Mỹ Lộc chủ động sẵn sàng các phương án phòng, chống thiên tai

08:44, 04/07/2023

Năm 2023, dự báo thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Vì vậy, UBND huyện Mỹ Lộc xác định nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) năm 2023 là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về sản xuất, tài sản của nhân dân và tài sản công.

Kiểm tra vật tư thiết bị phục vụ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 tại xã Mỹ Hà đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Kiểm tra vật tư thiết bị phục vụ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 tại xã Mỹ Hà đảm bảo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Trên địa bàn huyện Mỹ Lộc có hệ thống đê đại hà quan trọng là tuyến đê cấp 1 quốc gia hữu Hồng dài gần 7km (từ K156+621 đến K163+610) qua địa bàn 3 xã Mỹ Phúc, Mỹ Trung, Mỹ Tân. Trên đê có 3 cống đang hoạt động là cống lấy nước trạm bơm Hữu Bị (K156+652); cống xả tiêu trạm bơm Hữu Bị (K156+761); cống xả trạm bơm Quán Chuột (K163+415); các cống đều đang vận hành ổn định, hoạt động bình thường. Để bảo vệ tuyến đê Hữu Hồng, thời gian qua, huyện đã thực hiện cải tạo, nâng cấp hộ bờ, lát mái 6 kè gồm: Hữu Bị, Cống Mý, Hồng Hà, Tân Đệ, Bách Linh và kè Vạn Hà; phát huy tác dụng tốt. Trên địa bàn huyện có 2 vùng bối có dân sinh sống và sản xuất là bối Hồng Long (dài 5,8km với 1.444 hộ dân, 4.761 nhân khẩu) và bối Hồng Hà (dài 5,2km với 534 hộ dân, 1.882 nhân khẩu) đều ở xã Mỹ Tân. Ngoài ra, các xã, thị trấn đã thống kê trên địa bàn có tổng số 5.481 nhà yếu, 12.946 người dân trong diện phải sơ tán khi có tình huống bão lớn cấp 12 đổ bộ.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về sản xuất, tài sản; ngay từ đầu năm 2023, UBND huyện đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, phân công cán bộ phụ trách địa bàn, giao án phận đê và địa bàn hộ đê; chủ động xây dựng và triển khai xây dựng các phương án ứng phó với từng kịch bản thiên tai gồm phương án tổng thể; phương án ứng phó với bão, siêu bão; phương án phòng chống và khắc phục hậu quả; phương án hộ đê toàn tuyến và ứng phó với trường hợp lũ vượt tần suất thiết kế; bảo vệ trọng điểm PCTT và TKCN năm 2023 tại cống lấy nước Trạm bơm Tân Đệ; chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện tại chỗ phục vụ công tác PCTT và TKCN. Huyện đã chuẩn bị 4.000m3 đất, 2.288m3 đá hộc, 110 áo phao cứu sinh, 14 bộ nhà bạt các loại, 3 phao bè cứu sinh, 360 phao tròn cứu sinh, 14 nghìn cây tre… tập kết tại các trọng điểm đê điều. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động chuẩn bị các loại vật tư thông dụng khác như tre, bao đất đảm bảo số lượng, chất lượng, chủng loại theo quy định; phương tiện vận tải như xe ô tô bán tải, xe thồ… để vận chuyển vật tư, nhân lực khi có sự cố xảy ra. 

Huyện tổ chức kiểm tra các công trình đê điều, công trình thủy lợi trước mùa mưa bão, trên cơ sở đó xây dựng phương án chống tràn toàn tuyến, phương án bảo vệ trọng điểm, đồng thời chỉ đạo các xã Mỹ Tân, Mỹ Trung, Mỹ Phúc rà soát lực lượng dân quân cơ động, thanh niên xung kích tổ chức lực lượng thường trực canh đê, chuẩn bị tốt các bãi đất dự trữ, phương tiện vận chuyển ứng cứu hộ đê. Tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm Tân Đệ và các công trình phụ trợ, giải phóng mặt bằng dự án sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà hạng mục cống Mý (xã Mỹ Tân); rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu trên tuyến đê sông để kịp thời phục vụ công tác PCTT. UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra các công trình đê điều, thủy lợi, có phương án đảm bảo an toàn; xử lý các vi phạm về đê điều, hành lang thoát lũ, các trường hợp đổ rác, phế thải, phế liệu trên mặt đê, thân đê; kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm mới phát sinh, nhất là cán bộ, đảng viên và báo cáo cấp trên xử lý đối với những trường hợp vi phạm vượt thẩm quyền. 

