Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ quá trình đô thị hóa: Kỳ 2 - Phương án khai thác tối đa lợi ích kinh tế từ các đô thị

18:11, 09/03/2023

(tiếp theo và hết)

Phát triển hệ thống đô thị đã đóng góp lớn cho sự nghiệp tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế so với yêu cầu thực tiễn nên tốc độ đô thị hóa của tỉnh còn chậm. Với nền tảng sẵn có, trước yêu cầu và mục tiêu phát triển đã đặt ra trong thời gian tới, nhất là theo Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đang tạo nhiều cơ hội cũng như đặt ra các yêu cầu cho chính quyền và các ngành chức năng phải gia tăng giải pháp thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, khai thác tối đa 
các lợi ích.

Nhờ đẩy mạnh đô thị hóa giúp huyện Nghĩa Hưng nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư về địa bàn (Trong ảnh: Xây dựng nhà xưởng sản xuất tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông).
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Nhờ đẩy mạnh đô thị hóa giúp huyện Nghĩa Hưng nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư về địa bàn (Trong ảnh: Xây dựng nhà xưởng sản xuất tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông). 

Kỳ II: Phương án khai thác tối đa lợi ích kinh tế từ các đô thị

Theo đánh giá của UBND tỉnh, do nguồn lực còn hạn chế nên hệ thống các đô thị trên địa bàn tỉnh đa phần là các đô thị nhỏ, chưa đáp ứng mục tiêu của quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị tỉnh đến năm 2020 đã xác định. Hệ thống các đô thị trong tỉnh có sự đối lập, chênh lệch rõ nét về quy mô, chất lượng đô thị; chưa có mối liên kết chặt chẽ với nhau, thiếu đồng bộ, nhất là về hạ tầng khung. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung của đô thị còn chưa tích hợp các loại quy hoạch chuyên ngành, thành phần với quy hoạch sử dụng đất. Cấu trúc các đô thị phần lớn theo hướng phát triển hướng tâm với 1 trung tâm lớn thường nằm ở giao lộ các trục giao thông liên vùng nên khi đô thị phát triển quy mô, thường ảnh hưởng đến chất lượng đô thị (sinh thái, dịch vụ, di chuyển). Phần lớn các đô thị trong tỉnh được hình thành và phát triển chủ yếu dựa trên cơ sở chức năng hành chính và mức độ tập trung dân cư trên địa bàn mà nên; trong đó ít có sự nghiên cứu sâu về tính chất tiền đề và động lực hình thành chuyên ngành (như công nghiệp, du lịch và dịch vụ) làm nền tảng hình thành và phát triển; điều này cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng còn thấp nên sức hút của đô thị chưa cao; ảnh hưởng tới tốc độ đô thị hoá và quy mô phát triển đô thị. Nhìn chung, các đô thị chưa phát huy vai trò làm động lực phát triển vùng Nam đồng bằng sông Hồng, chưa tạo ra bản sắc của từng đô thị. Tốc độ đô thị hóa của tỉnh nhìn chung còn chậm, mới đạt tỷ lệ 20,3%, thấp hơn so với tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc (33,8%). 

Để đẩy nhanh tiến độ đô thị hóa, theo kịp xu thế chung của quốc gia, quốc tế, khai thác tối đa lợi ích kinh tế từ đô thị, trên cơ sở nhận diện các hạn chế kể trên, tỉnh ta đã quan tâm hoạch định phương án, giải pháp thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị có kế hoạch, có lộ trình. Ngay trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh dự báo đến 2030 toàn tỉnh xây dựng, phát triển 26 đô thị, trong đó, sẽ có 1 thành phố (Nam Định là thành phố tỉnh lỵ, đô thị loại I; 1 thị xã thuộc tỉnh là đô thị Rạng Đông - Thịnh Long, phấn đấu là đô thị loại III) và 6 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V (theo Quyết định 241/QĐ-TTg ngày 24-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc đến 2030).  Về tỷ lệ đô thị hóa, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 25%; đến 2030 là 32% và định hướng đến năm 2050 là 70%. Xây dựng thành phố Nam Định mở rộng trở thành đô thị loại I là thành phố trực thuộc tỉnh; đô thị Rạng Đông - Thịnh Long, đạt tiêu chí đô thị loại III - là thị xã trực thuộc tỉnh vào trước năm 2030. Tầm nhìn phát triển đến 2050, hệ thống đô thị Nam Định thông minh, hiện đại, được phát triển có trọng điểm với định hướng hình thành các đô thị lớn gắn với các đường vành đai xanh đô thị, làm đầu kéo cho phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được tiếp tục đầu tư đồng bộ, hợp lý và hiện đại, tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải thủy - bộ, vận tải đô thị với các địa bàn lân cận, giữa thành phố Nam Định với các thành phố, đô thị khác trong tỉnh, khu vực vùng đồng bằng sông Hồng; có sự tập trung cao các yếu tố như vốn, lao động và các dịch vụ công nghệ kỹ thuật cũng như khả năng kinh doanh của các cá thể và tổ chức kinh tế trong cộng đồng đô thị cùng với sức cạnh tranh thị trường và sự tác động qua lại lẫn nhau giữa nhiều yếu tố như quy mô, ngoại ứng, nội sinh.

Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết gồm: Phát triển hệ thống đô thị theo hướng hình thành các đô thị lớn nhằm tăng trưởng dân số dịch vụ và việc làm, định hướng dịch cư; làm đầu kéo phục vụ cho phát triển công nghiệp và dịch vụ trong tỉnh. Hạn chế sự phát triển phân tán, tự phát, thiếu kiểm soát; ưu tiên phát triển trước hệ thống các trung tâm đô thị, thu hút đầu tư xã hội và tạo điểm tựa cho các khu dân cư và chức năng khác phát triển theo. Yêu cầu gắn kết không gian phát triển đô thị với không gian phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở liên kết, hỗ trợ giữa mạng lưới đô thị với các khu điểm kinh tế và điểm dân cư nông thôn. Trong đó đặc biệt lưu ý việc nghiên cứu, phát triển các trọng điểm đô thị như: thành phố Nam Định, đô thị Rạng Đông; đô thị Cao Bồ và các đô thị ở Xuân Trường - Giao Thủy; khu sinh thái Giao Thủy; Khu du lịch Đền Trần và phân bố các khu, cụm sản xuất, các khu kinh tế tập trung khác trong tổng thể cấu trúc chiến lược về không gian kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và môi trường.

Để tạo kích thích lớn cho đô thị hóa diện rộng, tỉnh định hướng các lĩnh vực tạo đột phá phát triển đô thị đến năm 2030 bao gồm: Đột phá về phát triển không gian lãnh thổ và phát triển kinh tế đô thị; trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính như thiết lập các đường vành xung quanh các đô thị nhỏ để tạo các điều kiện hình thành 6 vùng đô thị lớn gồm: Vùng thành phố Nam Định là vùng đô thị trung tâm đến 2030 và 2050; vùng đô thị Cao Bồ (gồm thị trấn Lâm, đô thị 4 xã huyện Ý Yên, thị trấn Bo, Yên Chính) là vùng đô thị đối trọng đến 2030 và sẽ phát triển thành trung tâm đến 2050; vùng đô thị Liễu Đề (thị trấn Liễu Đề, đô thị Nghĩa Minh và thị trấn Ninh Cường) là vùng đô thị vệ tinh; vùng đô thị Rạng Đông (thị trấn Rạng Đông, thị trấn Quỹ Nhất, thị trấn Thịnh Long và Khu kinh tế Ninh Cơ) là vùng đô thị phát triển đối trọng đến 2030 và thành trung tâm đến 2050; vùng đô thị 7 thị trấn (Xuân Trường, Cát Thành, Cổ Lễ, Yên Định, Quất Lâm, Xuân Hồng, Xuân Ninh) là vùng đô thị vệ tinh; vùng đô thị Giao Thủy (thị trấn Ngô Đồng, đô thị Đại Đồng) là vùng đô thị phát triển đối trọng đến 2030 và thành trung tâm đến 2050. Khi hình thành các vùng đô thị lớn sẽ phát huy sức cạnh tranh nội vùng lớn hơn nhiều so với một đô thị. Tỉnh định hướng thiết lập 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo bao gồm: Vùng đô thị trung tâm tỉnh (thành phố Nam Định và thị trấn Mỹ Lộc); đô thị Cao Bồ; đô thị Rạng Đông - Thịnh Long và vùng đô thị Giao Thủy (thị trấn Ngô Đồng, đô thị Đại Đồng). Tỉnh còn định hướng phát triển kinh tế đô thị dựa trên việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các đô thị trọng điểm, đô thị mới, gắn với các chương trình phát triển và nâng cấp của từng đô thị trong tỉnh, phù hợp với kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030. Trong đó, ngoài việc cải tạo, nâng cấp thành phố Nam Định xứng tầm vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và vùng nam đồng bằng còn thúc đẩy xây dựng các thị trấn các huyện, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giúp cho thị trường bất động sản có tốc độ tăng trưởng khả quan, gia tăng cơ hội phát triển các ngành khác như công nghiệp, du lịch, dịch vụ...

Tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tích cực nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để đầu tư, chỉnh trang hạ tầng đô thị đảm bảo theo quy định của pháp luật và phù hợp với đặc thù của tỉnh. Tập trung huy động, khai thác nguồn vốn đầu tư từ nhiều thành phần kinh tế để tăng cường nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại tạo vị thế, hấp dẫn mới, thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và kéo theo hàng loạt cơ hội chuyển dịch cơ cấu kinh tế; ưu tiên đầu tư cho các đô thị trọng điểm, động lực để tập trung ưu tiên đầu tư, tạo sức hút sự lan tỏa cho các địa phương, thúc đẩy đô thị hóa toàn diện. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển vào lĩnh vực hạ tầng thương mại, dịch vụ nhất là các dự án dịch vụ hậu cần xuất nhập khẩu (Logistics) tại các trọng điểm phát triển, các khu kinh tế, các khu công nghiệp. Công khai danh mục, tăng cường kêu gọi đầu tư các dự án nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống đô thị, như đầu tư trường học, bệnh viện chất lượng cao, các khu vui chơi giải trí, xử lý nước thải, rác thải; quan tâm đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh có diện tích lớn tại các đô thị.

Cùng với đó, các ngành tiếp tục rà soát các nhiệm vụ có liên quan để ưu tiên tổ chức thực hiện song song, thiết thực tạo hiệu ứng cộng hưởng, phối hợp chung, thống nhất, hình thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, hướng tới mục tiêu chung là đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và khai thác tối đa lợi ích kinh tế từ quá trình đô thị hóa đem lại./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com