Nhằm đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, đồng thời tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay (với mức giảm từ 0,5-2%/năm tùy từng đối tượng) theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai thực hiện chính sách, hàng tháng báo cáo kết quả thực hiện và các khó khăn, vướng mắc để tổng hợp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Để triển khai thực hiện chính sách có hiệu quả, NHNN Chi nhánh tỉnh đã thiết lập “đường dây nóng” để tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của các tổ chức, cá nhân liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất, xử lý nghiêm những ngân hàng, cá nhân cố tình gây khó khăn khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23-4-2023.
Sản xuất chi tiết máy công nghiệp nặng tại xưởng cơ khí gia đình ông Nguyễn Văn Cây, xóm Liêm Thôn, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc). |
Là đơn vị luôn luôn tiên phong trong triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ khách hàng, người dân của Chính phủ, từ ngày 15-3-2023, Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định đã áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm đối với các khách hàng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Agribank đã đồng loạt giảm 0,5% lãi suất cho vay cho các khách hàng có dư nợ trung, dài hạn từ ngày 15-5 đến hết ngày 30-9-2023. Ngoài ra, không áp dụng lãi suất phạt quá hạn, lãi chậm trả, các loại phí từ ngày phát sinh nợ quá hạn đến ngày khách hàng thực hiện trả nợ. Khách hàng có dư nợ xấu đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN có thể được miễn giảm tối đa đến 50% lãi suất cho vay nếu thực hiện trả nợ trước ngày 1-10-2023. Mới đây, với mong muốn đem lại giải pháp tài chính phục vụ nhu cầu đời sống cho khách hàng, Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định triển khai chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước với tổng nguồn vốn cho vay lên đến 15 nghìn tỷ đồng áp dụng từ ngày 12-6-2023 kéo dài đến 12-6-2024. Lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,0-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường của Agribank đối với khách hàng đã sử dụng dịch vụ thanh toán tiền lương qua tài khoản mở tại Agribank. Mức cho vay đối với khách hàng không có bảo đảm bằng tài sản bằng 36 tháng lương (tối đa không quá 500 triệu đồng).
Ngân hàng Thương mại Cổ phần (TMCP) Bưu điện Việt Nam (LPBank) Chi nhánh Nam Định đã triển khai gói hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, khách hàng doanh nghiệp bán lẻ và đặc biệt khách hàng sản xuất, kinh doanh với mức giảm lên tới 1%/năm. Hệ thống BIDV trên địa bàn tỉnh tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành đối với các khoản vay trung và dài hạn hiện hữu tại BIDV. Vietcombank Chi nhánh Nam Định cũng đã triển khai giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 3 tháng từ 1-5 đến hết 31-7-2023. Bên cạnh đó, các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP tại Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cũng được triển khai quyết liệt và đạt kết quả tốt. Thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh đã tiến hành rà soát đối tượng và thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với 39.247 khách hàng, số tiền lãi đã hỗ trợ là 23 tỷ 987 triệu đồng.
Về hỗ trợ lãi suất, tính đến ngày 31-5-2023, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện hỗ trợ đối với 9 khách hàng (gồm 5 doanh nghiệp và 4 hộ kinh doanh), với doanh số cho vay lũy kế được hỗ trợ lãi suất là 53 tỷ 448 triệu đồng, số tiền lãi được hỗ trợ là 270 triệu đồng. Đến nay, còn 7 khách hàng với dư nợ là 28 tỷ 113 triệu đồng.
Tuy vậy, theo báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh, việc mở rộng cho vay đối với nền kinh tế vẫn gặp khó khăn (tăng trưởng tín dụng thấp, ở mức 3% so với đầu năm). Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có tình hình tài chính kém, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng. Đặc biệt, liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó chủ yếu là khó khăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút. 6 tháng đầu năm 2023, tổng nguồn vốn huy động đạt 111.279 tỷ đồng, tăng 9.655 tỷ đồng (9,5%) so với đầu năm nhưng tổng dư nợ cho vay chỉ đạt 95.920 tỷ đồng, tăng 2.793 tỷ đồng (3,0%) so với đầu năm, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thực tế đến nay, số lượng khách hàng được cơ cấu lại thời gian trả nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN tại các ngân hàng còn hạn chế. Qua trao đổi với một số ngân hàng TMCP trên địa bàn, việc cơ cấu nợ cho khách hàng theo Thông tư 02 phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Các tổ chức tín dụng cần phải chờ Hội sở chính ban hành các hướng dẫn quy trình nội bộ rõ ràng; các tiêu chí để xác định đối tượng hỗ trợ hoặc đầu tư, cho vay, cơ cấu lại nợ. Các tổ chức tín dụng cần chủ động rà soát, đánh giá thực chất, bản chất các khoản vay và đầu tư, sẵn sàng nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro theo quy định (tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024). Bên cạnh đó, các ngân hàng chia sẻ còn nhiều vướng mắc chưa thể triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Hiện Bộ Xây dựng giao cho UBND các tỉnh công bố danh mục dự án, trên cơ sở đó mới tiếp cận để triển khai cho vay, dẫn đến quá trình giải ngân không thể nhanh được, cần thêm nhiều thời gian chờ.
Để các chính sách hỗ trợ của Ngân hàng nhanh chóng đi vào cuộc sống, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp để hỗ trợ tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho doanh nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tăng cường phối hợp và giám sát quá trình triển khai; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Thông tư số 02 để các đối tượng trong diện thụ hưởng nắm được, giải đáp kịp thời các vấn đề vướng mắc về hồ sơ, thủ tục cho khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ, sớm được tiếp cận chính sách hỗ trợ. Chủ động xử lý khó khăn, vướng mắc trong hệ thống và kịp thời báo cáo, đề xuất NHNN Chi nhánh tỉnh, UBND tỉnh có biện pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền./.
Bài và ảnh: Đức Toàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin