Trong những năm qua, nhiều hội viên nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại sản xuất đến chế biến theo quy trình khép kín đã tạo ra nhiều sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị nông sản.
Sản phẩm OCOP của hội viên nông dân huyện Trực Ninh tham gia trưng bày tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện. |
Với lợi thế của địa phương có vùng trồng màu dồi dào nguồn nguyên liệu, từ năm 2018, ông Nguyễn Thanh Sản, hội viên nông dân xã Nam Hùng (Nam Trực) đã phối hợp thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hạnh Tâm chuyên sản xuất các sản phẩm từ ngũ cốc. Ông liên kết với Công ty Máy sấy năng lượng mặt trời đầu tư dây chuyền sản xuất trị giá trên 2 tỷ đồng; nhập nguồn lúa tẻ đỏ bản địa trồng trên nương của Điện Biên, đồng thời liên kết với nông dân các xã Nam Hùng, Nam Hoa, hình thành vùng trồng đỗ đen tổng diện tích gần 8ha, tạo ra nguồn nguyên liệu đầu vào đủ để sản xuất và chế biến. Do đảm bảo chặt chẽ từ khâu chọn giống đến quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu đã được đăng ký an toàn về thực phẩm chức năng. Đến nay, Công ty đã chế biến được 5 sản phẩm tốt cho sức khỏe và hỗ trợ điều trị một số bệnh gồm: mầm đậu đen, bột ngũ cốc, trà mầm gạo lứt đỏ, trà ban cha - mầm gạo lứt đỏ, muối thảo dược làm từ muối biển, lá cúc tần, gừng, sả, ngải cứu, lá lốt, quế, hồi, đinh hương, lá trầu không. Sản phẩm của gia đình ông đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, được thị trường các tỉnh ưa chuộng, nhất là thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Với sản lượng 4.000 hộp các loại/tháng, Công ty đã tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho nhiều lao động địa phương. Tại xã Trực Chính (Trực Ninh), anh Vũ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp VIAGRI đã nghiên cứu cách thức chế biến nguyên liệu củ sen tươi thành những sản phẩm giá trị cao, có thể bảo quản được trong thời gian dài. Công ty đã liên kết sản xuất với nông dân, tạo nguồn nguyên liệu ổn định và đầu tư nhà màng phơi nguyên liệu theo công nghệ Hàn Quốc, hệ thống máy sấy, máy thái lát, máy sao thực hiện chế biến theo quy trình khép kín để sản phẩm đạt chất lượng cao nhất, giữ được nguyên hương vị và dinh dưỡng của củ sen. Hai sản phẩm “Trà củ sen VIAGRI” và “Tinh bột củ sen” đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Luôn đặt chữ “tâm” vào từng sản phẩm, tạo dựng được uy tín với khách hàng, năm 2022, Công ty Cổ phần Nông nghiệp VIAGRI đã xuất bán ra thị trường 5 tấn sen thành phẩm gồm trà củ sen, tinh bột củ sen, củ sen tươi sơ chế… Còn tại thị trấn Ninh Cường, từ năm 2017, anh Nguyễn Văn Toán đã tập trung trồng giống lúa ST25 trên tổng diện tích 5ha, trong đó có 3ha theo phương pháp hữu cơ. Anh còn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy cấy, máy gieo mạ, máy sấy lúa, máy xát gạo để phục vụ cho việc sản xuất, chế biến thóc gạo. Sản phẩm gạo mộc Hương Tâm của gia đình anh đã đạt OCOP 3 sao năm 2021. Hiện anh đang tập trung đầu tư thêm trang thiết bị để sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm về gạo tốt cho sức khỏe người tiêu dùng như mì ngũ sắc, mì gạo lứt, bột ăn dặm cho trẻ em…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều mô hình sản xuất gắn với chế biến hiệu quả khác của hội viên nông dân. Điển hình như: Mô hình liên kết sản xuất, chế biến lúa, gạo chất lượng cao của Công ty TNHH Toản Xuân với nông dân 9 huyện trong tỉnh; mô hình liên kết chế biến nông sản sấy của Công ty TNHH một thành viên Minh Dương; mô hình liên kết sản xuất, chế biến dược liệu của nông dân huyện Hải Hậu với Công ty Traphaco; mô hình nuôi cá trắm đen, cá Koi kết hợp chế biến các sản phẩm từ cá trắm đen như ruốc cá, cá nướng, cá tươi cắt khúc của anh Trần Văn Khoa, hội viên nông dân xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc). Mô hình nuôi cá chạch đồng kết hợp chế biến “Cá chạch kho niêu” của hộ ông Nguyễn Văn Thỉnh, thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) được công nhận là sản phẩm OCOP, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động... Mô hình sản xuất khép kín từ chăn nuôi đến chế biến các sản phẩm từ thịt lợn nuôi bằng thảo dược, đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm của gia đình ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh). Ông Đinh Quang Hiệu, hội viên nông dân xã Yên Cường (Ý Yên) đã tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ sản xuất, kinh doanh khác, đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị để chế biến lạc thành dầu lạc nguyên chất, góp phần tiêu thụ nông sản cho người dân địa phương và các xã lân cận.
Để khuyến khích hội viên nông dân gắn sản xuất với chế biến nông sản, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền, các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và xây dựng chuỗi giá trị nông sản hàng hóa cho hàng trăm hội viên nông dân là các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, thành viên chi, tổ hội nghề nghiệp. Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh còn tích cực khai thác các nguồn vốn cho hội viên vay; trang bị kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật; vận động, hướng dẫn nông dân áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó đến nay, các sản phẩm chế biến nông, thủy sản của hội viên nông dân các địa phương trong tỉnh tương đối đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về các sản phẩm sạch, an toàn. Nhiều sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, tạo dựng được thương hiệu, nâng cao giá trị thương mại, được thị trường trong nước và các thị trường “khó tính” nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc chấp nhận.
Thời gian tới, hội viên nông dân trong tỉnh tiếp tục tham gia tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất, tạo ra các vùng sản xuất tập trung với nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng để chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hoá, góp phần tích cực nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập, cải thiện đời sống./.
Bài và ảnh: Lam Hồng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin