Năng động kinh tế hộ gia đình ở Mỹ Tiến

08:29, 29/05/2023

Những năm gần đây, kinh tế của xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) đạt được những thành tựu quan trọng; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Ngày càng nhiều mô hình làm kinh tế giỏi có tác dụng lan tỏa, kích thích phong trào thi đua lao động, sản xuất sâu rộng trên địa bàn. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 60 triệu đồng; giá trị thu nhập bình quân 1ha canh tác đạt gần 120 triệu đồng. 

Chăm sóc ao cá Koi giống tại gia đình anh Trần Văn Hiếu, thôn Nguyễn Huệ.
Chăm sóc ao cá Koi giống tại gia đình anh Trần Văn Hiếu, thôn Nguyễn Huệ.

Tìm hiểu mô hình kinh tế của gia đình anh Trần Văn Hiếu ở thôn Nguyễn Huệ, nhiều người phải thán phục sự năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm của gia đình anh. Từ khoảng 20 năm trước, anh đã đầu tư làm trang trại với tổng diện tích hơn 3ha ruộng trũng, không có bờ đầm, bờ thửa, cũng chẳng có đường vận chuyển nguyên liệu sản xuất. Lúc đầu, toàn bộ diện tích trang trại anh làm một mô hình lúa - cá để vừa có thu nhập, vừa có thời gian cải tạo đất và tính toán quy hoạch trang trại. “Của ruộng đắp bờ”, dần dần anh phát triển sang trang trại tổng hợp VAC vừa trồng lúa, vừa nuôi thủy sản, nuôi lợn. Bám theo thị trường, đến nay, anh dành phần lớn diện tích trang trại nuôi cá Koi; phần còn lại trồng hàng trăm gốc bưởi Diễn, cau và chăn nuôi gà, vịt. Bình quân, mỗi năm trang trại cho thu hoạch khoảng 20 tấn cá Koi, 1-1,5 vạn quả bưởi Diễn, 15 nghìn con gà thả vườn và trên 1 vạn con vịt chạy đồng. Để có được thành công này, anh đã dày công học hỏi kỹ thuật, cung cách làm ăn được chia sẻ, phổ biến trên mạng internet, qua bạn bè và nỗ lực vượt qua không ít khó khăn. Đặc biệt thời điểm năm 2019 khi dịch tả lợn châu Phi ập đến, cả trại lợn của gia đình đã phải bỏ trống vì nhiễm bệnh. Việc tái đàn sau đó cũng khó khăn bởi vừa thiếu vốn, giá lợn giống và thức ăn chăn nuôi quá đắt; chuồng trại lại phải mất thời gian khử khuẩn dài ngày. Để khắc phục khó khăn trước mắt, anh tận dụng cải tạo chuồng nuôi lợn để nuôi gà thả, trải trấu khô nền chuồng, gác luồng thành giá đỡ hình chóp nón để cho gà đậu ngủ đêm, tránh mưa, tránh nắng, còn ban ngày thả cho chúng tự kiếm ăn trong vườn để gà được vận động. Anh cũng học cách úm gà con để chủ động khâu giống, thực hiện nghiêm việc tiêm phòng đầy đủ cho gà trước khi thả vườn nên gà khỏe; mỗi năm đều đặn xuất bán 3 lứa gà mà vẫn có thời gian để chuồng “nghỉ”, khử khuẩn giữa các lứa. Do đó đàn gà khỏe mạnh, ít hao hụt và cho chất lượng thịt ngon, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Dưới ao, anh mạnh dạn chuyển đổi từ nuôi cá truyền thống sang nuôi cá Koi, cá vàng 3 đuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Anh không ngại cất công đi học hỏi kinh nghiệm từ anh em, bạn bè từ khâu sản xuất giống đến chăm sóc sao cho cá sinh trưởng tốt, lên màu đẹp. Đàn vịt hàng vạn con được chọn đúng thời điểm ương giống, kịp thả cho lội ruộng sau mỗi vụ gặt tháng 5 và tháng 10 để tự tìm thức ăn là thóc rơi vãi, cá, ốc, tôm, tép, rong tảo trong ruộng. Nuôi như thế vừa tiết kiệm chi phí thức ăn lại cho chất lượng thịt ngon; vịt ít mỡ, không bị “hôi” như vịt nuôi nhốt, chỉ ăn thức ăn công nghiệp. Trung bình mỗi năm trang trại của gia đình anh cho doanh thu vài tỷ đồng. Ngoài đảm bảo việc làm của hai vợ chồng, anh chị còn thuê thêm lao động thời vụ giúp thu hoạch cây con. 

Thu hái ổi tại gia đình anh Trần Văn Nhất, thôn Lang Xá.
Thu hái ổi tại gia đình anh Trần Văn Nhất, thôn Lang Xá.

Cũng như gia đình anh Hiếu, gia đình anh Trần Văn Nhất, thôn Lang Xá thành công với mô hình trồng ổi sau nhiều năm thử nghiệm các đối tượng sản xuất, từ thả cá, nuôi gà Đông Tảo, trồng cam Canh, bưởi Diễn, mít… Với diện tích trên 5ha, anh Nhất tập trung trồng giống ổi bo cho trái quanh năm. Cây ổi không tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, mỗi năm cho 2-4 lứa quả. Đặc biệt, anh đã biết lách thời điểm để thu hoạch ổi vào lúc trái vụ và tập trung vào khoảng từ tháng 9 năm nay đến tháng 5 năm sau. Anh Nhất cho biết: tôi luyện cho cây ra quả trái vụ để quả ổi gặp nắng hanh những tháng mùa khô, tiết trời hanh hao, nhiều nắng cho quả ngọt, giòn hơn ổi chính vụ. Hơn nữa thời điểm chính vụ có quá nhiều loại quả như mít, na, nhãn, vải… cùng tới mùa thu hoạch nên nhu cầu tiêu thụ hoa quả dễ bão hòa, giá trị kinh tế không cao. Nhờ vậy mà hơn 5ha với sản lượng khoảng 300 tấn ổi thương phẩm mỗi năm của gia đình anh luôn có thương lái ở các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương tìm đến tận vườn mua. Còn gia đình chị Trần Thị Thu Liên, thôn Lang Xá chuyển đổi thành công từ chăn nuôi lợn sang nuôi gà, ếch và ốc nhồi cho thu nhập ổn định ở mức cao. 

Đó chỉ là một số gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu trong số nhiều mô hình làm kinh tế hộ thành công của xã Mỹ Tiến. Các hộ này vừa góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động ở địa phương vừa là địa chỉ tin cậy để các hộ dân khác đến tham quan, học cách làm ăn. Trên địa bàn xã vì thế đã có các mô hình trồng lúa chất lượng cao, trồng hoa, cây cảnh công nghệ cao; chế biến lương thực, thực phẩm, may gia công quần áo xuất khẩu và buôn bán nhỏ. Mỗi nhà mỗi việc, tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Đến nay toàn xã có 90 trang trại, gia trại, trong đó có 13 trang trại được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận; 118 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó 2 hộ đạt cấp Trung ương, 5 hộ đạt cấp tỉnh, 15 hộ đạt cấp huyện, 96 hộ đạt cấp xã. Phong trào cũng làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, thay đổi tư duy của nông dân về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá. Người dân đã biết phát huy nội lực, khai thác tiềm năng đất đai, sử dụng hợp lý lao động, nâng cao năng lực quản lý điều hành sản xuất, sử dụng vốn quay vòng có hiệu quả, đóng góp tích cực cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn.

Để có được thành công này, ngoài việc quy hoạch gọn vùng sản xuất, giao đất lâu dài cho dân đầu tư tổ chức sản xuất, Đảng ủy, UBND xã, các tổ chức hội, đoàn thể tạo mọi điều kiện hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển kinh tế; tìm kiếm các dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống cây con mới vào sản xuất. Đến nay, chỉ riêng nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất cho nhân dân trong xã từ 2 kênh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 81 tỷ đồng với trên 500 hộ dân được tiếp cận vốn ưu đãi. Kinh tế hộ gia đình ở xã phát triển mạnh và có bước đột phá mới với những mô hình, hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương đã đem lại lợi nhuận đáng kể, cải thiện rõ rệt đời sống cho người dân. 

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, cùng sự cần cù chịu khó của người dân, những mô hình kinh tế hộ trên địa bàn xã Mỹ Tiến đã khơi dậy, tận dụng những tiềm năng thế mạnh, nội lực góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Năm 2022, Mỹ Tiến hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao. Thời gian tới, để tiếp thêm sức mạnh cho kinh tế hộ, chính quyền xã tiếp tục quan tâm, hỗ trợ người dân trong việc triển khai kỹ thuật, hỗ trợ cây trồng, con giống, vật tư để sản xuất hiệu quả. Đồng thời, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác phù hợp để thúc đẩy việc hợp tác, liên kết phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quan tâm hình thành và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chủ lực của địa phương./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com