Rau mầm là loại rau sạch có giá trị dinh dưỡng cao. Không những thế, trồng rau mầm có nhiều ưu điểm như đầu tư thấp, ít hao tốn nhân lực, thu hồi vốn nhanh và không tốn diện tích. Do vậy, sản xuất rau mầm trở thành mô hình kinh tế đô thị nhiều triển vọng trong bối cảnh diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở đô thị ngày càng bị thu hẹp. Chị Nguyễn Thị Lan, đường Nguyễn Văn Trỗi (thành phố Nam Định) đã khởi nghiệp thành công từ mô hình rau mầm.
Chị Nguyễn Thị Lan kiểm tra quá trình sinh trưởng của rau trong giai đoạn nhú mầm. |
Là con gái nông thôn, lấy chồng chị Lan mới ra thành phố sinh sống. Vốn tính đảm đang, hay lam hay làm, chị Lan vẫn thích trồng cấy dù đất đai không có nhiều. Làm nhân viên thị trường cho một hãng sữa nên chị cũng có nhiều thời gian làm việc tại nhà. Chị vẫn thường lên mạng tham khảo các mô hình trồng rau trong nhà ở đô thị. Năm 2020 khi dịch bệnh COVID-19 ập đến, với tính lo xa, chị đã mua hạt giống rau để dành. Con nhà nông nên chị biết chọn loại hạt chuyên để làm giống. Rau mầm sản xuất từ loại hạt làm giống này mới thực sự an toàn, bổ dưỡng vì hạt rau không bị tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật (vì thời gian sinh trưởng của rau mầm khá ngắn, không thể phân hủy hết), rau sản xuất bằng loại hạt rau người dân tự để giống có nguy cơ còn tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật. Sản phẩm rau mầm chị trồng không chỉ phục vụ cho gia đình mà còn hỗ trợ bà con trong khu phố, đúng thời điểm thị trường khan hiếm rau xanh, giãn cách nên món hàng chị bán rất được ưa chuộng. Trong quá trình làm, chị lên mạng học hỏi thêm kinh nghiệm. Dịch hết thì chị cũng thuần thục các kỹ thuật trồng rau mầm; khách hàng cũng đã quen thuộc với sản phẩm của chị; mọi người trong khu phố động viên chị tiếp tục mở rộng mô hình trồng rau mầm. Chị đã sang cơ sở sản xuất rau mầm ở Ninh Bình để học hỏi thêm kinh nghiệm.
Điểm đặc biệt của rau mầm là chỉ sử dụng dinh dưỡng từ hạt giống để sinh trưởng trong khoảng thời gian ngắn (chỉ từ 5 đến 8 ngày); quá trình chăm bón chỉ cần tưới nước vừa đủ mà không cần bổ sung bất kỳ nguồn dinh dưỡng nào khác. Việc trồng rau mầm trong khay không đòi hỏi diện tích lớn, vốn đầu tư ít; tận dụng được thời gian nhàn rỗi nên rất phù hợp cho phát triển nông nghiệp đô thị. Ngoài vai trò là một loại thực phẩm sạch, rau mầm còn là bài thuốc chữa nhiều bệnh phổ thông, đã trở thành món ăn phổ biến vừa sang trọng, vừa dân dã trong mỗi bếp ăn gia đình.