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là trên hệ thống truyền thanh của xã, thị trấn để phổ biến kiến thức, kinh nghiệm PCTT để các cơ quan, tổ chức và mỗi người dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng trong việc chủ động phòng tránh, ứng phó giảm nhẹ ảnh hưởng của thiên tai với quan điểm “Mỗi cơ quan, mỗi cấp phải tự phòng chống ở cơ quan đó, cấp đó; mỗi gia đình phải tự phòng, chống tại chính gia đình mình”. Tập trung tổ chức tốt hoạt động diễn tập PCTT và TKCN, thực hành công tác cứu sập (tìm kiếm và cứu người bị nạn vì sập nhà do bão) tại xã Mỹ Hà. Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Mỹ Thành phối hợp tốt với Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp để điều hành việc tưới tiêu, điều hòa phục vụ sản xuất, chủ động vận hành các trạm bơm, khơi thông dòng chảy và tiêu rút nước trên hệ thống không để ảnh hưởng đến sản xuất. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng lực lượng xung kích PCTT theo quy định. Các xã, thị trấn khẩn trương rà soát cập nhật, hoàn thiện kế hoạch, phương án, kịch bản ứng phó thiên tai và TKCN của đơn vị theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị theo phương án để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có thiên tai xảy ra. 

Đồng chí Trần Anh Tư, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hà cho biết: “Xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã gồm 28 người; tổ chức trực PCLB nghiêm túc 24/24 giờ theo quy định; xây dựng phương án phòng, tránh, ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương; 11 thôn, xóm cũng xây dựng kế hoạch và phương án cụ thể của mình. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ” để huy động ứng cứu kịp thời khi xảy ra thiên tai. Rà soát, kiểm tra các vị trí xung yếu, khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai trên địa bàn để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng ngừa và ứng phó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, Nhà nước”. Mở các cống để tiêu, thoát nước ở các khu trũng và có kế hoạch hướng dẫn nhân dân bảo vệ lương thực, thực phẩm, gia súc, gia cầm, nhất là thóc lúa sau khi thu hoạch, đảm bảo để nơi cao ráo, an toàn; kiểm tra các công trình thủy lợi, có kế hoạch tu sửa đảm bảo sản xuất. Xã xây dựng lực lượng xung kích gồm 99 người; mỗi thôn có 1 tổ xung kích tại chỗ gồm từ 5-10 người, có trang bị các phương tiện, dụng cụ như máy bơm, cuốc xẻng, tre, luồng, bao tải… để tham gia ứng cứu, xử lý giờ đầu khi thiên tai xảy ra. Chuẩn bị bao bì, cọc tre để bảo vệ các tuyến kênh, mương, dự phòng lương thực, xăng dầu trong thời gian mưa lụt để phục vụ cho nhân dân. Về “vật tư tại chỗ” xã chuẩn bị sẵn 2 nhà bạt, 200 áo phao, 40 phao cứu hộ, 10 xe cải tiến, 500m dây thừng cứu hộ, 50 cây tre, 8 túi y tế sơ cứu, 5 bộ thiết bị y tế… Mỗi thôn, cụm dân cư phải chuẩn bị phương tiện để di dời, sơ tán nhân dân khi có yêu cầu. Trong đó, xã tập trung rà soát, thống kê và lập danh sách sẵn sàng di dời 79 hộ gia đình có nhà yếu, nhà bán kiên cố đến các hộ gia đình có nhà kiên cố và các điểm nhà trường, trạm y tế, UBND xã, nhà văn hóa, đình, chùa... của các thôn khi có sự cố thiên tai xảy ra. UBND xã và các thôn chủ động dự trữ nhu yếu phẩm (2 tấn gạo, 100 thùng mỳ tôm, nước uống 1.000 chai nước…). 

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thống nhất chỉ đạo xuyên suốt các cấp từ công tác nhân lực, phương tiện, vật tư và hậu cần đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”, huyện Mỹ Lộc quyết tâm bảo đảm an toàn hệ thống đê, kè, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm 2023./.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com