Theo kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2022 của tỉnh, chỉ số đào tạo lao động chỉ đạt 5,52 điểm, đứng thứ 32/63 trên bảng xếp hạng toàn quốc; trong khu vực đồng bằng sông Hồng, xếp thứ 11/11.
Kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm trong sản xuất giấy in nhiệt tại Công ty TNHH Đầu tư Linh Giang (Nghĩa Hưng). |
Trong 11 chỉ tiêu cơ sở cho thấy: so với năm 2021, có 3 chỉ tiêu được cải thiện gồm điểm thi trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt 7,05 điểm, tăng 0,16 điểm, tăng 2 bậc, xếp hạng 1/63 tỉnh, thành phố. 45,69% lao động tại doanh nghiệp đã tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tăng 15 bậc. 22,01% lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại doanh nghiệp đã qua đào tạo, tăng nhẹ (1,94%) so với năm 2021 tuy nhiên vẫn giảm 3 bậc. Còn 8 chỉ tiêu tuy có tăng về điểm số nhưng chưa được cải thiện về thứ bậc trên bảng xếp hạng toàn quốc gồm: Doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng lao động phổ thông tại tỉnh; Phần trăm chi phí kinh doanh cho đào tạo lao động; Chất lượng giáo dục phổ thông của tỉnh; Mức chi phí đào tạo, tuyển dụng lao động trong tổng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp; Doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng cán bộ kỹ thuật tại tỉnh; Doanh nghiệp đánh giá chất lượng giáo dục dạy nghề tại tỉnh; Doanh nghiệp đánh giá việc tuyển dụng cán bộ quản lý, giám sát tại tỉnh; Doanh nghiệp đánh giá mức độ đáp ứng của lao động tại địa phương với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Kết quả phân tích kể trên cho thấy: Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá chưa cao khả năng đáp ứng lao động của tỉnh ta đối với phần lớn nhu cầu của doanh nghiệp. Đáng chú ý là chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục được đánh giá chưa cao cho thấy doanh nghiệp đang khó khăn hơn khi tìm kiếm, tuyển dụng cán bộ quản lý, điều hành, cán bộ có trình độ kỹ thuật tại tỉnh. Trong bối cảnh thị trường lao động nhiều biến động và triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm sau đại dịch, xuất hiện một hiện tượng đáng lưu tâm là các doanh nghiệp FDI ngày càng khó tuyển dụng ngay cả lao động phổ thông và khó giữ chân những lao động đã được chính doanh nghiệp đào tạo.
Những ý kiến, nhận định từ phía doanh nghiệp cơ bản giống với đánh giá của UBND tỉnh về những vấn đề này. Theo đó, các cơ sở đào tạo, dạy nghề trên địa bàn tỉnh đang thực hiện đào tạo khoảng 120 ngành nghề (các lĩnh vực: kỹ thuật, công nghệ, xây dựng, nông nghiệp, nghệ thuật, thương mại, du lịch, y tế, kế toán, báo chí, thông tin...) ở cả 3 cấp trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) với quy mô đào tạo 35.200 người/năm. Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát huy được hiệu quả tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (có bằng cấp chuyên môn kỹ thuật/nghề từ 3 tháng trở lên) còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn. Kinh tế của các địa phương trong tỉnh phát triển khác nhau, do đó chất lượng giáo dục phổ thông, đào tạo nghề ở một số địa phương chưa đồng đều dẫn đến có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo giữa thành thị và nông thôn, mức chênh lệch này là 24,4 điểm phần trăm (thành thị là 40,2% và nông thôn là 15,8%). Cơ cấu đào tạo trên địa bàn tỉnh trước đây vẫn chú trọng đến lao động thủ công hoặc đơn giản chỉ thực hiện một khâu trong quy trình sản xuất, chưa chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trang thiết bị phục vụ trong thực hành trong đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay; lao động sau khi tuyển dụng tham gia vào quá trình sản xuất vẫn phải thực hiện đào tạo lại. Mặc dù có nhiều cố gắng, đổi mới trong phương pháp đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực công nghiệp, nhưng trình độ của nhiều học viên đã qua đào tạo giai đoạn trước năm 2017 vẫn chưa đáp ứng ngay được nhu cầu sử dụng hiện nay của các doanh nghiệp. Nhìn chung, trình độ lao động đang làm việc trong nền kinh tế của tỉnh thấp hơn so với mức trung bình của toàn quốc (24,05%).
Thực trạng kể trên đặt ra vấn đề cấp thiết là các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh phải có giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động địa phương. Bởi đây yếu tố quan trọng giúp tỉnh gia tăng vị thế, sức hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, đặc biệt đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ hiện đại đòi hỏi lao động có trình độ kỹ thuật cao. Tỉnh yêu cầu, thời gian tới, các ngành liên quan, các địa phương chú trọng bám sát mục tiêu của tỉnh, đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 35%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT); phát triển GD và ĐT theo hướng mở, hội nhập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân; nâng cao chất lượng GD và ĐT gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ khoa học công nghệ, với quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực. Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo. Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đa dạng ngành nghề đào tạo, trong đó chú trọng ngành nghề đào tạo kỹ thuật cao, lao động quản lý; quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ lao động nông thôn; tăng số lượng lao động kỹ thuật có tay nghề; phát triển nhân lực nghiên cứu, chuyên gia trong nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức giúp toàn dân, nhất là người lao động và các học sinh, sinh viên, người học nghề hiểu rõ vai trò, vị trí và tầm quan trọng của nhân lực chất lượng cao trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; từ đó tích cực, chủ động tham gia học nghề, nâng cao chất lượng tay nghề, thiết lập cơ hội tiếp cận tốt hơn với các vị trí lao động tay nghề chất lượng, năng suất cao, trở thành một phần quan trọng trong nguồn lực con người của các doanh nghiệp trong tương lai. Xây dựng các chương trình thu hút, trọng dụng nhân tài để bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nguồn nhân lực đã được đào tạo ở nước ngoài về nước làm việc tại địa phương, các chuyên gia, lao động kỹ thuật trong các lĩnh vực công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin