Làm giàu từ nghề đúc đồng truyền thống

07:33, 23/06/2023

Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Xuân Ninh (Xuân Trường) hiện có 1.050 hội viên, sinh hoạt ở 16 chi hội. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, sau khi trở về với cuộc sống đời thường, nhiều CCB trong xã đã phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu tham gia phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Trong số đó, tiêu biểu có CCB Phan Trọng Điền, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đúc đồng Nam Thiên.

Ông Phan Trọng Điền, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đúc đồng Nam Thiên, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) giám sát, hướng dẫn nhân viên hoàn thiện sản phẩm.
Ông Phan Trọng Điền, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đúc đồng Nam Thiên, xã Xuân Ninh (Xuân Trường) giám sát, hướng dẫn nhân viên hoàn thiện sản phẩm.

Xã Xuân Ninh được biết đến là một trong những “cái nôi” lớn của nghề đúc đồng truyền thống với lịch sử phát triển hàng trăm năm. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đến nay, nhiều người dân vẫn giữ được cái nghiệp cha ông để lại, đồng thời phát huy và lan tỏa khắp trong Nam ngoài Bắc, thậm chí vượt biên giới ra nước bạn. Sinh ra trong gia đình có nghề đúc đồng truyền thống, lại ham học hỏi nên ông Điền sớm nắm vững những kỹ thuật đơn giản như sản xuất đồ gia dụng: mâm, bát, xoong, nồi… Sau quá trình học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, ông đã dần phát triển lên đúc đỉnh, lư, hạc, chuông, tượng và đồ thờ các loại. Năm 2010, ông Điền thành lập Công ty TNHH một thành viên Đúc đồng Nam Thiên. Ông Điền được biết đến là một nghệ nhân đúc đồng “khó tính” bởi với ông, mỗi một sản phẩm đúc ra là một tác phẩm nghệ thuật, chứa đựng bao công sức, tâm huyết của người làm. Sản phẩm nào ra đời ông cũng phải cân nhắc kỹ càng, hoàn thiện chỉn chu và không bị lỗi. Ngoài những chiếc chuông, khánh và những sản phẩm đồ thờ, xưởng đúc của gia đình ông Điền còn đúc tượng các vị anh hùng dân tộc, các công trình lớn. Để đúc được những bức tượng có “hồn”, ông còn cẩn thận tìm hiểu về quê hương, gia đình, cố tạo “hồn” cho nhân vật. Anh Vũ Văn Trọng, nhân viên của Công ty cho biết: “Trong cuộc sống, ông Điền rất dễ tính, thoải mái, hòa đồng với mọi người; nhưng đối với công việc, ông luôn yêu cầu chúng tôi làm việc bằng “cái tâm” của người làm nghề. Các công đoạn đều được ông Điền giám sát và kiểm tra cẩn thận, tỉ mỉ nên không xảy ra tình trạng sản phẩm lỗi. Cũng nhờ đó, tay nghề của chúng tôi cũng ngày được nâng cao”. Nhiều năm gần đây, công nghệ dát vàng, mạ vàng được ưa chuộng, nhiều khách hàng muốn đồ đồng được dát vàng, ông Điền lại tiếp tục học hỏi để bắt kịp nhu cầu thị trường. Ông luôn tâm niệm, phải giữ nghề cha ông, đưa các sản phẩm đồ đồng gia truyền tinh xảo, đặc sắc đến nhiều khách hàng hơn nữa. Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, đến nay, Công ty đúc đồng Nam Thiên là địa chỉ được nhiều đơn vị đặt hàng, tin tưởng được lựa chọn thực hiện tu bổ và phục dựng các công trình văn hóa di tích lịch sử đền, chùa… Nhiều công trình tiêu biểu như: tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông ở Am Ngọa Vân tại Chùa Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh; tượng đồng Bác Hồ, chuông đồng… ở nhà thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỉnh Nghệ An… Ngoài việc phát triển công ty, ông còn thường xuyên quan tâm đào tạo truyền nghề cho thế hệ trẻ. Anh Phan Tiến Đạt, con trai của ông Phan Trọng Điền cũng theo bố học nghề từ khi còn nhỏ. Với sự cố gắng, chăm chỉ, hiện nay anh Đạt đã nắm được những kỹ thuật đúc đồng do bố truyền lại.

Là tấm gương sáng trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương, ít ai biết rằng CCB Phan Trọng Điền vẫn mang thương tật sau những năm tháng chiến đấu kiên cường bảo vệ Tổ quốc. Ông hiểu những cơn đau của người thương, bệnh binh vào ngày trái gió trở trời, những nỗi mất mát của những gia đình có người thân hy sinh ngoài mặt trận. Vì vậy, ông thường dùng một phần lợi nhuận của Công ty đúc đồng Nam Thiên để chia sẻ cho những người đồng đội, tạo việc làm cho con của những đồng đội đã anh dũng chiến đấu, hy sinh ngoài mặt trận. Trong số lao động của Công ty, nhiều người là con em đồng đội của ông năm xưa. Với những đóng góp cho sự phát triển của làng nghề đúc đồng truyền thống trên địa bàn tỉnh và các công trình di tích văn hoá, lịch sử trên khắp cả nước, ông Điền đã được trao tặng nhiều danh hiệu như: Danh hiệu Doanh nhân CCB sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2019, nghệ nhân Phan Trọng Điền được BCH Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân tiêu biểu Đông Nam Á. Thành công của ông trong sản xuất, kinh doanh đã góp phần tiếp tục khẳng định và phát huy bản lĩnh trí tuệ của Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế. Đồng chí Đinh Quang Lại, Chủ tịch Hội CCB huyện Xuân Trường cho biết: “Ông Phan Trọng Điền và gia đình luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là tấm gương tiêu biểu, tích cực tham gia các phong trào của hội, thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế để các hội viên khác học tập và noi theo”.

“Thương binh tàn nhưng không phế”, lời Bác Hồ dạy năm xưa đã và đang tiếp thêm sức mạnh cho hàng nghìn thương, bệnh binh vượt lên hoàn cảnh, tiếp tục nỗ lực trên mặt trận mới. Trong những năm tháng xông pha trận mạc, những người lính đã chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc; trong thời bình, trở về quê hương, mặc dù cơ thể không còn lành lặn họ vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", hăng say lao động, làm kinh tế giỏi./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com