Vậy là chị có thêm động lực, quyết tâm đầu tư phát triển mô hình kinh tế gia đình, mua thêm khay, giá thể và lựa chọn hạt giống chất lượng cao. Khoảng sân chừng 40m2 trước nhà được chia đôi, một nửa thuận đón ánh sáng mặt trời để kê giá nhiều tầng trồng rau, còn một nửa làm nhà tối để ủ hạt, ươm mầm rau trước khi đưa ra ánh sáng tự nhiên. Những tưởng mọi việc sẽ rất trôi chảy, nhưng khi khởi nghiệp “làm lớn” thì chị vấp ngay thử thách trong khâu thị trường tiêu thụ. Dù đã có kinh nghiệm, có khách hàng quen thuộc là người dân khu phố đã từng mua rau mầm của chị để dùng, nhưng khi mở rộng sản xuất quy mô hàng hóa thì việc tiêu thụ sản phẩm lại không dễ. Bởi lẽ là rau mầm nên “tuổi thọ” sản phẩm rất ngắn. Bên cạnh đó, nhiều người dân chưa biết nhiều về loại rau này, cách sử dụng, chế biến nên khi sản phẩm nhiều thì tiêu thụ khó khăn. Chị phải đóng gói rồi tự mang rau đi khắp các chợ trong thành phố vừa bán, vừa cho, ký gửi rau ở các cửa hàng thực phẩm sạch… chủ yếu để giới thiệu quảng bá về rau mầm tới người tiêu dùng nhưng kết quả vẫn không như kỳ vọng. Nhiều hôm, sáng mang rau tươi tốt đến gửi các cửa hàng, chiều lại đi thu về những khay rau đã héo rũ hết giá trị sử dụng. Chị vận dụng mọi kinh nghiệm thị trường trước đây đã tích lũy được và quyết định chuyển hướng tiêu thụ, mang rau đến các nhà hàng, khách sạn. Sự lựa chọn này có hiệu quả ngay bởi rau mầm rất phù hợp để chế biến các món Âu như salat, bò bít tết và dùng để trang trí các món ăn. Trong khi trước đó các nhà hàng thường phải nhập rau mầm từ tỉnh ngoài nên giá cao và thời gian cung ứng lâu trong khi rau mầm phải bảo quản tương đối kỹ lưỡng, thời gian lưu trữ ngắn. Từ đó sản lượng rau mầm cung ứng ra thị trường cứ tăng dần theo từng thời điểm và mùa vụ. Hiện tại chị Lan cung ứng ra thị trường 3 loại rau mầm chính là rau cải, mầm rau muống và giá đỗ với sản lượng trung bình từ 10-30kg/ngày cho khoảng 20 khách hàng thường xuyên. “Hữu xạ tự nhiên hương”, khách hàng lẻ qua thưởng thức ở các nhà hàng quán ăn, đã biết và quen với loại rau này đã tự tìm đến gia đình chị để mua rau và đặt hàng một số loại rau. Nhiều người đặt mua rau mầm của chị về làm thuốc trị bệnh.
Theo chị Lan, “để chất lượng rau mầm đạt chuẩn thì nhiệt độ, ánh sáng, môi trường, nước tưới phải sạch và phù hợp”. Do đó chị đã chọn xơ dừa làm giá thể, tuân thủ tuyệt đối quy trình khử khuẩn, xử lý giá thể và đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực ươm mầm, gieo hạt trong suốt quá trình trồng. Để rau xanh mướt, cứng cây, giữ nguyên vị đặc trưng, phải tuân thủ quy trình ngày đầu, gieo hạt, đậy kín hoàn toàn; ngày thứ hai, chuyển đến nơi có ánh sáng vừa phải; ngày thứ 3 ánh sáng hơi nhiều và ngày thứ tư là ánh sáng tự nhiên chỉ che mát khoảng không bên trên. Rau mầm rất mẫn cảm, chỉ một vài cây bị hỏng là có thể lây lan sang cây khác ngay, vì vậy phải theo dõi hàng ngày để phát hiện và loại bỏ ngay cây hỏng. Rau mầm mượn giá thể để sống và sống chủ yếu nhờ nước. Trong quá trình chăm sóc, cần lưu ý độ ẩm của rau, không để thiếu nước nhưng tránh quá thừa nước vì sẽ gây úng rễ, hư rau. Khi rau mầm được 5-6 ngày, dài khoảng 10cm thì thu hoạch, cắt gốc và cho vào hộp, bảo quản trong tủ mát để rau được tươi lâu. Chuẩn hóa vườn rau theo quy trình sản xuất an toàn ngay từ những ngày đầu sản xuất, bỏ chi phí cao hơn để lấy nguồn giá thể, hạt giống đảm bảo chất lượng. Rau của cơ sở luôn đảm bảo “4 không”: Không sử dụng thuốc hóa học, phân hóa học, không sử dụng nước nhiễm bẩn và không dùng thuốc kích thích tăng trưởng”.
Tuy góp mặt trên thị trường chưa lâu nhưng các mặt hàng rau mầm của gia đình chị Lan đang được người tiêu dùng trong tỉnh tin tưởng lựa chọn. Ngoài các loại rau mầm phổ thông được sử dụng nhiều là rau muống và cải, giá đỗ, chị Lan đang không ngừng đa dạng các mặt hàng, đặc biệt là hướng đến những sản phẩm có giá trị cao như mầm đậu nành, mầm hạt hướng dương, mầm củ cải đỏ, mầm đậu Hà Lan… để phục vụ nhu cầu rau ăn dặm cho trẻ nhỏ./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin