Mùa mít chín

07:38, 07/07/2023

Mít là loài cây thân gỗ, sống lâu năm và phân bổ đều khắp cả nước. Hình ảnh “nhà ngói cây mít” đã trở thành biểu tượng về sự sung túc, khá giả, bình yên của nông thôn xưa. Cây mít vừa khai thác bán quả lâu năm, gỗ mít với đặc tính khả năng chống mối mọt tốt, màu sắc đẹp mà lại không đắt đỏ, dễ kiếm nên được ưa chuộng để tạc tượng thờ, làm đồ gia dụng. Bởi vậy, cây mít đã được các gia đình tận dụng đất gồ, vườn tạp, trồng nhiều mang lại một nguồn thu nhập đáng kể, vừa làm đẹp cho cảnh trí vườn tược, xóm làng.

Ông Trần Văn Vị, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) thăm nom cây mít trong khuôn viên gia đình.
Ông Trần Văn Vị, xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) thăm nom cây mít trong khuôn viên gia đình.

Ở vùng đất cổ Ý Yên, không biết có phải do đặc thù đồi đất, núi đá xen lẫn phù sa hay do cách chăm chút cây cầu kỳ của người dân mà cây mít nơi đây cho quả nhiều và ngon hơn hẳn những vùng khác. Nhà ai cũng trồng dăm cây mít, có nhà trồng cả vườn. Sau một mùa quả, người ta tiến hành “rửa mít”, nghĩa là tỉa những cuống mít đã cho quả, những cành nhỏ trên thân cây. Rồi vào mỗi dịp Tết Đoan ngọ “giết sâu bọ” (mùng 5 tháng 5 âm lịch) người ta thường có tục “khảo mít”. Chủ nhà sai đứa trẻ trèo lên những cây mít chậm ra quả, hoặc ít quả, không sai, sau đó dùng dao bập vào gốc cây rồi tra hỏi vì sao mít không ra quả. Ở trên ngọn cây, đứa trẻ trả lời thay mít và hứa sang năm sẽ ra nhiều quả hơn. Nghe có vẻ “thần bí” nhưng thực chất việc tỉa cành và dùng dao bập vào thân vừa giúp cây mít không phải nuôi cành phụ, vừa ứa nhựa kích thích ra hoa, kết trái. Từ vết thương ấy sẽ tích tụ thành những mầm quả non ở mùa sau. Đến tháng Chạp cuối năm khi tát ao cá, thế nào cây mít cũng được “bồi dưỡng” vào gốc bằng dăm ba thúng bùn mục đáy ao giàu chất dinh dưỡng bồi bổ cây cho mùa sau. Chỉ riêng trong vườn nhà ông tôi thôi, mỗi cây mít lại cho vị ngon khác nhau. Có cây mít na quả nhỏ, da nhẵn, bóng mượt, múi nhỏ ăn thơm và ngọt; cây khác lại cho quả múi dài, mật đầy bên trong; còn có cây múi nhỏ nhưng dày và ngọt. Rồi có cây hàng năm cho quả bên ngoài da xanh ngắt mà bên trong toàn múi vàng ươm một màu; có quả da nâu đỏ, múi lại nhỏ xinh, múi vàng nhạt màu mỡ gà, giòn sừn sựt nhưng ít ngọt… phù hợp với ý thích của mỗi người.

Vào mùa hè, những quả mít to, xù xì, lớp gai nhọn hoắt chi chít ở vỏ bắt đầu nở to và đầu gai nhẵn dần là lúc mít bắt đầu chín, tỏa mùi thơm lừng len lỏi khắp khu vườn. Cây nào cũng sai lúc lỉu, quả to và đều chằn chặn như đàn lợn con. Lũ trẻ chúng tôi thích nhất là bám chân ông bà đi “thăm” mít chín. Ông tôi bảo cứ quả nào nhìn vỏ căng, mẩy, gai dị xuống, không còn nhọn hoắt là đã già; vỗ thấy kêu bộp bộp là hái được, để vào nhà đóng nõ cành xoan cho chảy nhựa vừa nhanh chín lại sạch sẽ khi bổ. Những quả ở trên cao, ông tôi dùng sào gõ nhẹ, nghiêng đầu căng tai nghe âm thanh tiếng gõ để căn ngày cắt mít hoặc tinh mắt hơn thì nhìn đàn ong, bướm vo ve, dừng lại lâu hơn ở quả nào thì tức là quả ấy có dấu hiệu sắp chín, đang tỏa hương.

Quả mít đầu mùa bao giờ cũng được bà tôi chọn bổ vào buổi sáng sớm một phần để ăn; phần còn lại mang biếu hai bên xóm giềng lân cận “lấy thảo”. Mỗi lần như thế chị em chúng tôi đứa đi hái lá mướp, đứa chặt lá chuối, đứa xăng xái lấy dao. Tàu lá chuối được trải ra làm mâm, bà cắt đôi quả mít theo chiều ngang, lấy lá mướp lau sạch nhựa, rồi chia thành các miếng nhỏ. Bọn trẻ nhanh tay tách từng múi, ăn đến no căng bụng mới thôi. Ăn xong, chúng tôi chạy vào trong nhà tìm chum gạo, vục đôi bàn tay dính nhựa mít vào, xoa lấy xoa để, lớp cám gạo bám và “quyện tẩy” bằng hết nhựa mít thì thôi. Buổi tối, bà luộc hoặc rang rổ hạt mít để dành, bọn trẻ con chúng tôi vừa thưởng thức vị hạt mít bùi bùi, vừa hóng mát, nghe bà kể chuyện!

Những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản phát triển với các sản phẩm hoa quả sấy khô giòn, giữ nguyên được hương vị tự nhiên được người tiêu dùng ưa chuộng, cũng như nhiều loại hoa quả khác, mít được trồng với quy mô hàng hóa. Các chủ trang trại, gia trại trồng mít giữa các bờ vùng, bờ thửa, các khu chuồng trại vừa tận dụng đất, vừa làm lá chắn giữ môi trường xanh cho khu chăn nuôi. Đặc biệt ở khu vực xã Tam Thanh, thị trấn Gôi, giáp dãy núi Gôi, Ngăm (Vụ Bản) và ở các xã Yên Bình, Yên Lợi, Yên Minh, Yên Tân giáp núi Già, Ngô Xá, Phương Nhi (Ý Yên) người dân đưa cây mít trở thành cây ăn quả chủ lực. Nhà nhiều thì cả trăm gốc, nhà ít cũng chỉnh trang lại vườn tạp trồng mươi cây, quả bán lẻ ngay chợ làng.

Gia đình anh Trần Văn Hiếu, xã Yên Lợi có vườn mít rộng hàng trăm m2 cho biết: Trước đây các cụ đã trồng mít trên đất này nhưng do giao thông chưa phát triển, thị trường chưa thông thương, mít chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình, làng xã nên chưa phát triển. Đất vườn rộng nhưng nhà nào cũng chỉ trồng dăm ba cây còn lại bỏ trống hoặc trồng cây tạp, lâu lâu lại phải dọn cây bụi, cỏ rác. Từ chục năm trước tôi đã tìm hiểu và mở rộng diện tích trồng mít để phục vụ nhu cầu của gia đình và bán cho thương lái khắp nơi đến mua; phụ phẩm của quả mít như vỏ, xơ còn được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Trung bình mỗi cây mít cho ra từ 10 đến gần 100 quả, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho vùng đất trống bấy lâu nay. Tại trang trại của gia đình anh Trần Văn Thành, xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc), hơn 100 gốc mít được trồng quanh các ao nuôi thủy sản; trồng làm cây bóng mát cho dãy chuồng gà. Mới gần chục năm mà cây nào cây nấy vươn thẳng quá đầu người tỏa bóng mát, lúc lỉu trái căng tròn. Anh cho biết: Cả 4ha đất trang trại được bao quanh với bưởi, mít và dừa xiêm. Cây mít ít phải chăm bón, quả những năm đầu mới bói chưa ngon chủ yếu làm thức ăn cho cá nhưng qua 5 năm bắt đầu dầy cùi, ngọt thơm, to mẩy rất ngon. Mít lại là món ăn dân dã được yêu thích nên trang trại nhà tôi luôn có khách buôn đến lấy cất mang đi chợ phố bán. Cả tấn mít mỗi mùa cũng mang lại thu nhập kha khá, “lấy ngắn nuôi dài” bù vào chi phí cải tạo ao đầm, mua thức ăn cho cá đợi đến lúc thu hoạch. Ngoài những trang trại quy mô lớn được thương lái đến thu mua tại chỗ, các hộ dân quanh vùng cũng mang mít ra chợ làng, các khu du lịch, dọc đường giao thông để bán cho khách qua đường. Thương lái thì mua gom mít chuyên chở bằng xe ô tô; những người bán lẻ thì dùng xe máy, xe đạp chở mít bán rong trên các đường phố; trong các chợ, các siêu thị, mít được bóc sẵn, bày bán bắt mắt, hương mít chín thơm lừng, quyến rũ, níu chân người qua lại./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com