“Xác định giảm nghèo bền vững là một trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành góp phần tăng trưởng kinh tế. Tập trung chỉ đạo triển khai lồng ghép giảm nghèo bền vững với đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM); động viên sự tham gia tích cực của người dân”. Đây là mục đích, yêu cầu của Kế hoạch số 55-KH/UBND ngày 30-3-2023 của UBND tỉnh về “Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Nam Định”.
Làng nghề mộc mỹ nghệ La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên) thu hút, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. |
Nam Định được Trung ương đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo gắn với Chương trình xây dựng NTM. Với quyết tâm cao, đoàn kết đồng thuận, sáng tạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các nguồn lực để xây dựng NTM, giai đoạn 2008-2020, bằng nhiều giải pháp, toàn tỉnh đã huy động được trên 40 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông thôn; nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 51.577 tỷ đồng (bằng 72,7% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước). Huy động được 19.826 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa, đồng thời thông qua dồn điền, đổi thửa, các hộ nông dân đã góp gần 3.000ha đất nông nghiệp (trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng) và hiến 206ha đất thổ cư (trị giá trên 1.000 tỷ đồng) để xây dựng NTM. (Theo Báo cáo số 81 ngày 21-7-2021 của Tỉnh ủy tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 (khóa X) về nông nghiệp, nông thôn, nông dân).
Từ những bài học kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về “tam nông”, với cách thức vừa học, vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, vừa tổng kết thực tiễn, sau gần 3 năm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp và triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, kinh tế nông nghiệp, nông thôn tỉnh ta có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Quý I năm 2023, tỉnh dẫn đầu cả nước về chương trình xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 182/204 (89,2%) xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao; có 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu: xã Kim Thái (Vụ Bản); Xuân Hòa, Xuân Kiên, Xuân Thượng (Xuân Trường); Giao Thịnh, Giao Phong, Giao Tân (Giao Thủy). Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương trong tỉnh hướng tới mục tiêu: tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, lấy đó làm thước đo cao nhất. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), năm 2016, tỉnh ta có 33.864 hộ nghèo, chiếm 5,7%; 36.474 hộ cận nghèo, chiếm 6,13% thì đến tháng 4-2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 1,32% và hộ cận nghèo là 3,45%. Thời gian qua, Sở LĐ-TB và XH thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, bổ sung và xác nhận đúng đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo làm cơ sở thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đúng mục tiêu, đúng đối tượng. Cụ thể, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các cơ quan hữu quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 trên địa bàn tỉnh Nam Định; Nghị quyết Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức và phương án phân bổ ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Nam Định. Trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, như: Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 27-1-2022 thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 20-4-2022 thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Nam Định; Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 30-6-2022 thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 tỉnh Nam Định...
Phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững cho 11.088 hộ nghèo, 32.062 hộ cận nghèo theo Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 31-5-2018 của Chính phủ như: Cấp 15.358 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, kinh phí thực hiện 12 tỷ 464 triệu đồng; cấp 72.271 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, kinh phí thực hiện 58 tỷ 530 triệu đồng; cấp 257.413 thẻ BHYT cho người có mức sống trung bình, kinh phí thực hiện 171 tỷ 967 triệu đồng. Các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho 603.403 lượt người thuộc hộ nghèo, kinh phí thực hiện 258 tỷ 793 triệu đồng; Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 995 lượt hộ nghèo, kinh phí thực hiện 67 tỷ 525 triệu đồng; 5.030 lượt hộ cận nghèo, kinh phí thực hiện 365 tỷ 744 triệu đồng; 2.827 lượt hộ mới thoát nghèo, kinh phí thực hiện 207 tỷ 517 triệu đồng; 526 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, kinh phí thực hiện hơn 21 tỷ đồng; 26.614 học sinh, sinh viên được miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập, với tổng kinh phí 9 tỷ 725 triệu đồng; hỗ trợ học nghề cho 96 người nghèo, kinh phí hỗ trợ 319 triệu đồng... Quỹ “Ngày vì người nghèo” đã hỗ trợ xây mới 137 nhà, kinh phí thực hiện 6 tỷ 552 triệu đồng; Sửa chữa 24 nhà, kinh phí thực hiện 420 triệu đồng; 100% hộ nghèo đủ điều kiện được các huyện hỗ trợ tiền điện. Toàn tỉnh hiện có trên 88 nghìn đối tượng được trợ giúp thường xuyên tại cộng đồng với số tiền trên 567 tỷ đồng/năm, gồm: trên 84 nghìn đối tượng bảo trợ xã hội trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng; hơn 4.000 hộ gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng, hộ gia đình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc.
Bên cạnh đó, Nam Định được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện có hiệu quả các mô hình liên kết giữa các trường đào tạo nghề với doanh nghiệp; gắn đào tạo nghề với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn được đặc biệt coi trọng, thông qua các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp kết hợp với đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề tăng từ 31,5% (năm 2010) lên 74% (năm 2022). Trong quý I-2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 7.500 lượt người lao động (trong đó: 752 người đi xuất khẩu lao động, đạt 53,7% kế hoạch); tuyển sinh đào tạo nghề cho 5.980 người.
Theo Kế hoạch số 55 ngày 30-3-2023 của UBND tỉnh về “Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Nam Định”, tỉnh hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phấn đấu, hết năm 2023 tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) giảm 0,6%; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin) và các chính sách giảm nghèo; từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống; đảm bảo giảm nghèo bền vững; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi từ hệ thống các Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng khác để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu tiên, hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo về tín dụng, giáo dục, dạy nghề, y tế, giải quyết việc làm; chính sách hỗ trợ nhà, chính sách hỗ trợ tiền điện đối với hộ nghèo. Xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất; xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm... Vận động toàn dân hưởng ứng thực hiện hiệu quả phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”./.
Bài và ảnh: Việt Thắng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin