Nhân rộng điển hình nông dân làm theo Bác

08:33, 28/04/2023

Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cán bộ, hội viên Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tích cực đưa việc học và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên, tạo sức lan toả sâu rộng. Qua đó đã xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, là “hạt nhân” để nhân rộng phong trào.

Anh Nguyễn Văn Cường, xã Hải Đông (Hải Hậu) phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.
Anh Nguyễn Văn Cường, xã Hải Đông (Hải Hậu) phát triển mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.

Đến thăm mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình anh Đinh Văn Ngôn, hội viên nông dân chi hội xóm An Khang, xã Trực Cường (Trực Ninh), chúng tôi được chứng kiến quy mô sản xuất với những dãy chuồng kiên cố, đảm bảo vệ sinh môi trường. Xuất thân từ một gia đình thuần nông, với khát vọng làm giàu, anh Ngôn đã mạnh dạn đầu tư thực hiện một số mô hình nhưng không thành công. Sau khi đi tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế tại nhiều địa phương, anh quyết tâm đầu tư xây dựng mô hình nuôi chim bồ câu Pháp sinh sản. Những năm đầu, do gặp nhiều khó khăn về kinh nghiệm chăn nuôi và vốn đầu tư nên thu nhập chỉ đủ trang trải trong gia đình. Anh đã tích cực tham gia các phong trào của các cấp Hội và địa phương; học hỏi, tích lũy kiến thức, mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trở thành hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi về chăn nuôi chim bồ câu với số lượng trên 2.000 con chim bố mẹ. Anh Ngôn chia sẻ: “Nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi nhốt, kỹ thuật ấp điện nên tôi đã theo dõi, quản lý tốt chế độ chăm sóc, phòng bệnh; tỷ lệ trứng nở tăng đem lại hiệu quả kinh tế cao”. Mỗi năm, gia đình anh xuất ra thị trường trên 12 nghìn con chim bồ câu thương phẩm, với giá từ 140-150 nghìn đồng một cặp, thu nhập trên 800 triệu đồng/năm. Gia đình anh còn tạo việc làm ổn định cho 3 lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Với những kinh nghiệm, kiến thức về chăn nuôi chim bồ câu, anh đã chia sẻ, giúp đỡ các hội viên khác về kỹ thuật, con giống cũng như tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, các hội viên trong xã Trực Cường đã mạnh dạn đầu tư với quy mô nuôi từ 200-300 con chim bố mẹ theo hình thức bán công nghiệp, góp phần nhân rộng mô hình. Trong thời gian tới, xã sẽ thành lập tổ HND nghề nghiệp chăn nuôi chim bồ câu nhằm phát huy hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ”, giúp cho nhiều gia đình hội viên nông dân vươn lên trở thành hộ khá, giàu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Không chỉ năng động phát triển kinh tế, trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu ở địa phương, anh Ngôn còn tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường, tu sửa nâng cấp đường làng, ngõ xóm; tích cực tham gia phân loại, xử lý rác hữu cơ tại nguồn bằng men vi sinh, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đưa đi xử lý theo đúng quy định…

HND xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng) có 10 chi HND, 1 chi HND nghề nghiệp với tổng số 2.244 hội viên. Những năm qua, HND xã đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW với các phong trào thi đua trọng tâm của Hội. HND xã giao chỉ tiêu thi đua gắn với những nhiệm vụ cụ thể cho các chi hội, xây dựng mẫu đăng ký học tập và làm theo Bác cho từng cán bộ, hội viên. Thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân, các chi hội ở cơ sở đều xây dựng quỹ, đến nay tổng số quỹ là 302 triệu đồng. Để giúp hội viên có nguồn vốn phát triển sản xuất, HND xã đã chú trọng xây dựng, tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Bên cạnh đó, HND xã trực tiếp nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành và quản lý 16 tổ tiết kiệm và vay vốn, cho 538 hộ vay với tổng dư nợ 429 tỷ đồng. Qua các nguồn vốn của ngân hàng, nông dân trong xã đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập. Từ năm 2021 đến đầu năm 2023, toàn xã có 622 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. HND xã còn hỗ trợ hội viên thành lập 1 tổ hợp tác nuôi cá mú với 23 thành viên, 1 tổ hội nghề nghiệp và tổ hợp tác nuôi tôm thẻ chân trắng với 15 thành viên. Các chi, tổ hội luôn đoàn kết, có cách làm sáng tạo để quảng bá tốt sản phẩm, nhãn hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng được mối liên kết trong sản xuất theo chuỗi giá trị. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, HND xã chỉ đạo chi hội 5 làm điểm xây dựng tuyến đường hoa với chiều dài 200m, góp phần vào tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu của xóm; đồng thời vận động hội viên nông dân và nhân dân xây dựng gia đình, làng xóm văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang... Những việc làm cụ thể, thiết thực của cán bộ, hội viên nông dân xã Phúc Thắng đã góp phần vào thành tích chung của địa phương, từng bước nâng cao vai trò, vị thế của Hội.

Mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình anh Đinh Văn Ngôn, hội viên nông dân chi hội xóm An Khang, xã Trực Cường (Trực Ninh) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình anh Đinh Văn Ngôn, hội viên nông dân chi hội xóm An Khang, xã Trực Cường (Trực Ninh) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, những năm qua, các cấp HND trong tỉnh đã phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, hội viên nông dân, cụ thể hóa việc đẩy mạnh học tập và làm theo Bác thông qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Qua đó tác động tích cực đến chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, tạo sự chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề ở nông thôn, từng bước khai thác tiềm năng, thế mạnh về lao động cũng như nguồn lực trong nông dân, góp phần gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu; nhiều cán bộ Hội cơ sở tâm huyết, năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó, gắn bó với phong trào, xây dựng cơ sở Hội vững mạnh. Điển hình như ông Vũ Xuân Kiên, hội viên chi hội Nguyễn Quất, xã Hải Thanh (Hải Hậu); bà Ngô Thị Dung, hội viên chi hội tổ dân phố số 3, thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng); ông Trần Văn Khoa, hội viên chi hội thôn Nội An, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); ông Phạm Đức Thuần, hội viên xã Tân Khánh (Vụ Bản); ông Nguyễn Văn Luyến, chi hội trưởng xóm 7, xã Nam Vân (thành phố Nam Định); bà Đinh Thị Dung, chi hội trưởng xóm Hải Đông, xã Giao Hải (Giao Thủy); bà Vũ Thị Hằng, chi hội trưởng xóm 10, xã Thọ Nghiệp (Xuân Trường)… Ngoài ra, nhiều hoạt động nổi bật khác được các cấp HND quan tâm, thực hiện thường xuyên như: tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh; quan tâm chăm lo đời sống hội viên nghèo, gia đình chính sách… Để nhân rộng các điển hình cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các cấp HND trong tỉnh luôn chú trọng công tác thi đua, khen thưởng. Trong đó năm 2023, đã có 10 tập thể, 10 cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị được các cấp Hội đề nghị khen thưởng./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com