Hải Hậu quyết tâm bảo đảm an toàn hệ thống đê biển

08:27, 14/06/2023

Là địa phương có tuyến đê biển dài nhất tỉnh nên hàng năm huyện Hải Hậu luôn quan tâm triển khai thực hiện các biện pháp, phương án phòng, chống thiên tai (PCTT), nhất là bảo đảm an toàn hệ thống đê biển, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong mùa mưa bão.

Nhiều đoạn đê, kè biển Hải Hậu đang tiếp tục được gia cố góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân trong mùa mưa bão năm nay.
Nhiều đoạn đê, kè biển Hải Hậu đang tiếp tục được gia cố góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và người dân trong mùa mưa bão năm nay.

Được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, những năm qua hệ thống đê biển của huyện Hải Hậu đã từng bước được đầu tư xây dựng, sửa chữa kiên cố. Trong tổng số 33,179km đê biển của huyện thì đã có 23,65km được kè kiên cố; 1,51km kè đoạn thuộc địa bàn các xã Hải Lộc, Hải Đông được xây ô và có khả năng chống được bão cấp 9, cấp 10. Đoạn kè Cồn Tròn dài 1,1km mới được tu sửa mái kè và làm thêm cơ giảm sóng; kè Hải Thịnh 3 dài 2,11km mới được nâng cấp, sửa chữa mái đê phía nội đồng. Trên toàn tuyến đê biển có 16 cống, trong đó có 15 cống hoạt động tốt; cống 1-5 thuộc địa bàn thị trấn Thịnh Long đã xuống cấp… Tuy nhiên, phần lớn đê biển của huyện Hải Hậu là đê một tuyến và nằm trên nền đất yếu, bị xuống cấp, mặt đê bị lún, nứt, mái đê phía trong dễ bị sạt lở do mưa lớn hoặc sóng tràn qua mặt đê. Bờ biển nằm trong vùng biển tiến, bãi thoái. Bãi bồi phía biển bị hạ thấp, nhất là các đoạn đê: Cồn Tròn, Hải Thịnh 3, kè mỏ Hải Thịnh 2… dòng chảy áp sát chân đê nên khi gặp triều cường kết hợp gió mạnh tạo sóng lớn áp sát thân đê hoặc mưa lớn gây sạt lở mái đê, kè. Cụ thể, tại kè Cồn Tròn, vị trí K20+500 đến K21+633, xã Hải Hòa, bãi biển bị hạ thấp, dòng chảy áp sát bờ, một số ống buy bị đổ, cấu kiện hàng chân bị sập, một số ống không còn; cấu kiện mái kè bị bào mòn, võng và hay xảy ra sạt lở. Tại vị trí K25 đến K27 của kè Hải Thịnh 3, bãi biển bị hạ thấp, dòng chảy áp sát; cấu kiện mái kè bị bào mòn nhiều, lún võng và bị sạt lở. Đặc biệt cống 1-5 ở thị trấn Thịnh Long được xây dựng từ lâu, lại thường xuyên tiếp xúc với nước mặn nên thân cống, trụ pin bị phong hóa; tường thân, tường đầu, hèm phai cống bị nứt và bị vỡ một số chỗ; dầm, mặt cống giao thông bị nứt, nổ bê tông trật lộ sắt hoen gỉ, yếu; dàn van máy đóng mở cột, sàn bị nứt nổ trật lộ sắt; mái đá tường cánh bị lún và mạch vữa bị thối…

Để bảo đảm an toàn tuyến đê biển trong mùa mưa bão năm nay, UBND huyện Hải Hậu đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) huyện, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn, lĩnh vực để chỉ đạo thực hiện; giao án phận đê điều, chỉ tiêu vật tư dự trữ, phương tiện, lực lượng PCTT và TKCN cho các xã, thị trấn. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác đê theo quy định của Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6-1-2009 của Bộ NN và PTNT. Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về PCTT và TKCN, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương, nhất là hệ thống Đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định về đê điều; tổ chức diễn tập PCTT và TKCN để huấn luyện nghiệp vụ ứng cứu, hộ đê cho các lực lượng chức năng, người dân và nhất là lực lượng xung kích PCTT, lực lượng quản lý đê nhân dân. 

Đồng chí Đỗ Hải Điền, Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu cho biết: “Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện thường xuyên cập nhật kế hoạch PCTT và TKCN, phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai năm 2023 theo quy định, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão bảo đảm sát thực tiễn, hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thủy văn để kịp thời thông tin tới người dân, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là. Khi có thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới, huyện sẽ tổ chức, phân công lực lượng thường trực 24/24 giờ… Đồng chí Nguyễn Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chính cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND, Ban chỉ huy PCTT và TKCN huyện, xã đã thành lập lực lượng xung kích PCTT gồm 250 người là đoàn viên, thanh niên, dân quân tự vệ, công an xóm… Phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành các kỹ năng về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, TKCN cho lực lượng xung kích. Khi có bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào địa bàn, lực lượng xung kích có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ đê, kè, cống để kịp thời phát hiện, báo cáo các hiện tượng bất thường về UBND xã để có biện pháp xử lý. Đồng thời hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu, thuyền đúng nơi quy định, an toàn; giúp nhân dân sơ tán, nhắc nhở các chủ ao, đầm vào nơi tránh trú an toàn và nhận nhiệm vụ ứng cứu hộ đê, cứu hộ, cứu nạn; phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra và khôi phục sản xuất.

Bằng việc triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp PCTT từ huyện đến các xã, thị trấn, đặc biệt là hệ thống bảo vệ đê điều, huyện Hải Hậu quyết tâm bảo đảm an toàn hệ thống đê biển, PCTT hiệu quả, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân khi có tình huống bão./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com