Vì sự an toàn vùng nuôi thủy sản trong mùa mưa bão

08:13, 20/06/2023

Trong mùa mưa bão, một trong những mối lo của người nuôi thủy sản là nguy cơ thất thoát sản phẩm khi xảy ra tình huống thiên tai. Vì vậy ngành Nông nghiệp, các địa phương và nhất là người dân đang tích cực triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có mưa bão xảy ra, bảo đảm an toàn vùng nuôi thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Xã Yên Tân (Ý Yên) tổ chức khai thông hệ thống kênh tiêu nước chống úng nội đồng và bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi thủy sản của địa phương.
Xã Yên Tân (Ý Yên) tổ chức khai thông hệ thống kênh tiêu nước chống úng nội đồng và bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi thủy sản của địa phương.

Gia đình anh Bùi Văn Hoàn, thôn Trại Nội là một trong những hộ nuôi thủy sản thâm canh quy mô lớn của xã Thành Lợi (Vụ Bản). Anh Hoàn cho biết: “Gia đình tôi có hơn 1ha nuôi thủy sản với các loại cá chép lai 3 máu, mè, trôi và trắm cỏ. Để bảo đảm an toàn cho ao nuôi trong mùa mưa bão, gia đình đã chủ động kiểm tra bờ bao, gia cố thêm các điểm xung yếu cho chắc chắn; bổ sung vitamin và khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng cho cá. Ngoài ra còn chuẩn bị hơn 200m lưới sẵn sàng quây quanh bờ để giữ cá nếu mưa nhiều gây tràn bờ, giảm thiệt hại…”.

Xã Đại Thắng (Vụ Bản) hiện có gần 130ha nuôi thủy sản, trong đó, hơn 70ha nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến và các hộ ngoài đê chủ yếu nuôi các loại cá truyền thống trắm, chép, trôi, mè... Bình quân hàng năm, giá trị kinh tế từ nuôi thủy sản ước đạt từ 250-500 triệu đồng/ha. Với đặc điểm địa hình thấp, vào mùa mưa bão, ao, đầm trên địa bàn xã phải đối mặt với nguy cơ sạt lở, tràn bờ, thất thoát thủy sản, gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi. Bước vào mùa mưa bão năm 2023, UBND xã Đại Thắng đã tổ chức rà soát toàn bộ các tuyến đê, kè, hệ thống thủy lợi tưới, tiêu nước, các vùng có nguy cơ bị ngập úng để chủ động triển khai biện pháp bảo vệ, đồng thời lập phương án chống úng; tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; chỉ đạo cán bộ phụ trách nông nghiệp, nhân viên thú y xã tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ vật nuôi. Trong đó, chú trọng công tác tu sửa, gia cố những đoạn bờ bị xuống cấp và cống tiêu, thoát nước; theo dõi và bổ sung ô-xy giúp giải phóng khí độc, hạn chế mầm bệnh trong ao nuôi vào mùa mưa bão.

Không riêng xã Đại Thắng, hiện nay, hầu hết các địa phương có diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh cũng đang tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Thời gian qua, với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển, từng bước đa dạng hóa về chủng loại nuôi trồng; các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và diện tích nuôi thâm canh được áp dụng rộng rãi; nhiều giống cá mới có năng suất, chất lượng được đưa vào nuôi trồng đem lại nguồn thu nhập cho người dân. Những tháng đầu năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản đạt ước đạt là 31.817 tấn, bằng 51,3% kế hoạch; trong đó khai thác mặn lợ đạt 30.705 tấn, khai thác nội đồng đạt 1.112 tấn. Các vùng nuôi tập trung đã thả nuôi được khoảng 94% diện tích theo kế hoạch; trong đó diện tích thả tôm sú là 2.000ha, diện tích thả tôm thẻ chân trắng khoảng 750ha…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nay nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của các địa phương trong tỉnh nằm trong vùng sản xuất đa canh, hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ nên tiềm ẩn nguy cơ nước tràn bờ, ngập úng khi có mưa to kéo dài, gây thất thoát con nuôi trong ao, đầm, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng con nuôi và gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. 

Vì vậy, để bảo đảm an toàn và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra đối với sản xuất thủy sản trong mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã quyết định kiện toàn Ban thường trực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) chuyên ngành thủy sản; phân công nhiệm vụ các thành viên trong Ban thường trực PCTT và TKCN chuyên ngành thủy sản; phương án tổ chức thường trực PCTT và TKCN chuyên ngành thủy sản, kêu gọi tàu cá trên biển về nơi neo đậu và đảm bảo an toàn cho tàu cá tại nơi neo đậu năm 2023; quyết định kiện toàn Ban PCTT Chi cục Thủy sản. Ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2023, các huyện, thành phố đã xây dựng phương án PCTT và TKCN, trong đó có phương án phòng, chống úng nội đồng. Các huyện ven biển đã tổ chức kiểm kê, rà soát các vùng nuôi thủy sản, hệ thống kênh, trạm bơm tiêu chống úng khu vực nuôi thủy sản nhằm chủ động các biện pháp ứng phó khi có mưa to, bão lớn xảy ra. Chi cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan chuyên môn, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cơ sở tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thường xuyên kiểm tra, tu bổ, đắp áp trúc lại bờ ao, bờ vùng khu vực nuôi thủy sản bảo đảm chắc chắn, phát quang cây cối, tạo đường thoát nước mưa nhanh; đặt lưới chắn xung quanh bờ ao để ngăn thủy sản thoát ra ngoài, đặt lưới chắn hình chữ V trước cống xả tràn để tăng diện tích thoát nước khi có lũ lụt lớn xảy ra; tháo bớt nước trong ao trước các đợt mưa, lũ lớn, chuẩn bị các dụng cụ, vật tư cần thiết để dự phòng; kiểm tra, gia cố lại hệ thống lồng bè, dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão làm hỏng; trong trường hợp lồng không thể di chuyển, cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió; thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng.

Sở NN và PTNT phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng nói chung, người nuôi thủy sản về công tác đảm bảo an toàn cho người và ao, đầm nuôi. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện, thành phố kiểm tra hệ thống tiêu thoát nước, hướng dẫn người dân có các biện pháp bảo vệ ao, đầm nuôi thủy sản khi có mưa to, gió lớn. Tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, nạo vét hệ thống mương tiêu để bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp gia cố, bảo vệ bờ, cống... hướng dẫn người nuôi thủy sản thu hoạch trước mùa mưa, lũ nếu tôm, cá đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thất thoát, thiệt hại kinh tế khi bão, lũ xảy ra; thường xuyên kiểm tra và áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho con nuôi thủy sản khi thời tiết thay đổi./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com