Để nông sản chế biến trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

08:15, 11/07/2023

Nam Định là tỉnh có lợi thế về sản xuất nông nghiệp trong khu vực đồng bằng sông Hồng với nhiều sản phẩm nông, thủy sản có giá trị, phát triển tương đối ổn định. Vì vậy những năm qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã quan tâm thực hiện các giải pháp khai thác, phát huy các điều kiện nền tảng, thuận lợi, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản.

Dây chuyền chế biến nông sản sấy tại Công ty TNHH Minh Dương (thành phố Nam Định).
Dây chuyền chế biến nông sản sấy tại Công ty TNHH Minh Dương (thành phố Nam Định).

Các địa phương đã chú trọng phát triển các doanh nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, được cấp giấy chứng nhận sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm... Nhờ đó, các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao tại một số khu/vùng nông nghiệp như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Xuân Trường do Công ty TNHH Nông nghiệp VinEco đầu tư xây dựng quy mô ban đầu 140ha, do bị thiên tai gây thiệt hại hiện chỉ có khoảng 25ha đang sản xuất các sản phẩm rau theo công nghệ sạch, an toàn; vùng sản xuất thủy sản: tôm thẻ chân trắng, ngao... tại các xã, thị trấn Giao Phong (Giao Thủy), Hải Hòa, Hải Chính (Hải Hậu), Rạng Đông, Nam Điền (Nghĩa Hưng);... Toàn tỉnh hiện có 70 đơn vị (doanh nghiệp/hợp tác xã/trang trại/cơ sở) được cấp Giấy chứng nhận sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt quy chuẩn VietGAP, HACCP và 66 đơn vị được  cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo diện các cơ sở sản xuất ban đầu thực phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn và cơ sở thu gom, sơ chế nông, lâm, thủy, sản.

Các ngành chức năng và các địa phương quan tâm khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Toàn tỉnh hiện có 590 cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản với các sản phẩm chủ lực gồm: muối biển và các sản phẩm muối chế biến, thịt lợn đông lạnh, nước mắm, gạo xay sát, bánh kẹo các loại, rượu trắng, bia các loại và một số sản phẩm thủy, hải sản (như ngao biển, tép moi, tôm biển)… Hiện nay đã có 10 doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại trong chế biến nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, điển hình như: Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam, Công ty TNHH Minh Dương, Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông DHS, Công ty Vina TP...  Riêng khâu sơ chế, bảo quản làm khô, hiện nay trên địa bàn tỉnh có trên 90 máy sấy lúa, trong đó chủ yếu là máy sấy tĩnh vỉ ngang (lò sấy) chỉ có 1 tháp sấy, công suất trung bình từ 15-20 tấn thóc/mẻ. Một số sản phẩm nông sản chế biến của tỉnh đã tạo dựng được thương hiệu; định vị được tại các thị trường nước ngoài yêu cầu khắt khe; trong đó đáng kể là sản phẩm thịt ngao đóng hộp của Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu và không ngừng khẳng định thương hiệu, danh tiếng trên trường quốc tế.

Đóng gói sản phẩm mắm tôm tại làng nghề chế biến thủy, hải sản Nghĩa Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng). ĐT
Đóng gói sản phẩm mắm tôm tại làng nghề chế biến thủy, hải sản Nghĩa Lâm, xã Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng). 

Theo mục tiêu các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đặt ra cho lộ trình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nông sản chế biến được kỳ vọng sẽ phát triển thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đó, thực trạng ngành chế biến nông sản của tỉnh còn một số vấn đề cần quan tâm khắc phục. Cụ thể là: Mối liên kết trong sản xuất và chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản với khu vực nông nghiệp chưa cao, chưa được chú ý đúng mức. Các địa phương chưa phát huy, khai thác được tối đa lợi thế về đất đai, tài nguyên nông nghiệp của tỉnh, chưa phát triển được nhiều vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn. Dù đã có định hướng và chú trọng phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ lĩnh vực nông nghiệp nhưng trên thực tế toàn tỉnh mới chỉ có Công ty TNHH Cường Tân được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ; vẫn chưa có khu/vùng sản xuất nào được công nhận làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Công tác phát triển thị trường nông sản đã được các ngành, các địa phương quan tâm, chú trọng hỗ trợ để giúp doanh nghiệp tiêu thụ nông sản thuận lợi; tuy nhiên thị trường tiêu thụ nông sản chế biến chủ yếu vẫn ở khu vực nội địa. Ngành công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh chưa thực sự phát triển và gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn vừa qua; tốc độ tăng trưởng thấp và thiếu ổn định. Giai đoạn 2011-2015, giá trị sản xuất của ngành đạt tốc độ tăng trưởng 12,46%/năm, nhưng giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 3,18%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm tương ứng là 7,6%/năm và 2,7%/năm, thấp xa so với tốc độ tăng trưởng chung của công nghiệp toàn tỉnh. Đáng kể, một số nông sản chế biến là lợi thế của ngành nông nghiệp tỉnh ta như gạo, muối… lại có xu hướng giảm mạnh trong giai đoạn vừa qua.

