Qua 2 năm thực hiện Đề án “Tiếp tục phát triển nhanh và hiệu quả công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN, TTCN) giai đoạn 2021-2025” trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và nền kinh tế toàn cầu suy thoái, huyện Hải Hậu tiếp tục thúc đẩy CN, TTCN giữ vai trò đặc biệt quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Sản xuất sản phẩm cơ khí tại Công ty Cổ phần Tân Triệu Phát, xã Hải Vân. |
Để thúc đẩy phát triển CN, TTCN nhanh và hiệu quả, huyện chú trọng thu hút các doanh nghiệp, cơ sở đầu tư sản xuất tập trung tại 3 Cụm công nghiệp (CCN) hiện có gồm: Hải Phương, Hải Minh, thị trấn Thịnh Long. Huyện khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất (trong đó có các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại 14 làng nghề CN, TTCN) áp dụng công nghệ mới, thiết bị, máy móc phù hợp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn lao động và vệ sinh công nghiệp. Các xã, thị trấn đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề tập trung đào tạo nghề, truyền nghề tạo nguồn nhân lực có tay nghề kỹ thuật cho các làng nghề, làng có nghề, chuyển đổi nghề cho các làng nghề có thu nhập thấp. Hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa; tích cực tham gia các hội chợ làng nghề, quảng bá thương hiệu sản phẩm mới, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia hoạt động thương mại điện tử, đa dạng hình thức quảng cáo bán hàng như bán hàng trực tuyến trên các trang web, trang mạng xã hội.
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại làng nghề xã Hải Minh (Hải Hậu). |
Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của tỉnh, linh hoạt sáng tạo trong công tác giải phóng mặt bằng, phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc để các dự án được triển khai sớm nhất, hiệu quả nhất; nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó, đã không ngừng tạo dựng niềm tin, ngày một thu hút được các doanh nghiệp tiềm năng về đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương. Cụ thể như Công ty TNHH Viet Power đầu tư nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu tại xã Hải Tân; Công ty TNHH Smart Shirts Garments đầu tư nhà máy may công nghiệp tại xã Hải Hà; Công ty MVE Technology Co.,Ltd đầu tư nhà máy sản xuất linh kiện điện tử MSL tại xã Hải Thanh; Công ty May MaxPort đầu tư nhà máy may tại xã Hải Hưng; Công ty TNHH Sản xuất Tín Phát xây dựng xưởng sản xuất, kinh doanh đồ gia dụng và gia công cơ khí tại xã Hải Hưng; Công ty Cổ phần 5 sao Hải Vân đầu tư xưởng sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, linh kiện điện tử, gia công cơ khí, sản xuất sản phẩm từ plastic tại xã Hải Vân...
Đến nay, toàn huyện có gần 4.300 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN, TTCN; trong đó, có trên 3.520 cơ sở sản xuất công nghiệp, tập trung nhiều tại thị trấn Cồn, thị trấn Yên Định và các xã Hải Minh, Hải Anh, Hải Vân, Hải Phương; chủ yếu ở các ngành như: chế biến lương thực - thực phẩm, cán kéo sợi PE, dệt may, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai thác và các ngành công nghiệp khác. 768 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong các ngành sản xuất kim loại, may mặc, sản xuất giường tủ bàn ghế. Nhiều doanh nghiệp có bước phát triển vượt bậc so với năm 2020 như: Công ty TNHH Smart Shirts Hải Hà doanh thu năm 2022 đạt 371 tỷ đồng, tăng 233,33% so với năm 2020; Công ty Viet Power doanh thu năm 2022 đạt 830 tỷ đồng, tăng 184,44% so với năm 2020; Công ty TNHH Vạn Hoa doanh thu năm 2022 đạt 61,415 tỷ đồng, tăng 217,85% so với năm 2020; Công ty TNHH Chế biến hải sản Tân Long doanh thu năm 2022 đạt 977 triệu đồng, tăng 213,31% so với năm 2020; Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử MSL doanh thu năm 2022 đạt 122 tỷ đồng, tăng 109,90% so với năm 2020.
Hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thúc đẩy tăng trưởng ngành CN, TTCN giữ vai trò đặc biệt quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp của huyện và có chỉ số sản xuất (theo giá so sánh) tăng so với năm trước như: Sản xuất trang phục tăng 13,32%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 22,63%; sản xuất đồ uống tăng 21%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 17,21%... Sản xuất trang phục và giày da hiện đang là ngành phát triển mạnh mẽ tại huyện Hải Hậu; ngoài cơ sở chính, các doanh nghiệp còn có các cơ sở may tư nhân vệ tinh theo mô hình xưởng nhỏ lẻ từ 30-50 đầu máy phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn trong huyện. Ngành sản xuất giường tủ bàn ghế duy trì ổn định; nhiều cơ sở đã đầu tư máy chạm khắc mỹ nghệ, máy đục bằng công nghệ vi tính, góp phần tăng năng suất lao động, đa dạng phân khúc thị trường, đáp ứng các nhu cầu khách hàng. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện năm 2022 là 6.612,674 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010); tỷ trọng ngành công nghiệp năm 2022 chiếm 35% trong tổng giá trị sản xuất.
Thời gian tới, huyện tiếp tục gia tăng các biện pháp thiết thực tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư và chủ thể sản xuất CN, TTCN. Huyện đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu, CCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh. Tập trung huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa, để đầu tư xây dựng các khu công nghiệp (KCN), CCN theo quy hoạch đã được duyệt, bao gồm: KCN ven biển Nam Hải Hậu khoảng 300ha, CCN làng nghề Hải Minh khoảng 50ha, CCN Hải Đông khoảng 50ha, CCN Hưng Thanh khoảng 50ha và mở rộng CCN Hải Phương từ 21,4ha lên 50ha. Tiếp tục tổ chức rà soát, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có sử dụng đất phù hợp với không gian phát triển, lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên phát triển, dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh... đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ. Đề xuất phương án hình thành KCN Nam Hải Hậu (bao gồm KCN Nam Hải Hậu I quy mô 200ha tại các xã Hải Đông, Hải Lý; KCN Nam Hải Hậu II quy mô 100ha tại xã Hải Đông); KCN Hải Nam quy mô 170ha tại xã Hải Nam; KCN Phúc Hà quy mô 300ha tại hai xã Hải Phúc, Hải Hà; KCN Hà Thanh quy mô 130ha tại hai xã Hải Hà, Hải Thanh; KCN Hải An I quy mô 185ha và KCN Hải An II quy mô 145ha tại xã Hải An; KCN Phú Cường quy mô 200ha tại các xã Hải Phú, Hải Cường; KCN điện năng Hải Hậu quy mô 300ha tại xã Hải Ninh, Hải Châu; nâng cấp CCN Hải Phương thành KCN Hải Phương quy mô 100ha tại xã Hải Phương, Hải Tân.
Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính, bảo đảm tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin về các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch sử dụng đất, quy trình thủ tục đầu tư. Nâng cao năng lực xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư lớn đến từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh sẵn có của địa phương như: Giày da, may mặc, chế biến lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, điện, điện tử, sửa chữa ô tô, hậu cần nghề cá, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, chế biến nông sản thực phẩm, sản xuất dược liệu... Quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh của tỉnh. Tăng cường quan hệ hợp tác, học tập kinh nghiệm các địa phương trong nước, các tổ chức khoa học và công nghệ của tỉnh, Trung ương để tiếp nhận các kết quả nghiên cứu, các công nghệ có giá trị sử dụng lớn, mang lại hiệu quả cao cho phát triển sản xuất trong huyện; chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Xây dựng các vùng công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất sản phẩm đặc thù, chủ lực, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Phấn đấu mục tiêu giá trị sản xuất CN, TTCN năm 2025 đạt 13.342 tỷ đồng (theo giá so sánh), tăng 2,5 lần so với năm 2020; tỷ trọng ngành CN, TTCN chiếm 50% trong tổng giá trị sản xuất./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin