Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng sau đại dịch COVID-19, với tinh thần đồng hành, chia sẻ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Bắc Nam Định đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Được hỗ trợ tiếp vốn từ Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định, trang trại nuôi gà công nghiệp của ông Trần Đăng Khôi, thôn Phú Cốc, xã Minh Thuận (Vụ Bản) đã duy trì sản xuất ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. |
Để đảm bảo đủ nguồn tiền đáp ứng nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp, Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác huy động vốn. Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Agribank, Chi nhánh đã tập trung đa dạng hóa các phương thức, kênh huy động vốn; điều hành linh hoạt lãi suất huy động trên cơ sở trần lãi suất theo quy định sát với diễn biến thị trường nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giữ vững khách hàng truyền thống, thu hút khách hàng mới, khách hàng tiềm năng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng và thực hiện tốt đề án huy động vốn tại chi nhánh theo từng địa phương, từng đối tượng khách hàng để khai thác tối đa nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư, các doanh nghiệp và tổ chức có thu tại địa bàn.
Đối với công tác tín dụng, Chi nhánh thường xuyên rà soát, phân tích, bám sát diễn biến thị trường để giải ngân vốn, đảm bảo việc tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả và phù hợp với từng đơn vị. Áp dụng lãi suất cho vay linh hoạt, cân đối hài hòa lợi ích từ khách hàng và ngân hàng mà vẫn đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường để giữ chân khách hàng tốt, thu hút khách hàng mới, tăng quy mô dư nợ của khách hàng vay vốn và đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và Agribank. Yêu cầu cán bộ tín dụng thường xuyên rà soát, nắm bắt địa bàn, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu vay vốn, khả năng trả nợ của từng khách hàng, kịp thời xử lý các đề xuất, kiến nghị của khách hàng (nếu có). Qua đó, yêu cầu các đơn vị tổng hợp, báo cáo, giải trình kết quả thực hiện ngay trong tuần và xây dựng kế hoạch giải ngân - thu nợ, biến động khách hàng vay vốn ở tuần tiếp theo. Đẩy mạnh công tác tiếp thị, tiếp cận khách hàng vay vốn thông qua mạng lưới tổ vay vốn, các khách hàng hiện hữu; tăng cường mối quan hệ mật thiết với cơ quan, chính quyền địa phương; mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức kinh tế - xã hội tại địa phương, Ban Quản lý các khu công nghiệp, làng nghề... để tìm kiếm khách hàng mới, đẩy mạnh chương trình tiếp xúc, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, chương trình tín dụng của Agribank... nhằm mở rộng thị phần, thị trường. Thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của từng tổ vay vốn; công tác phối hợp giữa Ngân hàng - Tổ vay vốn - Ban Chỉ đạo đầu tư vốn tại từng địa phương để đảm bảo việc đầu tư tín dụng được nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, hiệu quả. Các đơn vị tập trung cơ cấu lại danh mục đầu tư tín dụng theo hướng hiệu quả, bền vững như: Đa dạng hóa ngành nghề, lĩnh vực cho vay; mở rộng địa bàn cho vay (đối với khách hàng doanh nghiệp); tìm kiếm các dự án đầu tư hiệu quả để tăng tỷ lệ cho vay trung, dài hạn; tập trung mở rộng cho vay tiêu dùng đời sống với đối tượng hưởng lương... gắn với việc bán chéo các sản phẩm dịch vụ, thu hút tiền gửi không kỳ hạn, mở tài khoản tiền gửi thanh toán, tài khoản trả lương, dịch vụ thu hộ chi hộ...
Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh huyện Ý Yên. |
Với các giải pháp đồng bộ trên, Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định đã triển khai tích cực các chương trình hỗ trợ, ưu đãi về lãi suất giúp khách hàng vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh như: Chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 quy mô 100 nghìn tỷ đồng, Chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 30 nghìn tỷ đồng, Chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn đối với doanh nghiệp lớn quy mô 15 nghìn tỷ đồng, Chương trình ưu đãi tài trợ xuất nhập khẩu quy mô 15 nghìn tỷ đồng và 300 triệu USD… Ngoài ra, Chi nhánh còn miễn, giảm lãi, phí nhằm hỗ trợ khách hàng trả nợ xấu, nợ xử lý rủi ro trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay từ 0,5-1% hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vay vốn vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống. 6 tháng đầu năm 2023, Chi nhánh đã thực hiện cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng với số dư nợ 53 tỷ đồng, giảm lãi suất cho hơn 16 nghìn khách hàng với trên 10 tỷ đồng. Đồng thời, Chi nhánh cũng đã giải ngân cho vay mới được 2.250 khách hàng với tổng dư nợ 812 tỷ 871 triệu đồng; trong đó cho vay mới 10 khách hàng doanh nghiệp với dư nợ 50 tỷ 95 triệu đồng và 2.240 khách hàng cá nhân với dư nợ 762 tỷ 776 triệu đồng.
Là khách hàng thân thiết với Agribank, ông Trần Đăng Khôi, chủ trang trại nuôi gà công nghiệp tại thôn Phú Cốc, xã Minh Thuận (Vụ Bản) chia sẻ: “Gia đình vay vốn chủ yếu về phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên thời gian qua giá thức ăn chăn nuôi tăng, chi phí phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng tăng, trong khi giá bán sản phẩm ra thị trường lại bấp bênh. Với việc Agribank thông tin giảm lãi suất chúng tôi thấy phấn khởi hơn vì giảm được chi phí tiền lãi vay hàng tháng và có thể tiếp tục vay vốn để phát triển kinh tế”.
6 tháng cuối năm 2023, Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt, chủ động, linh hoạt các chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, coi đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đẩy mạnh việc rà soát tất cả khách hàng trên địa bàn thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất. Chủ động thông báo, tiếp cận, nắm bắt nhu cầu cần hỗ trợ của khách hàng, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục hỗ trợ lãi suất theo quy định. Tăng cường công tác truyền thông về chính sách hỗ trợ lãi suất qua các kênh báo đài, chính quyền địa phương, hiệp hội ngành nghề và trực tiếp với khách hàng… giúp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ về cách thức tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tại Agribank Chi nhánh Bắc Nam Định, nâng cao vị thế của đơn vị tại địa phương./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin