Gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động

08:25, 30/05/2023

Từ kinh nghiệm của một cơ sở đào tạo nghề

Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định được thành lập theo Quyết định 1488/QĐ-BLĐTBXH ngày 15-10-2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sáp nhập 6 trường trung cấp vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nam Định và đổi tên thành Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định. Hiệu trưởng Đinh Văn Hoản cho biết: Hiện tại trường đào tạo 11 nghề trình độ cao đẳng, 30 nghề trình độ trung cấp, 36 nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng. Trong các nghề trường đào tạo, có một nghề cấp độ quốc tế là nghề hàn; cấp độ khu vực ASEAN có 2 nghề là công nghệ ô tô và điện công nghiệp; cấp độ quốc gia là 15 ngành/nghề gồm: Xây dựng và hoàn thiện công trình thuỷ lợi, quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí, điện tử công nghiệp, may thời trang, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, điện tử dân dụng, công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ, chăn nuôi - thú y, nuôi trồng thủy sản, đúc dát đồng mỹ nghệ, gia công thiết kế sản phẩm mộc, hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ lễ tân, kỹ thuật chế biến món ăn. Một trong những điểm nổi bật trong hoạt động đào tạo của nhà trường chính là việc phối hợp với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh thực hiện mô hình “đào tạo kép”, gắn kết chặt chẽ việc thực học, thực hành và trang bị cho học sinh, sinh viên (HSSV) nhiều kỹ năng mềm để thích ứng với môi trường làm việc hiện đại. Mô hình “đào tạo kép” giúp doanh nghiệp được tham gia vào quá trình đào tạo, thuận lợi tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng; đồng thời giúp nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo cũng như tạo cơ hội cho HSSV có việc làm ngay sau khi ra trường. Trình độ tay nghề của HSSV ngày càng cao, được doanh nghiệp tin tưởng tuyển dụng với tỷ lệ HSSV sau tốt nghiệp có việc làm đạt 100%. Cụ thể, nhà trường tạo điều kiện cho học sinh đi thực tập trải nghiệm từ 2,5 đến 5 tháng tại các công ty như Công ty CP Kim khí Thăng Long, Công ty Điện lạnh Hòa Phát… HSSV đi thực tập tại doanh nghiệp ngoài trau dồi kỹ năng nghề còn được học hỏi nhiều kỹ năng cần thiết cho đến khi ra trường như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm với tác phong chuyên nghiệp... Khoản thu nhập khi đi thực tập được doanh nghiệp trả từ 3,5 đến 5 triệu đồng cũng giúp các em có thêm nguồn tài chính để chi trả sinh hoạt phí hoặc tích lũy. Với uy tín về chất lượng đào tạo, hàng năm, HSSV của trường được các doanh nghiệp đến tuyển ngay từ năm thứ 2, thứ 3...

Các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu vị trí việc làm, ngành nghề cho các ứng viên là học sinh, sinh viên tại Ngày hội việc làm năm 2023.
Các doanh nghiệp tư vấn, giới thiệu vị trí việc làm, ngành nghề cho các ứng viên là học sinh, sinh viên tại Ngày hội việc làm năm 2023.

Toàn tỉnh hiện có 33 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN); trong đó có 26 cơ sở GDNN công lập (gồm 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp và 15 trung tâm) và 7 cơ sở GDNN khác là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia hoạt động GDNN. Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện; đội ngũ giáo viên, giảng viên GDNN không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo từng bước được đầu tư đổi mới, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người học; chương trình đào tạo và các ngành nghề được mở rộng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Theo thống kê hàng năm, HSSV tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, có trường đạt 100%, mức lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng; Một số nghề, học sinh chưa nhận bằng tốt nghiệp song đã được doanh nghiệp nhận vào làm việc (như các nghề hàn, may, công nghệ ô tô...). Công tác đào tạo đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể, từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”. Ngành nghề đào tạo phát triển đa dạng, phong phú gắn với nhu cầu doanh nghiệp, thị trường lao động; gắn với chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đào tạo nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật phục vụ cho thu hút đầu tư ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có trên 1 triệu lao động trong độ tuổi đang làm việc trong các ngành kinh tế. Nhìn chung, nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã dần đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động về trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỷ luật và tác phong lao động. Năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo nghề được 35.200 người (trong đó đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng 2.967 người), đạt 100% kế hoạch năm 2022 và đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo GDNN lên 48%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,5% (đạt 100% kế hoạch năm, tăng 1,5% so với năm 2021). Từ kinh nghiệm của Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nam Định cho thấy cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác đào tạo nghề để cung ứng cho thị trường lao động nguồn nhân lực có chuyên môn vững vàng, kỹ năng đa dạng có thể đáp ứng nhanh yêu cầu của doanh nghiệp, từ đó bảo đảm khả năng tìm kiếm việc làm với thu nhập tốt cho người lao động.

Những giải pháp chiến lược

Với mục tiêu phát triển nhanh GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 131/KH-UBND ngày 29-9-2022 về thực hiện Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xác định phát triển GDNN theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển một số cơ sở GDNN, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới. Đến năm 2025, thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào hệ thống GDNN. Tỷ lệ ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia đạt 80%. bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chất lượng đào tạo của một số trường tiệm cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiệm cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%. Đến năm 2030: Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%.

Một trong những giải pháp nâng cao chất lượng GDNN của tỉnh trong giai đoạn hiện nay là: Gắn kết chặt chẽ GDNN với doanh nghiệp và thị trường lao động. Đẩy mạnh thực thi cơ chế hợp tác “3 Nhà”: Nhà nước, Nhà trường, Nhà doanh nghiệp, người sử dụng lao động, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong các hoạt động GDNN trên cơ sở hài hòa lợi ích và trách nhiệm xã hội. Gắn kết GDNN với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất - kinh doanh và thị trường lao động theo từng vùng, địa phương, phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đối tượng đặc thù, lao động từ khu vực phi chính thức, lao động bị thất nghiệp hoặc có nguy cơ thất nghiệp. Đẩy mạnh dự báo nhu cầu đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai. Khai thác hiệu quả dữ liệu, thông tin thị trường lao động quốc gia kết hợp với điều tra định kỳ hoặc đột xuất về các nhu cầu của doanh nghiệp hoặc người sử dụng lao động về nguồn nhân lực, kỹ năng lao động và nhu cầu đào tạo và phản hồi của người học đã tốt nghiệp để phục vụ công tác quản lý và đào tạo. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp và các tổ chức khoa học - công nghệ về GDNN. Khuyến khích hình thành các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại cơ sở GDNN chất lượng cao. Tăng cường nghiên cứu khoa học GDNN theo hướng ứng dụng và chuyển giao công nghệ với sự tham gia của người học, nhà giáo, chuyên gia, nghệ nhân, người sử dụng lao động. Gắn hoạt động đào tạo với chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đẩy mạnh hướng nghiệp trước, trong và sau đào tạo nghề nghiệp; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho người học và các hoạt động hỗ trợ người học khởi nghiệp, tự tạo việc làm; xây dựng không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở GDNN và hệ sinh thái khởi nghiệp GDNN tại các địa phương trong tỉnh./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com