Để hiện thực hoá mục tiêu, kỳ vọng phát triển của ngành công nghiệp chế biến nông sản tương xứng tiềm năng lợi thế, tỉnh xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Rà soát, xác lập và phát triển một số vùng, khu sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tiếp tục hình thành các “cánh đồng lớn” phát triển sản xuất lúa hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn mỗi huyện, thành phố. Rà soát nguồn quỹ đất có khả năng trồng cây đặc dụng để nghiên cứu, xác định mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ, hình thành một số vùng trồng những loại này trên địa bàn. Khuyến khích tăng cường đầu tư đồng bộ từ khâu bảo tồn, nghiên cứu khoa học, sản xuất, quản lý giống, nguồn giống gốc đến sản xuất, khai thác, chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm dược liệu; thu hút các cơ sở sơ chế, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu. Chú trọng xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đảm bảo vệ sinh môi trường theo phương thức chăn nuôi tập trung, trang trại, công nghiệp gắn liền với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, truy xuất nguồn gốc, duy trì phát triển 2 vùng nuôi ngao giữ vững chuẩn B tiêu chuẩn châu Âu, xây dựng vùng nuôi ngao Giao Thủy theo tiêu chuẩn ASC tiến tới xây dựng và chứng nhận sản phẩm của 2 vùng nuôi ngao theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Tiếp tục xây dựng chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản; ưu tiên bố trí mặt bằng cho việc xây dựng các cơ sở kinh doanh, thu mua, sơ chế, chế biến nông sản ở các địa phương có lợi thế nguồn nguyên liệu với mục đích gắn kết chặt chẽ các cơ sở chế biến với vùng sản xuất nguyên liệu, người nuôi trồng và các cơ sở dịch vụ hậu cần, hướng tới hình thành chuỗi liên kết giá trị sản xuất, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm theo hệ thống và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với việc tăng số lượng cơ sở kinh doanh, thu mua, sơ chế và chế biến nông sản, tỉnh khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, dây chuyền sản xuất và công nghệ bảo quản; góp phần nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm nông sản chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm và không gây ô nhiễm môi trường. Hỗ trợ các cơ sở được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu độc quyền; chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ tại từng công đoạn sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Riêng định hướng phát triển các cơ sở chế biến thủy sản, tỉnh ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến các đối tượng chủ lực, các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của tỉnh như ngao, sứa, nước mắm. Dự kiến đến năm 2025, sẽ nâng số lượng cơ sở kinh doanh, thu mua, sơ chế và chế biến thủy sản từ 153 cơ sở hiện nay lên 165 cơ sở (trong đó có 15 cơ sở quy mô công nghiệp) và 175 cơ sở (trong đó có 25 cơ sở quy mô công nghiệp) vào năm 2030; tạo việc làm cho 800 đến 1.000 lao động trong tỉnh. Đến năm 2030 khuyến khích, hỗ trợ tạo điều kiện để có từ 15 đến 25 cơ sở được cấp chứng nhận HACCP và ít nhất 2 cơ sở có khả năng xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng là EU, Mỹ và Nhật. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư nâng cấp máy móc, trang thiết bị kỹ thuật để nâng cao năng lực chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nghiên cứu chế biến sản phẩm mới, đa dạng hóa các sản phẩm; phấn đấu đưa ngành chế biến muối của tỉnh trở thành trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng với sản lượng muối chế biến đạt 100 nghìn tấn/năm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phát triển nền tảng và liên kết thành cụm công nghiệp chế biến, phụ trợ, hỗ trợ theo hướng hình thành cụm ngành công nghiệp; thúc đẩy liên kết và lan tỏa chuỗi giá trị công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản với các tỉnh, thành trong vùng theo các hành lang kinh tế; tham gia vào chuỗi liên kết sản phẩm thương hiệu cấp vùng, cấp quốc gia và cấp khu vực./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com