Phát triển chuỗi liên kết vì sự bền vững của nền nông nghiệp hàng hóa - Kỳ III: Đồng hành, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy các chuỗi liên kết phát triển

20:28, 28/06/2023

Kỳ I: Chuỗi liên kết giá trị trong nông nghiệp - hiệu quả toàn diện

Kỳ II: Nhận diện những khó khăn, vướng mắc

(Tiếp theo và hết)

Nhận diện những khó khăn, hạn chế trong hình thành, phát triển các chuỗi liên kết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), các huyện, thành phố đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm tháo gỡ, giải quyết, góp phần thúc đẩy các chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ các loại nông sản vì sự bền vững của nền nông nghiệp hàng hóa.

Kỳ III: Đồng hành, tháo gỡ khó khăn thúc đẩy các chuỗi liên kết phát triển

Liên kết phát triển chăn nuôi quy mô trang trại đang dần thay thế phương thức sản xuất nhỏ lẻ tại các địa phương trong tỉnh.
Liên kết phát triển chăn nuôi quy mô trang trại đang dần thay thế phương thức sản xuất nhỏ lẻ tại các địa phương trong tỉnh.

Trong điều kiện thời tiết, khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao... thì việc tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng mà ngành Nông nghiệp, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người nông dân trên địa bàn tỉnh đang hướng tới để phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Theo đồng chí Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT: Để giải quyết những hạn chế, thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, Sở NN và PTNT đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn theo các văn bản của Trung ương và theo đặc thù của tỉnh về hỗ trợ phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5-7-2018; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ). Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế; kế hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản theo hướng chế biến sâu, bền vững. 

Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hộ nông dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp liên kết tạo thành các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn. Tổ chức hội nghị, lớp tập huấn phổ biến kiến thức, kỹ năng và tư vấn cho nông dân, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp về chuỗi liên kết và xây dựng chuỗi liên kết; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng và tham gia xây dựng các chuỗi liên kết. Xây dựng các chuyên đề, hội thảo giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung bảo đảm chất lượng, an toàn và bền vững. Chú trọng huy động các nguồn kinh phí để hỗ trợ các cơ sở sản xuất theo liên kết chuỗi áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến HACCP, VietGAP, GMP… 

Sản phẩm giống lúa, gạo chất lượng cao của Công ty Giống cây trồng Nam Định được người dân tin dùng.
Bài và ảnh: Văn Đại
Sản phẩm giống lúa, gạo chất lượng cao của Công ty Giống cây trồng Nam Định được người dân tin dùng. 

Theo ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương (Ý Yên): “Việc định hướng người nông dân sản xuất theo chuỗi và tuân thủ nghiêm các tiêu chí do doanh nghiệp đề ra còn nhiều khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi mong muốn, ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ sản xuất, kỹ năng quản trị đồng ruộng, kỹ thuật sản xuất ở quy mô lớn, nhất là ý thức tuân thủ các quy định đã thỏa thuận trong hợp đồng. Đồng thời xác lập tư duy thị trường, khả năng gắn kết trong chuỗi theo mối quan hệ hữu cơ để duy trì, phát triển chuỗi liên kết một cách bền vững, hiệu quả”.

Thực hiện tốt công tác quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất tập trung, mô hình cánh đồng lớn; công khai quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất; thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến với phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất theo liên kết chuỗi nhằm khai thác, tận dụng tốt các cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Chú trọng phát triển các sản phẩm xuất khẩu như ngao, muối, thủy sản, nông sản chế biến. 

Sản phẩm thịt lợn sạch của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Công Danh, xã Giao Hà (Giao Thủy) được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn.
Sản phẩm thịt lợn sạch của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Công Danh, xã Giao Hà (Giao Thủy) được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn.

Cải thiện thủ tục hành chính để các doanh nghiệp dễ tiếp cận và thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển chuỗi liên kết. Khuyến khích hỗ trợ nông dân và các chủ trang trại thành lập HTX kiểu mới trên nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm. Tăng cường hỗ trợ các HTX đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thành lập mới; phối hợp đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ các HTX; thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản; tăng cường liên kết đưa giống cây, con mới có năng suất cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm; đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn để các HTX, nông dân tham khảo học tập kinh nghiệm, nhân rộng. Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết với HTX và hộ sản xuất, hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất nguyên liệu tới chế biến, tiêu thụ sản phẩm và chia sẻ rủi ro. Nhân rộng các mô hình liên kết hình thành các vùng sản xuất tập trung: cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết; các trang trại, hộ chăn nuôi, nuôi thủy sản tập trung áp dụng quy phạm thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. 

Triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng chuỗi liên kết gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Coi trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp, nhãn hiệu sản phẩm kết hợp phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực của tỉnh ở trong nước và xuất khẩu. Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chế biến nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi, mã số định danh, mã QR Code phục vụ truy xuất nguồn gốc, kết nối và minh bạch thông tin các vùng sản xuất, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo chuỗi, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Theo Giám đốc Công ty TNHH Công Danh (thành phố Nam Định) Trần Thị Dung: “Để hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với chế biến nông sản, ngành chức năng cần tích cực triển khai các dự án chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào chế biến nông sản; hỗ trợ, khuyến khích thành viên các chuỗi tham gia các chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại. Các doanh nghiệp, HTX chủ động phối hợp với Bưu điện tỉnh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử PostMart.vn và Voso.vn; thành lập các cửa hàng nông sản an toàn tại một số địa phương nhằm giới thiệu sản phẩm nông, thủy sản an toàn, chất lượng đến đông đảo người tiêu dùng... tạo đầu ra ổn định cho các chuỗi liên kết”.

Để các chuỗi liên kết sản xuất không bị đứt gãy, phát huy được hiệu quả rất cần sự chủ động, tích cực của cả người dân và doanh nghiệp. Các địa phương tích cực tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng liên kết; thường xuyên đánh giá, dự báo cung cầu hàng hóa nông sản của thị trường để giúp các chuỗi điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh hợp lý. Cộng đồng doanh nghiệp, HTX và người sản xuất tham gia chuỗi cần phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên, tuân thủ nghiêm túc các điều khoản trong hợp đồng; cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro, khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương chú trọng thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thu hút doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kết nối thị trường cho các HTX để làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp... Tăng cường tham mưu, tuyên truyền, hướng dẫn và tập trung giải quyết những khó khăn mà các doanh nghiệp, HTX và người nông dân đang gặp phải sẽ khuyến khích thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết, góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com