Huyện Giao Thủy có trên 5.000ha nuôi thủy sản (trên 3.900ha nước lợ, trên 1.100ha nước ngọt). Các đối tượng nuôi chủ yếu là ngao, tôm sú, tôm thẻ chân trắng và các loại cá nước ngọt truyền thống. Hiện nay, thời tiết đang mùa nắng nóng gay gắt, dự báo còn kéo dài trong thời gian tới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường nuôi thủy sản. Vì vậy, huyện đang chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản.
Người dân xã Giao An sàng lọc ngao giống sản xuất tại chỗ. |
Từ khoảng đầu tháng 5 đến nay, thời tiết diễn biến phức tạp, đã xuất hiện đợt nắng nóng cao điểm kết hợp với mưa giông gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng thủy sản. Theo đó, tôm dễ bị nhiễm các bệnh như đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh vi bào tử. Thời tiết nắng nóng làm các khí độc như H2S, NH3 sản sinh trong ao nuôi cá nước ngọt khiến các bệnh do ký sinh trùng hoặc bệnh do vi khuẩn, vi-rút như bệnh đốm đỏ, bệnh viêm ruột có cơ hội phát triển và xâm nhập vào cơ thể cá... Đến thời điểm hiện tại chưa phát hiện vùng nuôi nào của huyện bị dịch bệnh. Nguyên nhân, ngay từ đầu vụ nuôi, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện hướng dẫn, phối hợp với người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản nuôi mùa nắng nóng. Các ngành, địa phương tập trung rà soát, quy hoạch phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung tại các xã, thị trấn: Giao Thiện, Quất Lâm, Bạch Long; nuôi ngao ở vùng đệm và phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy... Phòng NN và PTNT huyện yêu cầu UBND xã áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản; tăng cường cán bộ xuống cơ sở nắm bắt tình hình, giám sát và hướng dẫn các hộ nuôi tuân thủ chặt chẽ quy trình, kỹ thuật nuôi; quản lý tốt môi trường nuôi thủy sản, thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe của các đối tượng nuôi. Theo đó, các địa phương đã tập trung điều tra, nắm chắc tình hình sản xuất trên địa bàn, thống kê rõ số hộ nuôi, thời gian thả giống, số lượng giống và nguồn gốc lấy giống. Khuyến cáo các hộ nuôi thủy sản giảm lượng thức ăn hoặc bỏ bữa trưa do thời điểm này nhiệt độ cao khiến các loài thủy sản giảm khả năng bắt mồi và tiêu hóa thức ăn; đồng thời trong điều kiện nhiệt độ cao thức ăn dư thừa dễ ôi thiu, gây ô nhiễm nguồn nước và làm cho thủy sản bị mắc bệnh. Hướng dẫn chủ những ao, đầm thủy sản đã bị bệnh khử trùng nước, tiêu diệt triệt để mầm bệnh trước khi thau thải nước ra ngoài, tránh lây lan dịch bệnh ra vùng nuôi. Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo các hộ nuôi lưu ý, khi tôm, cá đã đạt kích cỡ thương phẩm nên thu hoạch ngay, tránh những sự cố bất lợi và dịch bệnh có thể xảy ra, bổ sung vitamin C vào thức ăn giúp thủy sản tăng cường sức đề kháng.
Xã Giao Thiện là 1 trong 5 xã thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Xuân Thủy, có tổng diện tích nuôi thủy sản gần 1.000ha, tổng sản lượng thu hoạch trung bình hàng năm trên 1.200 tấn; trong đó chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Bám sát sự chỉ đạo của Chi cục Thủy sản (Sở NN và PTNT), Phòng NN và PTNT huyện, chính quyền địa phương, các hộ dân đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản, nhằm hạn chế khả năng rủi ro, góp phần nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản. Gia đình ông Nguyễn Văn Khương hiện đang nuôi 1,2ha tôm thẻ chân trắng. Ông chia sẻ: Nhiều năm nuôi tôm thẻ chân trắng, tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm. Ngay khi bước vào vụ mới tôi đặc biệt chú trọng khâu cải tạo ao đầm và các bước xử lý nguồn nước đảm bảo môi trường nuôi thủy sản. Trong quá trình nuôi, tôi luôn duy trì mực nước hợp lý trong ao để hạn chế những bất lợi do nắng nóng gây ra đồng thời thường xuyên kiểm tra ao để kịp thời điều chỉnh các thông số môi trường cho phù hợp. Nhờ vậy, đến thời điểm này, đầm tôm của gia đình vẫn phát triển đồng đều, khỏe mạnh. Xã Giao Hải có 1,8km bờ biển và vùng bãi triều rộng gần 600ha, trong đó có hơn 200ha bãi bồi. Hiện xã xây dựng vùng nuôi thủy sản nội đồng tập trung rộng 42ha với 37 hộ dân tham gia. Với hơn 2ha nuôi cá truyền thống, ông Mai Văn Nam đầu tư cải tạo hút bùn đáy, xây dựng lại bờ ao, tu sửa bờ cống cấp thoát nước, phủ bạt quanh sườn ao để ngăn cá rúc làm sạt lở bờ, đầu tư máy sục khí, máy cấp nước... Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, ông còn tích cực tham gia các lớp tập huấn về nuôi thủy sản nước ngọt do xã, huyện và một số cơ quan chức năng khác tổ chức. Thời điểm này, ông đã thả thêm bèo tây để che chắn, tránh nắng cho cá, kiểm soát lượng thức ăn cho cá vừa phải, không để cá ăn quá no, gây hại đến đường ruột. Nhờ chăm sóc tốt theo đúng hướng dẫn kỹ thuật nên hơn chục năm qua, chưa vụ nuôi nào của gia đình xảy ra dịch bệnh. Còn tại xã Giao An có khoảng 1.000ha nuôi thủy sản, trong đó ngao là một trong những đối tượng nuôi chủ lực. Chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản. Đối với diện tích nuôi ngao bãi triều, UBND xã yêu cầu người dân tiến hành thu hoạch ngao đã đạt kích cỡ thương phẩm; hàng ngày kiểm tra, san lấp các vũng nước đọng trên mặt bãi tránh nhiệt độ tăng cao cục bộ gây chết ngao; san thưa mật độ ngao dồn vào chân vây, vệ sinh vây, lưới tạo độ thông thoáng cho nước triều lên xuống cung cấp nguồn thức ăn cho ngao.
Với việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản mùa nắng nóng đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi thủy sản của huyện Giao Thủy, hướng tới phát triển nghề ổn định, bền vững./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin