Đến nay, đã có 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) được nước ta ký kết với các nước trên thế giới và đã có hiệu lực. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh đã dần bắt kịp với xu hướng chung của cả nước trong việc tận dụng được cơ hội từ tham gia các FTA.
Sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Công ty TNHH Nam Hải, xã Yên Tiến (Ý Yên). |
Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định là một trong những đơn vị tiêu biểu đã khai thác tốt các lợi thế mà FTA đem lại. Đối tác truyền thống trong nhiều năm của Công ty là thị trường Nhật Bản với mặt hàng là vải cao cấp may áo vest. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và cũng là đối tác mà Việt Nam đã ký kết rất nhiều FTA (Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Vì vậy, Công ty đã được thị trường này xóa bỏ các rào cản về thương mại, thuế quan… trong xuất khẩu hàng hóa. Ông Đào Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Các sản phẩm dệt may là một trong những mặt hàng mà thị trường Nhật Bản có mức tiêu dùng lớn trên thế giới, vì vậy hàng hóa của Công ty sản xuất ngày càng có nhiều thuận lợi để tăng cường xuất khẩu. Ngoài khách hàng truyền thống, Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định còn liên doanh với một đơn vị tại Nhật Bản để sản xuất các loại vải theo kỹ thuật và công nghệ của đối tác với sản lượng khoảng 8.000 tấn/năm. Việc hợp tác với các đối tác Nhật Bản đặt ra yêu cầu cho Công ty phải đầu tư cải tiến công nghệ mới để hạ giá thành sản phẩm, nâng quy mô, công suất và “xanh hóa”, sản xuất tuần hoàn. Năm 2022, Công ty mạnh dạn đầu tư chiều sâu khoảng 40 tỷ đồng cho công nghệ của hệ thống sản xuất vải theo chuỗi khép kín, giúp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tiết kiệm chi phí, đa dạng sản phẩm và nâng cao chất lượng, gia tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Nhờ đó, Công ty cũng nâng tầm thương hiệu, củng cố uy tín tại thị trường nội địa... Tổng Công ty Đức Giang - Công ty Cổ phần (DUGARCO) và một số doanh nghiệp may lớn trong nước đặt vải sản xuất đồng phục, veston… Mặc dù thị trường những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty vẫn lấp đầy được đơn hàng và đảm bảo được việc làm cho người lao động.
Ông Phùng Đình Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi (thành phố Nam Định) chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất sản phẩm cơ khí đúc phục vụ ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng, hóa chất, chế tạo máy, là một trong những ngành nghề thế mạnh của tỉnh. Từ việc chủ động khai thác cơ hội của các FTA, Công ty đã ngày một gia tăng quy mô, liên kết, hợp tác với các đối tác nước ngoài đầu tư, đưa vào vận hành hệ thống thiết bị máy móc, ứng dụng phần mềm chuyên ngành hiện đại. Đặc biệt là các dự án liên kết với doanh nghiệp Nhật Bản ứng dụng công nghệ số, nghiên cứu, thiết kế thành công lò nhiệt luyện liên tục tự động kết hợp giải pháp internet vạn vật (IoT) điều hành giám sát thu nhập dữ liệu từ xa giúp doanh nghiệp tiếp tục tự động hóa các quy trình và cắt giảm chi phí vận hành, cải thiện chất lượng sản phẩm. Hiện Công ty tiếp tục tiến nhanh hơn trong hành trình nâng cao chất lượng, uy tín, thương hiệu sản phẩm với các đối tác nước ngoài, ngày một gia tăng sản lượng xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng như Nhật Bản, Đức, Hà Lan...”.
Công ty TNHH Nam Hải, xã Yên Tiến (Ý Yên) là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, vì vậy việc chủ động tiếp cận, khai thác lợi thế của các FTA được lãnh đạo công ty đặc biệt lưu tâm. Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng giảm sút hiện nay, Công ty đã tận dụng tối đa lợi ích hoạt động thương mại điện tử mang lại, từ tìm kiếm, chào bán đến tiếp xúc trực tiếp với khách hàng qua các kênh online, các trang thương mại điện tử lớn, quy mô toàn cầu như Amazon, Alibaba... Cộng với sự hỗ trợ của lực lượng chức năng trong việc kiểm tra thông tin đối tác, tìm hiểu thị trường, nhất là thị trường châu Âu, Công ty đã tích cực đổi mới công nghệ hiện đại, đáp ứng những điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa, lao động, cũng như xuất xứ sản phẩm. Bằng các cách đó, Công ty sớm ổn định đơn hàng, duy trì việc làm cho toàn thể công nhân.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, các FTA thế hệ mới với các lợi thế mang lại đã giúp các doanh nghiệp trong tỉnh tăng cường sản lượng xuất khẩu, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh như dệt may, da giày... Nhất là trong bối cảnh hiện nay, hầu khắp các thị trường đều đang gặp vô vàn những khó khăn, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh tăng cường khuyến cáo, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục tận dụng tốt nhất các ưu đãi từ các FTA được nước ta ký kết với các nước trên thế giới và đã có hiệu lực nhằm bảo đảm duy trì tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023. Để được hưởng những lợi ích rõ nét mà các FTA có thể đem lại như các doanh nghiệp kể trên, đặc biệt là các ưu đãi về thuế quan tiếp tục được mở rộng theo lộ trình trong thời gian tới, tỉnh khuyến cáo mỗi doanh nghiệp trong tỉnh nên bám sát thông tin, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng để chủ động cải thiện năng lực hơn nữa, đáp ứng những điều kiện về tỷ lệ nội địa hóa, lao động, xuất xứ sản phẩm. Đáng chú ý các doanh nghiệp phải gia tăng các giải pháp để thích ứng với việc các đối tác FTA ngày càng đẩy mạnh thực thi, giám sát các vấn đề về môi trường, khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương phải đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp theo lộ trình thực thi các FTA theo hướng quan tâm hỗ trợ nhu cầu thực tế với từng nhóm doanh nghiệp theo quy mô, ngành nghề và cần tạo được cơ chế kết nối giữa các cơ quan Nhà nước với các hiệp hội doanh nghiệp. Tăng cường định hướng, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi phương thức sản xuất theo tín hiệu thị trường, tạo nguồn hàng, xây dựng thương hiệu đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu để thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Bên cạnh đó, phải chú trọng phối hợp với các đơn vị thuộc bộ, ngành liên quan gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại, khơi thông các thị trường mới, thị trường tiềm năng như các khu vực châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin