Bảo đảm cung ứng điện an toàn

18:24, 16/07/2023

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, Công ty Điện lực Nam Định đang nỗ lực vận hành hệ thống điện, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, giảm thiểu tối đa rủi ro, thiệt hại về tài sản nhằm bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Xử lý sự cố lưới điện trong diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023 tại Công ty Điện lực Nam Định.
Bài và ảnh: Xuân Thu
Xử lý sự cố lưới điện trong diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2023 tại Công ty Điện lực Nam Định. 

Hệ thống điện trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có tốc độ phát triển nhanh, không ngừng mở rộng, tập trung nhiều tại khu vực nông thôn, nhất là những địa bàn có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống. Trong đó, nguồn điện 220kV cung ứng vào tỉnh thông qua 3 trạm biến áp lớn xây dựng tại tỉnh Ninh Bình và ở các huyện: Mỹ Lộc, Trực Ninh. Lưới điện 110kV hiện có 23 phân đoạn đường dây tổng chiều dài 318km và 15 trạm biến áp tổng công suất 1.096MVA. Công suất sử dụng trung bình của các trạm biến áp 110kV hiện mới đạt 63% tổng công suất thiết kế. Lưới điện trung thế đến nay giảm thiểu chỉ còn 2 cấp điện áp 22kV và 35kV với 118 lộ đường dây, tổng chiều dài 2.668km. Trạm biến áp phân phối gồm 4.335 trạm, 4.370 máy biến áp, tổng công suất 1.752MVA nằm phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh, gắn liền với các khu dân cư. Lưới điện hạ áp gồm 14.588km đường dây cung ứng điện đến gần 781 nghìn khách hàng là các tập thể, cá nhân sử dụng điện.

Để bảo đảm an toàn hệ thống điện trước những diễn biến bất thường của thời tiết như nắng nóng kéo dài do ảnh hưởng của El Nino và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong mùa mưa bão gồm dông, lốc, sét, lũ lụt, mưa đá, nước biển dâng cao, Công ty Điện lực Nam Định đã sớm xây dựng phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2023 theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và tập trung chống “3 ngập” (ngập trạm, ngập lúa, ngập đô thị); đồng thời tổ chức diễn tập PCTT-TKCN, xử lý sự cố điện, công nghệ thông tin ngay từ đầu mùa mưa bão. Cụ thể, để bảo đảm an toàn hệ thống điện trong mùa hè nắng nóng, Công ty đã kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại hạn chế, nâng cao chất lượng công tác PCTT-TKCN; đặc biệt chú ý lĩnh vực an toàn lao động cho cán bộ, công nhân viên. Các đơn vị trực thuộc đều lập kế hoạch, sắp xếp nhân lực hợp lý; ngừng hoạt động sửa chữa lưới điện khi nhiệt độ cao hơn 36 độ C; tăng cường điều động xe ô tô, xe nâng nhằm hỗ trợ người lao động thực hiện công việc. Trong quy trình tác nghiệp, Công ty yêu cầu người lao động tuân thủ đúng yêu cầu quy định, đảm bảo chất lượng cung ứng điện. Các phòng nghiệp vụ và bộ phận chuyên môn tăng cường kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện, xử lý những tồn tại, nguy cơ gây mất an toàn điện, không để xảy ra cháy, nổ do nguyên nhân chủ quan… 

Bên cạnh nắng nóng cực đoan, hoạt động cung ứng điện trong mùa mưa bão luôn gặp nhiều khó khăn khi tỉnh ta nằm ở khu vực ven biển, thường xuyên hứng chịu những bất thường của thời tiết. Do đó, Công ty bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; kịp thời phòng ngừa, ứng phó với các tình huống thiên tai theo kịch bản được phê duyệt. Thường xuyên kiểm tra, phát quang hành lang tuyến; củng cố, khắc phục những khiếm khuyết, tồn tại trên lưới như cầu dao, mối nối, móng cột, móng néo, cột điện đứt vỡ, thiết bị trạm biến áp, đặc biệt là các vị trí gần khu vực đê điều, công trình thủy lợi, địa điểm ven biển. Công ty đã chuẩn bị đủ 56 loại vật tư dự phòng, số lượng hàng trăm bộ, hàng nghìn chi tiết cùng hàng chục loại phương tiện vận tải, cần cẩu, xe chuyên dụng sẵn sàng ra hiện trường. Khi mưa bão xảy ra, căn cứ tình hình thực tế và mức độ ảnh hưởng của thiên tai, Công ty chủ động vận hành lưới điện linh hoạt theo hướng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho con người, ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại cho thiết bị điện. Sau mưa bão, Điện lực các huyện, thành phố Nam Định và lực lượng xung kích của Công ty khẩn trương dọn dẹp vệ sinh nơi làm việc, môi trường xung quanh, nhanh chóng khắc phục những cột điện bị đổ gãy, nối liền các tuyến dây, sửa chữa, thay thế các trạm biến áp, hệ thống tủ điện, hòm hộp công tơ, các công trình xây dựng nhằm cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất. Cùng với hệ thống điện phục vụ dân sinh, sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 trạm bơm lớn: Vĩnh Trị, Cổ Đam, Hữu Bị, Cốc Thành, Sông Chanh, Quỹ Độ do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà quản lý được Công ty Điện lực Nam Định ưu tiên nguồn điện, đáp ứng yêu cầu vận hành, chống úng cho lúa, màu thuộc địa bàn các huyện phía bắc tỉnh gồm Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc.

Đồng chí Bùi Văn Hiển, Trưởng phòng An toàn (Công ty Điện lực Nam Định) cho biết: Khi xảy ra thiên tai, bão lũ luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về điện như các trạm biến áp, tủ điện, hộp công tơ bị ngập nước, dây điện bị đứt, các tủ, bảng điện trong nhà dân bị ẩm ướt có nguy cơ bị rò điện. Ngoài ra khi thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nhu cầu tiêu thụ điện ở mức rất cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Để bảo đảm an toàn điện cung ứng điện, Công ty Điện lực Nam Định đang tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường cảnh báo, tuyên truyền, hướng dẫn phòng tránh tai nạn điện; hướng dẫn phương thức sử dụng điện an toàn, phòng chống cháy nổ xuất phát từ hệ thống điện. Các hình thức tuyên truyền được áp dụng rộng rãi thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở, trên mạng xã hội facebook, zalo, treo biển báo, biển cấm, cảnh báo. Đặc biệt, ngành Điện luôn chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các hành vi không bảo đảm an toàn, hạn chế những rủi ro xảy ra. Ngành Điện đang từng bước ngầm hóa, thay dây cáp bọc cách điện ở các tuyến dây đi qua khu dân cư, nơi tập trung đông người để bảo đảm an toàn. Theo thống kê, trong những tháng đầu năm nay, Công ty Điện lực Nam Định đã xử lý được 1 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện; ngăn ngừa nhiều vụ sự cố do diều, bóng bay; lập 70 biên bản cảnh báo vi phạm hành an an toàn lưới điện cao áp; in ấn, phát hành 2.800 đề can cảnh báo “Khoảng cách an toàn”, treo biển “Chú ý phía trên có điện nguy hiểm” ở các công trình điện của tỉnh…

Với sự quyết liệt, chủ động của Công ty Điện lực Nam Định; sự phối hợp, giúp đỡ tích cực của cấp ủy, chính quyền các địa phương; sự chung sức, đồng lòng của khách hàng dùng điện, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh sẽ được bảo đảm an toàn, giảm thiểu tối đa rủi ro trước những diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là trong mùa mưa bão./.

Bài và ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com