Thúc đẩy phát triển "công nghiệp xanh"

07:56, 28/06/2023

Để thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh theo định hướng của Chính phủ, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp và bước đầu đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Công ty Cổ phần May Sông Hồng (chi nhánh xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng) chủ động đầu tư máy móc hiện đại, hướng đến sản xuất xanh, bảo vệ môi trường.
Công ty Cổ phần May Sông Hồng (chi nhánh xã Nghĩa Phong, huyện Nghĩa Hưng) chủ động đầu tư máy móc hiện đại, hướng đến sản xuất xanh, bảo vệ môi trường.

Trong xúc tiến thu hút đầu tư tỉnh đã chủ động định hướng, lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, đồng thời khuyến khích triển khai các dự án đầu tư mới có chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon. Khuyến khích các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng; thay thế, loại bỏ dần các trang thiết bị hiệu suất thấp, lạc hậu nhằm giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên, vật liệu; liên kết hoặc sáp nhập vào các doanh nghiệp lớn để tranh thủ tiềm lực, công nghệ, có kế hoạch ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ phát thải “các-bon thấp”, thân thiện với môi trường. Các Sở: Công Thương, Khoa học và Công nghệ nỗ lực vận động các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tham gia chương trình hành động sản xuất sạch hơn thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí từ nguồn khuyến công. Từ ngày 10 đến 12-5-2023, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng 2023 (Techfest vùng đồng bằng sông Hồng 2023) với hàng loạt sự kiện, hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh và toàn vùng. 

Tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, khu vực nông thôn. Công tác lập hồ sơ pháp lý về môi trường đã được các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề thực hiện theo quy định. Đến nay có 47 làng nghề trên địa bàn các huyện đã được phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề. Mức độ tuân thủ quy định môi trường của doanh nghiệp đang được cải thiện. Việc đảm bảo hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường được hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề thực hiện nghiêm túc theo quy định. Việc chấp hành các quy định về xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn được nhóm doanh nghiệp trong các khu công nghiệp thực hiện tốt hơn. Riêng nhóm doanh nghiệp xuất khẩu đã có nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của sản xuất xanh và đã chủ động hơn trong đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường mà các thị trường nhập khẩu đề ra. 

Thúc đẩy phát triển sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống; thúc đẩy bảo tồn năng lượng trong các hoạt động công nghiệp và “xanh hoá” nguồn sản xuất, phân phối điện năng. Trên địa bàn tỉnh đã có nhiều dự án năng lượng tái tạo; năm 2022 đạt 13 triệu 787,883 nghìn kWh với 423 cơ sở, hộ gia đình đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà. Để giảm bớt việc sử dụng và khai thác nguồn nguyên liệu hoá thạch đang cạn kiệt, giảm phát thải khí nhà kính do quá trình sản xuất và sử dụng năng lượng từ nguyên liệu hoá thạch, chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời nhằm góp phần phát triển bền vững tại địa phương, tỉnh đã báo cáo Bộ Công Thương để trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung một số dự án nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch điện 8, cụ thể là: Dự án điện gió ngoài khơi tỉnh với quy mô công suất dự kiến 12 nghìn MW, chia làm 4 giai đoạn tiến độ thực hiện như sau: Giai đoạn 2021-2025 là 2.000MW, giai đoạn 2025-2030 là 3.000MW, giai đoạn 2030-2035 là 3.500MW, giai đoạn 2035-2040 là 3.500MW; xây dựng mới trạm biến áp và đường dây 500kV phù hợp với quy mô công suất của nhà máy và đấu nối vào lưới điện quốc gia. 

Tuy đã đạt những kết quả đáng ghi nhận nhưng trên thực tế, xu hướng phát triển công nghiệp xanh trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo kết quả điều tra của VCCI cho thấy: Các vấn đề nhận thức về công nghiệp xanh hiện nay vẫn khá mới mẻ. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được trách nhiệm với môi trường hoặc không có nhân lực am hiểu về pháp luật môi trường, trong khi các quy định về môi trường còn phức tạp, chưa dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, chi phí tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường còn cao mà khu vực kinh tế tư nhân hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính hạn chế.

Trong định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh tiếp tục định hướng phát triển công nghiệp theo hướng xanh và bền vững với mục tiêu cụ thể là: tiếp tục duy trì phát triển các sản phẩm quan trọng, chuyển dần từ gia công đơn công đoạn sang hướng sản xuất tuần hoàn; thu hút đầu tư các lĩnh vực sản phẩm có lợi thế, có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đưa Nam Định trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng. Để thực hiện được mục tiêu đặt ra, tỉnh quyết liệt thúc đẩy đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp “xanh” với vai trò làm “đầu tàu” trong việc định hướng và phát triển theo hướng xanh hóa; tạo cơ sở để thu hút dòng vốn FDI xanh, chất lượng đầu tư vào tỉnh.

Chọn lọc những dự án sản xuất công nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, không gây hại môi trường; từ đó, nâng chất lượng sản xuất công nghiệp nội tỉnh ngang bằng thế giới. Đây là hướng đi bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bền vững, dài hạn cho doanh nghiệp hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do mới. Cùng với phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp “xanh”, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: Công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, tự động hóa, sản xuất linh kiện - thiết bị điện tử và phần mềm, vi mạch, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; đầu tư phát triển đô thị dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ cảng biển, dịch vụ logistics, thúc đẩy kinh tế thương mại; năng lượng tái tạo theo chuẩn quốc tế...

Các ngành, các địa phương nâng cao hiệu quả công tác phổ biến chính sách, quy định về bảo vệ môi trường, phát triển “công nghiệp xanh” đảm bảo các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin. Tiếp tục xây dựng, đa dạng hóa hơn nữa các cơ chế, chính sách ưu đãi doanh nghiệp đầu tư theo hướng sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; đồng thời, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh của doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com