Giải quyết vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa

21:17, 10/05/2023

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) đã được tỉnh ta quyết liệt chỉ đạo từ ngay sau khi triển khai công tác DĐĐT vào năm 2011. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT của tỉnh vẫn rất chậm trễ và còn nhiều vướng mắc.

Dồn điền, đổi thửa giúp nông dân xã Xuân Ngọc (Xuân Trường) có quỹ đất tập trung liền vùng để tổ chức sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn.
Dồn điền, đổi thửa giúp nông dân xã Xuân Ngọc (Xuân Trường) có quỹ đất tập trung liền vùng để tổ chức sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn.

Tiến độ ì ạch

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), việc cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện. Để giúp các huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Sở đã ban hành Hướng dẫn số 899/HD-STNMT ngày 27-4-2015 hướng dẫn các huyện chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ địa chính, cấp đổi GCNQSDĐ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất nông nghiệp sau DĐĐT trên địa bàn tỉnh; trong đó đã hướng dẫn cụ thể các phần việc cấp huyện phải làm, các phần việc cấp xã phải làm. Trong quá trình triển khai, Sở TN và MT đã có rất nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn phát sinh, lập phương án xử lý cấp GCNQSDĐ ở cho hộ gia đình, cá nhân; tham mưu cho UBND tỉnh hàng năm giao chỉ tiêu cấp đổi GCNQSDĐ nông nghiệp sau DĐĐT cho các địa phương trên cơ sở đăng ký của các huyện để đôn đốc, thúc đẩy tiến độ thực hiện của các địa phương. Tuy nhiên, kết quả tiến độ thực hiện hàng năm vẫn chậm so với kế hoạch được giao.

Theo số liệu tổng hợp báo cáo của UBND các huyện, tính đến ngày 25-12-2022, tiến độ thực hiện luỹ kế là: UBND xã đã lập 411.024 hồ sơ; Hội đồng xã đã xét duyệt 398.450 hồ sơ; UBND huyện đã thẩm định 379.312 hồ sơ. UBND cấp huyện đã ký quyết định 370.771 hồ sơ, đạt 81,9% tổng số hồ sơ cần cấp đổi; UBND huyện đã ký 302.352 GCN, đạt 66,7% tổng số hồ sơ cần cấp đổi. Theo đó, so với tổng số hồ sơ đã ký quyết định cần cấp đổi thì còn tới hơn 68 nghìn hồ sơ huyện chưa ký để cấp GCN. Đáng chú ý, bên cạnh một số huyện cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT đạt kết quả cao, đạt trên 80% như Hải Hậu thì có những huyện kết quả rất thấp. Tại Giao Thuỷ, huyện mới ký quyết định 24.788/48.499 hồ sơ GCN cần cấp đổi, đạt 51,11%. Tại huyện Nam Trực, trong năm 2022 tỉnh giao ký quyết định cấp đổi 2.000 GCN, huyện đã ký 32.013 giấy, vượt chỉ tiêu giao của năm nhưng cũng mới đạt 57% tổng số giấy cần cấp, đáng kể số GCN đã giao chỉ đạt 23% so với số giấy đã ký quyết định cấp đổi. Trong quý I-2023, tiến độ cấp GCN sau DĐĐT trên toàn tỉnh cũng chưa có nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực; nhiều địa phương tiếp tục chậm, thậm chí rất chậm. 

Nhiều khó khăn, vướng mắc 

Nhận diện về nguyên nhân tình trạng chậm trễ kể trên, theo Sở TN và MT, về chủ quan, việc thực hiện DĐĐT ở nhiều xã chưa bám sát theo các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh cũng như hướng dẫn của Sở TN và MT dẫn đến hồ sơ sau DĐĐT của các xã, thị trấn lập không đầy đủ, đồng bộ, thiếu chính xác nên khi thực hiện chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ cấp GCN cho hộ dân phải mất rất nhiều thời gian tiến hành rà soát, bổ sung hoàn thiện lại hồ sơ. Bản đồ và hồ sơ địa chính tại 68 xã, thị trấn quá cũ nát nên không thể tiến hành chỉnh lý bản đồ, lập hồ sơ cấp GCN ngay được mà phải tổ chức đo đạc, lập lại hồ sơ địa chính. Tuy nhiên, đến nay, trong tổng số 68 xã, mới có 16 xã đang thực hiện đo đạc, 20 xã đang lập thiết kế kỹ thuật, còn lại 32 xã chưa triển khai (Nghĩa Hưng còn 17 xã, Giao Thủy còn 5 xã, Vụ Bản 7 xã, Ý Yên 3 xã). UBND các xã, thị trấn chưa tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT. Theo quy định, các xã phải bố trí kinh phí từ nguồn thu tiền sử dụng đất được phân bổ lại địa phương (10%) để chi cho công tác quản lý đất đai nói chung, cho công tác cấp đổi GCN nói riêng. Tuy nhiên một số xã không có nguồn thu từ đất (không có khu đô thị, khu dân cư tập trung, không có quỹ đất xen kẹt để đưa vào đấu giá quyền sử dụng đất) nên không có nguồn cho thực hiện nhiệm vụ này.

