Phát triển chuỗi liên kết vì sự bền vững của nền nông nghiệp hàng hóa - Kỳ I: Chuỗi liên kết giá trị trong nông nghiệp - hiệu quả toàn diện

07:46, 27/06/2023

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến thất thường, không theo quy luật, nguy cơ các loại dịch bệnh tái bùng phát, giá các loại vật tư nông nghiệp luôn ở mức cao… song giai đoạn vừa qua ngành Nông nghiệp của tỉnh vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng 2,5-3,2%/năm. Có được kết quả đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã  tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn ngành. 

Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khoai tây tại HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Hùng, xã Nam Hùng (Nam Trực).
Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khoai tây tại HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Hùng, xã Nam Hùng (Nam Trực).

Kỳ I: Chuỗi liên kết giá trị trong nông nghiệp - hiệu quả toàn diện

Nắm bắt và phát huy những lợi thế của địa phương, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã mạnh dạn đầu tư, trở thành “hạt nhân” thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Công ty TNHH Minh Dương (CCN An Xá) đã lựa chọn, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khoai tây tại HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Lương, xã Yên Lương (Ý Yên) và HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Hùng, xã Nam Hùng (Nam Trực) với tổng diện tích trồng 150ha. Giống khoai tây được lựa chọn trồng là giống Solara có nhiều ưu điểm như năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh, có khả năng kháng bệnh tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Để bảo đảm chất lượng liên kết, Công ty đã phối hợp với Viện Sinh học Nông nghiệp-IAB (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, phân loại sản phẩm khoai tây. Các hộ nông dân tham gia mô hình liên kết được hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư giống khoai tây, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong suốt quá trình sản xuất, Công ty phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát đồng ruộng, trực tiếp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn nông dân chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ được cung ứng nguồn giống chất lượng và thực hiện đúng quy trình trồng, chăm sóc nên toàn bộ diện tích khoai tây đều sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất trên 18 tấn/ha. Sản phẩm khoai tây tại 2 vùng trồng đạt các tiêu chuẩn về kích thước củ lớn hơn 4cm, vỏ nhẵn, không bị xanh, sâu hà; hàm lượng chất khô đạt trên 18%, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với hệ thống chế biến, bảo quản hiện đại, Công ty TNHH Minh Dương đã chế biến sâu ra các sản phẩm: khoai tây sấy vị tự nhiên, khoai tây lắc vị phô mai... Không chỉ chăm lo chất lượng nguyên liệu, thành phẩm, Công ty còn đặc biệt chú ý cải tiến hình thức sản phẩm như thiết kế mẫu mã bao bì bắt mắt, thực hiện đăng ký công bố chất lượng sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, đồng thời tăng cường quảng bá, tham gia các hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại. Hiện nay, các sản phẩm của Công ty được tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị: GO!, Vinmart+, Circle K và các nhà phân phối trên toàn quốc. Thời gian tới, Công ty TNHH Minh Dương đang tiếp tục mở rộng diện tích liên kết sản xuất lên 200 ha/năm. Thành công của mô hình liên kết chuỗi giá trị sản xuất khoai tây đã góp phần vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của các địa phương có thành phần tham gia chuỗi với nguồn thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo việc làm cho người lao động và lợi nhuận cho Công ty; tăng thu nhập cho các HTX và các hộ nông dân từ sản xuất khoai tây thương phẩm, khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá” cho người trồng. Bên cạnh đó, còn giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển từ phương thức truyền thống sang thực hành quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; biết cách sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý và có hiệu quả; hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung, an toàn và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, các địa phương đang tập trung thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất lúa, gạo chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Hiện nay, các địa phương đang tập trung thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất lúa, gạo chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Toàn tỉnh hiện có gần 112 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 90 nghìn ha đất phù sa màu mỡ và trên 17 nghìn ha đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tập trung đầu tư phát triển sản xuất theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, gắn với tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các mô hình liên kết và xây dựng các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa, cơ cấu nội ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, giảm tỷ trọng trồng trọt, cơ cấu cây trồng chuyển mạnh sang cây có giá trị kinh tế cao, hạn chế sâu bệnh. Tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt gần 1 triệu tấn, rau màu 360 nghìn tấn. Chăn nuôi giảm mạnh từ quy mô nhỏ lẻ tận dụng trong nông hộ sang quy mô tập trung theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại với hình thức công nghiệp, bán công nghiệp. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm tăng nhanh, bình quân đạt hơn 186 nghìn tấn/năm. Sản lượng thuỷ sản đạt trên 180 nghìn tấn/năm. Sản xuất muối theo hướng sản xuất muối sạch, phát triển mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, sản lượng muối sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên 100 nghìn tấn/năm. Kinh tế HTX có bước phát triển tích cực với việc thành lập nhiều HTX chuyên ngành mới tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông sản hàng hóa.

Nguồn cung lương thực, thực phẩm nông, thủy sản dồi dào không chỉ bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh mà còn là nguồn nguyên liệu đầy tiềm năng cho ngành công nghiệp chế biến phát triển, đặc biệt là việc hình thành, phát triển các chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Với sự hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi của các sở, ngành chức năng, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển được 39 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các chuỗi liên kết được xây dựng trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản là những lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, có khả năng phát triển và nhân rộng với sự tham gia tích cực của “4 nhà”, trong đó doanh nghiệp, HTX có vai trò “hạt nhân” trong xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết. Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, đến nay toàn tỉnh có 39 chuỗi liên kết; trong đó có 11 chuỗi trong lĩnh vực trồng trọt, 10 chuỗi chăn nuôi, 15 chuỗi thủy sản và 3 chuỗi diêm nghiệp. Trong số các chuỗi có 7 chuỗi do các HTX, chủ trang trại làm chủ chuỗi; 32 chuỗi do doanh nghiệp làm chủ. Có nhiều chuỗi được đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, áp dụng công nghệ cao gắn với việc xây dựng các sản phẩm OCOP đã khẳng định được thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp và HTX làm chủ chuỗi có vai trò lựa chọn cung cấp vật tư đầu vào, giám sát kỹ thuật sản xuất, thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; các đối tác tham gia trong chuỗi thực hiện đúng hợp đồng liên kết và thực hiện sản xuất, kinh doanh theo đúng hướng dẫn và yêu cầu doanh nghiệp, HTX. Các cơ quan Nhà nước hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn xây dựng chuỗi, đào tạo, tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh, kiến thức và kỹ năng thị trường, quy trình kỹ thuật sản xuất, tổ chức sản xuất, giám sát đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đối tác.

Có thể khẳng định, việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản là xu hướng tất yếu trong sản xuất nông sản hàng hóa hiện nay ở các địa phương trong tỉnh. Kết quả đạt được trong xây dựng các chuỗi liên kết giá trị đã góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Sản phẩm nông nghiệp của nông dân đã được tiêu thụ rộng rãi trong nước và phục vụ chế biến xuất khẩu, mang lại giá trị thu nhập đáng kể cho các thành viên.

(Còn nữa)
Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com