa, xã Thành Lợi cho biết: “Gia đình tôi liên kết với Công ty Cổ phần Nam Dược triển khai trồng các cây dược liệu như quất, húng chanh, đậu nành với tổng diện tích gần 20ha. Tham gia mô hình liên kết này, ngoài việc được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá hợp lý, người dân còn được chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây dược liệu theo quy trình của WHO”. Hiện nay, người dân xã Thành Lợi đang tiếp tục thử nghiệm trồng các loại cây dược liệu như: kỷ tử, ích mẫu, hy thiêm, bông mã đề, râu mèo… để có nguồn dược liệu hữu cơ chất lượng cung ứng cho thị trường. Nhờ trình độ thâm canh cao và tư duy năng động tiếp cận thị trường của người dân, thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác vùng đất bãi ven sông đạt gần 120 triệu đồng/năm. 

Cùng với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi của huyện Vụ Bản cũng đang phát triển theo hướng trang trại, gia trại tập trung quy mô vừa và nhỏ, được áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với an toàn sinh thái. Nhiều trang trại áp dụng công nghệ nuôi tiên tiến như chuồng lồng, chuồng kín tự động, chủ động điều khiển được tiểu khí hậu chuồng nuôi, tăng quy mô đàn/m2 nuôi. HTX Chăn nuôi Long Phú, xã Hợp Hưng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ thỏ với quy mô trên 1.000 con thỏ bố, mẹ và trên 10 nghìn con thỏ thương phẩm/lứa; HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh, xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ mỗi năm 150 tấn thịt lợn, thịt gà sạch… Không riêng các HTX, nhiều hộ nông dân trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Trần Văn Rụ, xã Kim Thái áp dụng mô hình “Nuôi gà trắng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP”. Với  diện tích trên 10 nghìn m2, ông Rụ quy hoạch xây dựng 5 trại chăn nuôi gà thịt với chuồng rộng 4.000m2 khép kín, thường xuyên duy trì nuôi 35 nghìn con gà thịt/lứa. Các khu chuồng nuôi được trang bị đầy đủ hệ thống cảm biến nhiệt độ, đèn điện, quạt thông gió, máng ăn tự động, camera giám sát… giúp ông vận hành sản xuất một cách hiệu quả. Ông Mai Công Chính ở xã Hợp Hưng thành công với mô hình trang trại nuôi gà, vịt, ngan, vịt trời; lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, mua 8 máy ấp trứng, hàng tháng cung cấp cho thị trường trên 10 vạn con giống; trung bình mỗi năm có thu nhập 600 triệu đồng từ chăn nuôi, bán con giống gia cầm... Điều đáng ghi nhận tại các mô hình này là công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi được áp dụng rộng rãi như công nghệ sử dụng đệm lót sinh học, phun men vi sinh, công nghệ biogas góp phần giảm thiểu phát sinh dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. 

Với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, huyện Vụ Bản đã hoàn thành và vượt một số chỉ tiêu Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đề ra, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống cho nông dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục tiếp nhận khảo nghiệm, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản. Nhân rộng các điển hình, xây dựng các mô hình sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân thực hiện các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com