Về khách quan, trong số các hộ còn lại chưa cấp GCNQSDĐ, quá trình lập hồ sơ các địa phương gặp một số khó khăn như đất có tranh chấp; chủ sử dụng đất đi làm ăn xa, không về địa phương để làm thủ tục; chủ hộ chết nhưng chưa thống nhất được người thừa kế; nhiều hộ vi phạm tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Thông tin cá nhân của chủ sử dụng đất có nhiều biến động (từ chứng minh thư nhân dân sang căn cước công dân) nên việc hoàn thiện hồ sơ kéo dài thời gian. Về chủ quan, nhiều huyện chưa tập trung đôn đốc, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện; kiểm tra thẩm định hồ sơ cấp GCNQSDĐ. Một phần do lực lượng cán bộ tại các Phòng TN và MT ít trong khi khối lượng công việc lớn. Riêng việc để xảy ra tình trạng tồn đọng trên 68 nghìn hồ sơ huyện chưa ký GCN trong khi hồ sơ cấp đổi đã ký duyệt là do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện (đơn vị thực hiện phần việc viết cấp phôi, viết giấy chứng nhận sau khi Phòng TN và MT chuyển quyết định phê duyệt danh sách cấp đổi GCN và hồ sơ kèm theo); từ đó Phòng TN và MT các địa phương không thể trình UBND huyện ký GCNQSDĐ. 

Cần phối hợp vào cuộc đồng bộ

Trong khi các cơ quan chức năng đang loay hoay phân định trách nhiệm thì việc chậm trễ trong cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT đã gây ra không ít khó khăn cho người dân, khiến họ chưa yên tâm đầu tư để phát triển sản xuất; không thể sử dụng QSDĐ thế chấp để vay vốn đầu tư làm ăn. Mới đây, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình các nội dung kiến nghị của cử tri thuộc lĩnh vực đất đai và tài chính; trong đó lãnh đạo Sở TN và MT, các huyện, thành phố đã trực tiếp giải trình các nội dung liên quan đến việc chậm cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT. Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thành công tác cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT trên địa bàn toàn tỉnh, Sở TN và MT đề nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo UBND cấp huyện: Tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành công tác cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT cho các hộ gia đình, cá nhân. Đối với các địa phương chưa hoàn thành việc cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT phải nghiêm túc thực hiện việc bố trí 10% nguồn thu tiền sử dụng đất được phân bổ lại để chi cho công tác cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT.

Tại phiên giải trình, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đều khẳng định việc hoàn tất công tác cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT là không thể tiếp tục chậm trễ và đã yêu cầu Sở TN và MT, các địa phương cần tập trung ưu tiên số một cho giải quyết dứt điểm việc cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT. Yêu cầu Sở TN và MT tham mưu với tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, trong đó, buộc các huyện phải đăng ký gia hạn và nghiêm túc thực hiện đúng tiến độ, thời hạn được giao. Sở TN và  MT cũng phải đề xuất các biện pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm các địa phương tiếp tục để chậm tiến độ. 

Để gỡ khó tình trạng một số xã không có nguồn thu từ đất để chi cho công tác cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT thì các huyện phải có phương án cân đối và phân bổ trong tổng thu ngân sách từ đất của huyện cho nhiệm vụ này. Riêng việc đo đạc, lập lại bản đồ, hồ sơ địa chính quá cũ nát, nên áp dụng phương án các huyện đứng lên lập dự án, làm chủ đầu tư, điều tiết chung nhiệm vụ đo đạc, lập lại bản đồ, hồ sơ cho tất cả các xã, thị trấn cần chỉnh lý, bởi nếu để từng xã tự làm riêng vừa rất mất thời gian là nhiều khó khăn, tốn kém. Đối với việc chậm cấp phôi, viết GCNQSDĐ để trình ký thì các huyện và Sở TN và MT phải tăng cường phối hợp trong công tác giám sát, đôn đốc các Phòng TN và MT, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện nâng cao trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ này. Cấp cơ sở cần quyết liệt vào cuộc hơn nữa mới có thể chấm dứt tình trạng ì ạch trong cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT, sớm hoàn thành nhiệm vụ theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người dân, nâng cao hiệu quả quản lý đất đai của Nhà nước./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com